Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 12 tháng 09 năm 2024,
Tỉnh đầu tiên của Việt Nam thu được tiền nhờ giảm phát thải carbon khi trồng lúa
Nhung Bùi - 12/09/2024 10:10
 
Đắk Lắk là tỉnh đầu tiên ở nước ta bán được lượng giảm phát thải carbon từ lúa với giá 20 USD/tấn giảm CO2.

Bằng cách triển khai thí điểm mô hình trồng lúa giảm phát thải, mới đây, Đắk Lắk bán thành công cho một doanh nghiệp trong nước lượng giảm phát thải carbon gần 17 tấn, thu về 8,3 triệu đồng, với giá 20 USD/tấn.

Mô hình thí điểm được triển khai trong vụ đông xuân 2023 - 2024 trên diện tích 4,2 ha tại xã Bình Hòa (huyện Krông Ana). Bên mua là Công ty cổ phần Net Zero Carbon, cũng là đơn vị phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk triển khai mô hình.

Sau hơn 3 tháng thực hiện, mô hình trồng lúa phát thải thấp đã mang lại kết quả tích cực. Năng suất trung bình đạt gần 11,7 tấn/ha, tăng hơn 0,93 tấn/ha so với mô hình đối chứng; chi phí đầu tư giảm được 2.891.800 đồng (giảm 9,44%) so với đối chứng. Lợi nhuận ròng của mô hình đạt gần 94,8 triệu đồng/ha, tăng trên 15,5 triệu đồng so với mô hình đối chứng (tương đương 19,55%).

Đặc biệt, bằng cách tưới ngập khô xen kẽ, giảm phân bón, giảm giống…, mô hình giúp giảm phát thải gần 4 tấn khí nhà kính mỗi ha, nâng tổng lượng giảm phát thải CO2 tương đương là 16,91 tấn.

Đắk Lắk là tỉnh đầu tiên thu được tiền nhờ giảm phát thải carbon khi trồng lúa.

Ông Trần Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Net Zero Carbon, cho biết lượng giảm phát thải này không tính là tín chỉ carbon. Doanh nghiệp mới chỉ ra được báo cáo giảm phát thải nhưng vẫn tiến hành chi trả cho bà con, để khuyến khích người nông dân tham gia vào mô hình trồng lúa giảm phát thải.

“Mức giá 20 USD trên mỗi tấn khí nhà kính giảm phát thải được tính dựa trên công sức của bà con nông dân là chính”, ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, doanh nghiệp cam kết khi tham gia mô hình, năng suất lúa của nông dân sẽ bằng hoặc cao hơn so với năng suất bình quân tại địa phương. Đối với mô hình có năng suất thấp hơn, doanh nghiệp sẽ bù sản lượng cho người dân.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ ký hợp đồng ràng buộc với hợp tác xã và nông dân. Theo đó, để tham gia chương trình, người nông dân phải duy trì ít nhất 5 năm. “Khi đã đăng ký thửa ruộng này với tổ chức quốc tế, nếu dừng sẽ bị gạt ra khỏi hệ thống, đăng ký lại rất khó”, ông Tiến nhấn mạnh.

Được biết, Việt Nam đang tích cực triển khai mô hình trồng lúa phát thải thấp với tên gọi “Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.

Sau thời gian triển khai các mô hình thí điểm, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn đang thỏa thuận với Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi (TCAF) để hoàn chỉnh các thủ tục liên quan đến việc chi trả thí điểm cho người nông dân, từ đó, xây dựng cơ chế chi trả trình Chính phủ phê duyệt. 

Dự kiến, vụ hè thu 2025 hoặc đông xuân 2025-2026 có thể chi trả thí điểm tiền tín chỉ carbon cho các mô hình. Nguồn tiền chi trả từ Quỹ TCAF khoảng 20 triệu USD.

Hiện có 7 mô hình thí điểm trồng lúa giảm phát thải tại 5 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long gồm: Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp và Cần Thơ.

Không nên chờ đến 2028 mới vận hành chính thức thị trường tín chỉ carbon Việt Nam
Việt Nam đã có chính sách phát triển thị trường tín chỉ carbon, song quá trình triển khai còn nhiều ách tắc, đòi hỏi cần đẩy nhanh tiến độ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư