Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 01 tháng 07 năm 2024,
Tin mới y tế ngày 30/5: Hơn 400 loại thuốc chữa bệnh được gia hạn
D.Ngân - 30/05/2024 07:46
 
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa có quyết định công bố gia hạn số đăng ký lưu hành 401 loại thuốc sản xuất trong nước thiết yếu để phục vụ nhu cầu đấu thầu, điều trị và phòng chống dịch.

Gia hạn thêm 401 thuốc phục vụ khám chữa bệnh

Cục Quản lý Dược vừa ký quyết định gia hạn số đăng ký lưu hành, danh mục 401 thuốc sản xuất trong nước, trong số này có 256 loại thuốc được gia hạn 5 năm; 140 loại thuốc được gia hạn 3 năm và 5 loại thuốc được gia hạn đến ngày 31/12/2025.

Caption ảnh

Cục Quản lý Dược yêu cầu cơ sở sản xuất và cơ sở đăng ký thuốc có trách nhiệm sản xuất thuốc theo đúng các hồ sơ, tài liệu đã đăng ký với Bộ Y tế và phải in số đăng ký được Bộ Y tế Việt Nam cấp lên nhãn thuốc;

Chỉ được sản xuất, đưa ra lưu hành các thuốc kiểm soát đặc biệt khi có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược phạm vi kinh doanh thuốc phải kiểm soát đặc biệt phù hợp với phạm vi hoạt động của cơ sở đáp ứng quy định tại khoản 5 điều 143 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược.

Trước đó, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa gia hạn số đăng ký cho hơn 500 thuốc, biệt dược phục vụ đấu thầu, điều trị. Trong số này gồm 414 thuốc sản xuất trong nước được gia hạn giấy đăng ký lưu hành trong thời gian 5 năm (409 thuốc) và 3 năm (5 loại thuốc). Ngoài ra, có 68 biệt dược gốc được công bố. Đây là lần công bố thứ 3 về biệt dược gốc của Bộ Y tế từ đầu năm đến nay.

Trước đó, Bộ Y tế đã có các đợt cấp mới, gia hạn và công bố hàng nghìn thuốc sản xuất trong nước, biệt dược gốc và các thuốc, nguyên liệu làm thuốc thực hiện Nghị quyết 80 của Quốc hội

Được biết thời gian qua các cơ sở  y tế vật vã vì vấn nạn thiếu thuốc chữa bệnh. Lãnh đạo Bộ Y tế là ông Trần Văn Thuấn cho hay, Bộ đã thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này.

Cụ thể, thực hiện Nghị quyết 80/2023/QH15 của Quốc hội, Bộ Y tế đã có nhiều đợt công bố gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh.

Bên cạnh đó, cơ quan này đã phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo thực hiện việc điều chỉnh giá thuốc kê khai, kê khai lại đối với các mặt hàng do tăng giá khách quan;

Bộ Y tế cũng thực hiện phân cấp toàn diện phê duyệt thẩm quyền quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầ mua thuốc cho các cơ sở y tế trực thuộc Bộ; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện mua sắm tập thuốc quốc gia, đàm phán giá; Tăng cường công bố các thông tin phục vụ đấu thầu

Phối hợp cùng các địa phương và các cơ sở y tế rà soát các vướng mắc liên quan tới việc đảm bảo thuốc, trang thiết bị vật tư y tế để tổng hợp đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết hoặc hướng dẫn, trả lời kiến nghị theo thẩm quyền;

Đồng thời tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và các giải pháp nhằm ổn định tư tưởng cho cán bộ y tế và chuyên gia thẩm định hồ sơ; tiếp tục đề xuất các giải pháp khắc phục tình trạng công chức và chuyên gia thẩm định xin thôi việc hoặc không tham gia thẩm định hồ sơ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết hồ sơ trực tuyến;

Gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả thực hiện công tác đấu thầu trong phạm vi phụ trách. Người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm chủ động giải quyết những khó khăn, vướng mắc, xử lý tình huống theo các quy định của pháp luật;

Tăng cường kiểm tra, giám sát và cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, khắc phục tình trạng né tránh, không tham mưu, không đề xuất, đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên hoặc sợ trách nhiệm, không dám thực hiện.

Lãnh đạo Bộ Y tế nói rằng, cơ quan này cũng đã phối hợp với nhiều bộ, ngành sửa đổi các văn bản pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế. Đồng thời tạo khung khổ pháp lý rõ ràng, minh bạch cho các đơn vị tham gia đấu thầu và cán bộ y tế yên tâm thực hiện. Việc này sẽ giải quyết căn cơ hướng tới khắc phục triệt để vấn đề thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế.

Tuy nhiên còn nhiều việc cần tiếp tục chỉ đạo và có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, cơ sở y tế. Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nêu trên và tăng cường kiểm tra, giám sát và cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, khắc phục tình trạng né tránh, không tham mưu, không đề xuất, đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên hoặc sợ trách nhiệm, không dám thực hiện.

Số liệu đáng lo ngại về tai nạn thương tích

Trung bình mỗi năm ghi nhận 33.863 trường hợp tử vong, trong đó tai nạn giao thông là nguyên nhân hàng đầu, tiếp đến là đuối nước, tự tử, tai nạn lao động, điện giật, động vật cắc, hóc dị vật...

Đại diện Cục Quản lý Môi trường Y tế cho biết, tử vong do tai nạn thương tích theo nhóm tuổi trung bình giai đoạn 2015 - 2020 cho thấy nhóm từ 20-59 có tỷ lệ tử vong cao nhất, chiếm đến 66,14% (trong đó nam giới chiếm tỷ lệ cao hơn nữ); tiếp đến là nhóm trên 60 tuổi với 17,4%; thứ 3 là nhóm từ 15-19 tuổi với tỷ lệ 6,7%...

10 tỉnh, thành phố có tỷ suất tử vong do tai nạn giao thông cao nhất trung bình giai đoạn 2015-2020 là Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu, Gia Lai, Kon Tum, Lào Cai, Điện Biên, Yên Bái, Bắc Kạn và Bình Phước.

Từ phân tích những nguyên nhân gây ra tai nạn thương tích các chuyên gia cho rằng, việc phát hiện sớm tai nạn thương tích, điều trị kịp thời sẽ góp phần nâng cao sức khoẻ, chất lượng sống cho người bệnh.

Chuyên gia cũng nhấn mạnh đến vai trò cấp cứu trước viện đối với tai nạn thương tích, giúp giảm biến chứng và tử vong trước khi người bệnh tiếp cận được nhân viên y tế hoặc đến bệnh viện điều trị.

Để giảm tai nạn thương tích một số ý kiến đề xuất cần phải tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của sơ cấp cứu trước viện và vận chuyển nạn nhân tai nạn thương tích. Cùng đó, cơ quan chức năng liên quan phải tham gia đào tạo cho cộng đồng về những kỹ năng sơ cứu cơ bản.

Một đề xuất nữa được các chuyên gia nêu ra đó là cần phải sớm triển khai đào tạo mã ngạch nhân viên cấp cứu ngoại viện, đồng thời hoàn thiện hệ thống điều phối thông tin cấp cứu trước viện tại Trung tâm 115.

Hiệu quả của đề án bệnh viện vệ tinh tại Bệnh viện Bạch Mai

Theo PGS-TS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, triển khai Đề án 1816 năm 2024, Bệnh viện được Bộ Y tế cấp kinh phí 4 tỷ đồng để triển khai triển khai các hoạt động chỉ đạo tuyến, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ chuyên môn, khám chữa bệnh từ xa...

Đề án 1816 đã được Bộ Y tế giao Bệnh viện Bạch Mai triển khai liên tục trong suốt 16 năm qua. Đến nay, Bệnh viện Bạch Mai là đơn vị được đánh giá triển khai Đề án 1816 hiệu quả và điển hình trong cả nước.

Cụ thể, khắc phục được khó khăn về tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực tại nhiều bệnh viện miền núi phía Bắc, đồng thời đưa đội ngũ cán bộ chuyên môn có trình độ và các dịch vụ y tế chuyên sâu về tận cơ sở giúp cho khoảng cách chất lượng dịch vụ y tế ngày càng được kéo gần hơn.

Từ năm 2023 đến nay, Bệnh viện đã triển khai ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với 8 tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Nam Định, Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu, Thái Bình, Bắc Giang.

Bệnh viện cũng triển khai thỏa thuận ký kết hợp tác hỗ trợ toàn diện với UBND các tỉnh nhằm nâng cao năng lực chuyên môn khám chữa bệnh nói chung, đặc biệt là chuyên ngành Hồi sức cấp cứu nói riêng cho 8 tỉnh.

TS. Dương Huy Lương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đánh giá cao vị trí và vai trò của Bệnh viện Bạch Mai trong công tác chỉ đạo tuyến, đào tạo, hợp tác và hỗ trợ các tuyến y tế cơ sở.

Điều này góp phần rút ngắn khoảng cách về chất lượng giữa các tuyến y tế, giảm tải cho tuyến trên và người dân các địa phương, nhất là vùng khó khăn, xa xôi có được những cơ sở y tế tốt phục vụ bà con.

Bệnh viện thiếu nhiều loại thuốc chữa bệnh
Chiều 16/9, TS. Phạm Thanh Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội cho biết còn 2 tuần nữa bệnh viện này hết thuốc tê phục vụ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư