Thứ Tư, Ngày 09 tháng 07 năm 2025,
Tin mới y tế ngày 9/7: Sự sống hồi sinh từ ca mổ đầy thách thức của hai bệnh viện lớn
D.Ngân - 09/07/2025 09:26
 
Giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, một sản phụ mắc lao phổi kháng thuốc nặng đã được cứu sống nhờ ca mổ đặc biệt. Hơn cả một cuộc phẫu thuật, đó là nỗ lực phi thường để giữ lại hai sinh mệnh mong manh.

Sự sống hồi sinh từ ca mổ đầy thách thức giữa hai đầu ngành y

Một ê-kíp gồm 11 nhân viên y tế của Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã khẩn trương có mặt tại Bệnh viện Phổi Trung ương để phối hợp thực hiện ca mổ cấp cứu, lấy thai cho sản phụ 30 tuổi đang mang thai ở tuần thứ 35 và mắc lao phổi kháng thuốc nặng. 

Các bác sỹ đang trong quá trình thực hiện phẫu thuật cho sản phụ.

Đây là một ca bệnh đặc biệt nghiêm trọng, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng và chuyên sâu giữa hai bệnh viện tuyến đầu, nơi một bên điều trị các bệnh lý hô hấp phức tạp, một bên là chuyên khoa hàng đầu về sản phụ khoa và chăm sóc sơ sinh.

Trước đó một ngày, Bệnh viện Phụ sản Trung ương nhận được đề nghị hỗ trợ khẩn cấp từ Bệnh viện Phổi Trung ương. Bệnh nhân là chị L.T.H, 30 tuổi, mang thai lần đầu, đang điều trị lao phổi tái phát có kháng rifampicin, một trong những loại thuốc điều trị lao chính yếu.

Đây là thể lao kháng thuốc đặc biệt nguy hiểm, có nguy cơ cao gây suy hô hấp và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. Bệnh nhân có tiền sử điều trị lao cách đây 3 năm, lần tái phát này gây tổn thương nặng ở cả hai bên phổi, đặc biệt là phổi trái gần như mất hoàn toàn chức năng.

Khi thai nhi càng lớn, áp lực lên lồng ngực tăng khiến tình trạng suy hô hấp của sản phụ ngày càng nghiêm trọng. Các bác sỹ đánh giá việc tiếp tục chờ đợi thai đủ ngày đủ tháng là quá mạo hiểm, có thể gây nguy hiểm tính mạng cho cả mẹ và con bất cứ lúc nào.

Ngay sau cuộc hội chẩn liên viện, hai đơn vị đã thống nhất phương án phẫu thuật cấp cứu ngay tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Sáng sớm 8/7, kíp mổ ngoại viện từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương nhanh chóng có mặt, mang theo đầy đủ dụng cụ phẫu thuật, thuốc men, thiết bị hồi sức sơ sinh và lồng ấp di động để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.

Bệnh viện Phổi Trung ương chịu trách nhiệm hồi sức trước mổ và đảm bảo chức năng hô hấp cho bệnh nhân, trong khi Bệnh viện Phụ sản Trung ương đảm nhiệm phẫu thuật sản khoa và chăm sóc sơ sinh sau mổ.

Ca mổ diễn ra căng thẳng trong hơn 30 phút. Bé trai nặng 2.200g chào đời an toàn, hồng hào trong niềm xúc động và nhẹ nhõm của cả ê-kíp. Sau khi ra đời, em bé được giữ ấm, hỗ trợ hô hấp bằng lồng ấp di động và được tiếp xúc da kề da với mẹ trước khi chuyển về Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương để tiếp tục được chăm sóc chuyên sâu.

Bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng khoa Sản Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Phụ sản Trung ương người chỉ huy ca phẫu thuật, chia sẻ, việc đồng thời điều trị lao kháng thuốc cho mẹ và bảo vệ sự sống của thai nhi là bài toán khó, đòi hỏi sự tính toán kỹ lưỡng và phối hợp chặt chẽ.

Trong khi đó, Thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Viết Nghĩa, Trưởng khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết thêm, sản phụ mang thai non tháng, lại trong tình trạng suy hô hấp nên kíp gây mê phải xây dựng phương án dự phòng kỹ lưỡng, lường trước mọi tình huống khẩn cấp có thể xảy ra trong và sau mổ. Sự phối hợp chuyên nghiệp, kịp thời giữa hai ê-kíp chính là yếu tố then chốt quyết định thành công của ca mổ.

Trường hợp của sản phụ L.T.H không phải là ca mổ cấp cứu đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Phổi Trung ương với sự hỗ trợ chuyên môn trực tiếp từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

Gần 10 trường hợp tương tự đã được triển khai thành công trong những năm gần đây, cho thấy hiệu quả rõ nét của mô hình phối hợp liên viện, vừa bảo đảm an toàn tính mạng cho sản phụ có bệnh lý đặc biệt, vừa giúp thai nhi được chăm sóc đúng chuyên môn trong những giờ phút quan trọng nhất của cuộc đời.

Nhập viện vì viêm tụy cấp do biến chứng từ sỏi túi mật không điều trị

Sau 4 ngày liên tục bị đau âm ỉ vùng thượng vị không thuyên giảm, ông N.X.C. (51 tuổi, Hà Nội) đã đến Bệnh viện Đa khoa Medlatec thăm khám. Qua các bước kiểm tra lâm sàng và cận lâm sàng, các bác sỹ xác định ông mắc viêm tụy cấp. Đây là biến chứng nguy hiểm xuất phát từ sỏi bùn túi mật, căn bệnh mà trước đó ông hoàn toàn không hay biết.

Theo chia sẻ từ bệnh nhân, ông xuất hiện cơn đau âm ỉ vùng thượng vị kéo dài, đôi lúc đau quặn từng cơn, lan ra sau lưng, kèm theo cảm giác chướng bụng và buồn nôn. Tiền sử bệnh lý của ông gồm đái tháo đường đang điều trị và hai đợt gout cấp, không có thói quen uống rượu bia hay hút thuốc lá.

Bác sỹ tiến hành chụp cắt lớp vi tính ổ bụng và phát hiện tình trạng viêm tụy cấp thể phù nề (Balthazar C, CTSI 2 điểm).

Đáng chú ý, kết quả siêu âm tại MEDLATEC cho thấy ông C. bị sỏi bùn túi mật, sự tích tụ của tinh thể cholesterol, sắc tố mật và dịch mật đặc trong túi mật, tồn tại dưới dạng bùn. Tuy không phải là sỏi rắn, sỏi bùn vẫn có khả năng gây tắc nghẽn ống mật hoặc kích thích túi mật, từ đó gây ra viêm tụy cấp.

Kết luận cho thấy viêm tụy cấp ở bệnh nhân là biến chứng trực tiếp từ sỏi túi mật không điều trị. Ngay sau đó, các bác sỹ đã chỉ định ông C. nhập viện để theo dõi và điều trị tích cực theo phác đồ chuyên biệt.

Theo BSNT. Phạm Thị Quế, Trung tâm Tiêu hóa, Hệ thống Y tế Medlatec, sỏi túi mật là một trong những bệnh lý tiêu hóa phổ biến tại Việt Nam, thường gặp ở người trung niên, cao tuổi và người có lối sống ít vận động, chế độ ăn giàu chất béo, ít chất xơ. Bệnh thường diễn biến âm thầm, không có triệu chứng rõ rệt ở giai đoạn đầu nên dễ bị bỏ qua.

Sỏi túi mật hình thành do sự kết tủa các thành phần trong dịch mật, tạo thành sỏi trong lòng túi mật. Triệu chứng điển hình có thể bao gồm đầy bụng, khó tiêu, đau âm ỉ hoặc dữ dội ở vùng hạ sườn phải hoặc vùng thượng vị, buồn nôn…

Tuy nhiên, không ít trường hợp người bệnh không cảm nhận được dấu hiệu bất thường cho đến khi xuất hiện biến chứng như viêm tụy cấp, viêm đường mật, hoặc nhiễm trùng huyết, những tình trạng có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Bác sỹ Quế nhấn mạnh việc phát hiện và điều trị sớm sỏi túi mật đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa biến chứng. Phương pháp điều trị có thể bao gồm dùng thuốc tan sỏi ở một số trường hợp phù hợp, hoặc phẫu thuật cắt túi mật nếu sỏi lớn, gây triệu chứng hoặc biến chứng. Ngoài ra, bệnh nhân cần thay đổi chế độ sinh hoạt, ăn uống khoa học và tái khám định kỳ.

Để phòng ngừa sỏi túi mật, bác sỹ Quế khuyến cáo người dân cần chú trọng chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ, thịt đỏ, tăng cường rau xanh và uống đủ nước. Không nên nhịn ăn kéo dài và cần duy trì cân nặng hợp lý.

Những người sử dụng thuốc tránh thai cần thăm khám định kỳ và sử dụng theo hướng dẫn của bác sỹ. Bên cạnh đó, việc vận động thể chất đều đặn, tẩy giun định kỳ và sử dụng các loại trà lợi mật như atiso, nhân trần... cũng có thể góp phần giảm nguy cơ hình thành sỏi.

Đặc biệt, việc khám sức khỏe định kỳ 6-12 tháng/lần là giải pháp quan trọng giúp phát hiện sớm sỏi túi mật và các bệnh lý đường tiêu hóa, từ đó có hướng xử trí kịp thời. Điều này đặc biệt cần thiết đối với những người thuộc nhóm nguy cơ cao như người béo phì, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, phụ nữ sau sinh...

Trường hợp của ông C. là lời cảnh tỉnh đối với nhiều người chủ quan trước các triệu chứng nhẹ vùng bụng. Phát hiện và điều trị sớm sỏi túi mật không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe hệ tiêu hóa mà còn ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng.

Giảm 30% mỡ nội tạng sau một tháng điều trị béo phì

Chỉ sau một tháng áp dụng phác đồ điều trị béo phì đa mô thức, chị Thảo (25 tuổi) đã giảm được 5 kg và 30% lượng mỡ nội tạng, yếu tố quan trọng giúp kiểm soát tình trạng gan nhiễm mỡ, mỡ máu và rối loạn nội tiết.

Khi đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, chị Thảo cao 1,52 m, nặng 71 kg, chỉ số BMI ở mức 30,7, tương ứng với béo phì độ hai.

Kết quả đo mỡ nội tạng cho thấy mức 142 cm², vượt xa ngưỡng an toàn (100 cm²). Ngoài ra, chị còn mắc gan nhiễm mỡ, tăng lipid máu, tăng đường huyết và hội chứng buồng trứng đa nang, một rối loạn nội tiết phổ biến ở phụ nữ béo phì trong độ tuổi sinh sản.

Theo TS.BS Lê Bá Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì, mỡ nội tạng là lớp mỡ bao quanh các cơ quan như gan, thận, ruột… có vai trò bảo vệ và dự trữ năng lượng.

Tuy nhiên, khi tích tụ quá mức, loại mỡ này có thể làm rối loạn quá trình sản xuất hormone, gây viêm và dẫn đến hàng loạt biến chứng nghiêm trọng như đái tháo đường type 2, bệnh tim mạch, gan nhiễm mỡ không do rượu, xơ gan và rối loạn chức năng sinh sản.

Trước tình trạng này, chị Thảo được xây dựng phác đồ điều trị cá thể hóa, phối hợp giữa nhiều chuyên khoa gồm nội tiết, dinh dưỡng và y học vận động.

Bác sỹ chỉ định sử dụng thuốc giảm cân đường tiêm giúp kiểm soát cảm giác đói, tăng cảm giác no, từ đó giảm lượng calo nạp vào cơ thể. Đồng thời, chị cũng được kê thêm thuốc điều trị gan nhiễm mỡ, giảm mỡ máu, ổn định đường huyết và hỗ trợ điều hòa nội tiết.

Về dinh dưỡng, bác sỹ tư vấn thực đơn cân bằng, đủ chất, kiểm soát tổng lượng calo nạp vào thấp hơn mức tiêu hao, tạo ra sự thâm hụt năng lượng cần thiết để đốt cháy mỡ thừa.

Chị được khuyến khích ăn nhiều rau xanh, chất xơ tạo cảm giác no lâu và bổ sung vitamin, protein nạc để duy trì khối cơ và thúc đẩy trao đổi chất. Việc hạn chế đường, chất béo bão hòa và tăng cường uống nước cũng được đưa vào chế độ sinh hoạt hàng ngày.

Bên cạnh đó, chuyên viên vận động đã xây dựng bài tập riêng cho chị Thảo dựa trên thể trạng và nhịp sinh hoạt. Các bài tập sức bền và kháng lực được điều chỉnh tăng dần cường độ, đảm bảo hiệu quả mà không ảnh hưởng đến công việc hay cuộc sống thường nhật.

Sau một tháng, chị Thảo giảm còn 66 kg, diện tích mỡ nội tạng giảm 30%, các chỉ số gan nhiễm mỡ và đường huyết được cải thiện rõ rệt. “Quan trọng nhất là quá trình giảm cân diễn ra bền vững, không gây mất nước hay khối cơ cho thấy cơ thể chị Thảo thích nghi tốt với phác đồ điều trị”, bác sỹ Ngọc khẳng định.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư