Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vụ một con liệt sĩ chống Pháp, vợ liệt sĩ chống Mỹ bị chiếm đất vì cho ở nhờ:
Tỉnh yêu cầu thi hành án, huyện bảo phải chờ!
Hữu Nguyễn - 23/01/2016 10:46
 
Liên quan đến vụ việc bà Lê Thị Minh Đức, 48 tuổi Đảng, con liệt sĩ chống Pháp, vợ liệt sĩ chống Mỹ bị chiếm đất vì cho ở nhờ tại tỉnh Hưng Yên, Cục trưởng Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Tiên Lữ vẫn "cãi lệnh" Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Hưng Yên và chỉ đạo của UBND tỉnh Hưng Yên.

Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Hưng Yên: Sẽ thực hiện cưỡng chế!

Chiều ngày 22/1, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, ông Nguyễn Tuấn Khanh, Phó cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Hưng Yên cho biết: "Chúng tôi đã nhận được chỉ đạo của Tổng cục Thi hành án Dân sự (Bộ Tư pháp), UBND tỉnh Hưng Yên về trường hợp khiếu nại của bà Lê Thị Minh Đức. Về việc này, Chi cục Thi hành án huyện Tiên Lữ cũng đã có văn bản xin chỉ đạo đường lối, hướng dẫn nghiệp vụ đối với vụ việc này. Liên quan đến vụ việc này, Cục cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn nghiệp vụ nói rõ đã hết thời hạn mà Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao mà không xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm thì sẽ tiếp tục thi hành bản án phúc thẩm của Tòa án Nhân dân tỉnh Hưng Yên".

"Tuy nhiên, Luật Thi hành án quy định: trước và sau Tết Nguyên đán 15 ngày không áp dụng biện pháp cưỡng chế. Do vậy, đến thời điểm này cũng cận kề Tết Bính Thân nên chúng tôi cố gắng thúc đẩy đến mức tối đa nhất, chỉ đạo tiếp tục vận động, thuyết phục và nếu từ nay đến Tết mà tự nguyện bàn giao được là tốt nhất", ông Khanh nói.

Ngày 15/1, Ban chỉ đạo Thi hành án Dân sự tỉnh Hưng Yên tiến hành họp để cho ý kiến chỉ đạo những vụ việc trọng điểm, trong đó có vụ việc của bà Lê Thị Minh Đức, với quan điểm xử lý dứt điểm sớm vụ việc này.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn về việc phải chăng Chi cục trưởng Thi hành án Dân sự huyện Tiên Lữ có quan hệ họ hàng với đương sự trong vụ việc, có dẫn tới hiềm nghi kéo dài vụ việc? Ông Khanh cho biết,  Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Hưng Yên cũng nghe phản ánh vấn đề này. Đúng là ông Đoàn Văn Tuyết, Chi cục trưởng Thi hành án Dân sự huyện Tiên Lữ là cùng làng với đương sự, nhưng không cùng họ với đương sự, nhưng không có căn cứ để cho rằng ông Tuyết không tích cực xử lý vụ việc.

“Không phải là cơ quan thi hành án không tích cực mà vụ việc này có những vướng mắc trong thực hiện bản án”, ông Khanh khẳng định.

Vườn cây trong diện tích đất của nhà bà Đức bị chiếm dụng.
Vườn cây trong diện tích đất của nhà bà Đức bị chiếm dụng.

Chi cục trưởng Chi Cục Thi hành án Dân sự huyện Tiên Lữ: Vẫn phải chờ Tòa án Nhân dân tối cao!

Cùng ngày, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, Đoàn Văn Tuyết, Chi cục trưởng Chi Cục Thi hành án Dân sự huyện Tiên Lữ cho biết: “Chúng tôi đang kiến nghị với Tòa án Nhân dân tối cao về vấn đề tài sản trên đất là mấy cây nhãn có trước thời điểm xử bản án nên không thể cưỡng chế chặt bỏ hay giao cho bà Đức được”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên: Tại sao với 3 cây nhãn có giá trị kinh tế thấp, nhưng Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Tiên Lữ không một lần hỏi ý kiến, quan điểm của các bên? Không một lần nào tổ chức để đương sự có thể thỏa thuận mà lại sử dụng làm căn cứ đề nghị kháng nghị? Ông Tuyết cho biết: “Hòa giải làm sao được! Khi xác minh chúng tôi phát hiện có tài sản mới, vụ án đã có hiệu lực, làm sao chúng tôi giải quyết được? Phải để Tòa án Nhân dân tối cao giải quyết chớ, xem lại bản án phúc thẩm!”.

“Chúng tôi đã gửi văn bản lên Tòa án Nhân dân tối cao và phải chờ ý kiến chỉ đạo của Tòa án Nhân dân tối cao mới thực hiện được. Luật Thi hành án 2014 quy định trong vòng 90 ngày phải trả lời”, ông Tuyết nói.

Dưới đây là đoạn trao đổi của phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn với ông Đoàn Văn Tuyết:

-         Phóng viên: “Đã quá thời hạn Tòa án Nhân dân tối cao phải trả lời văn bản số 519/QĐ – CCTHA ngày 14/8/2015 của Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Tiên Lữ gửi Chánh án Tòa án cấp cao và Viện trưởng Viện kiểm sát Cấp cao tại Hà Nội xem xét lại bản án số 38/DS-PT ngày 21/7/2014 của Tòa án Nhân dân tỉnh Hưng Yên theo thủ tục giám đốc thẩm, nhưng đến nay đã quá hạn trả lời hơn 2 tháng, Chi cục Thi hành án huyện Tiên Lữ có thi hành bản án này không?”

-         Ông Tuyết: “Nhưng mà tỉnh chưa cho cưỡng chế, tỉnh bảo là lên làm việc cụ thể với Tòa án Nhân dân tối cao xem như thế nào!”

-         Phóng viên: “Nhưng văn bản của UBND tỉnh yêu cầu xử lý dứt điểm vụ việc, báo cáo trước 5/2/2016, thưa ông?"

-         Ông Tuyết: “Văn bản nào yêu cầu xử lý trước 5/2?”.

-         Phóng viên: “Văn bản số 48/UBND-TCD gửi Cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Hưng Yên nêu rõ: "Giao Cục trưởng Cục Thi hành án Dân suqj tỉnh Hưng Yên tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc, trả lời đơn của dân. Báo cáo UBND tỉnh kết quả giải quyết trước 5/2/2016".

-         Ông Tuyết: “Làm gì có văn bản nào báo cáo trước 5/2? Làm gì có? Cục Thi hành án tỉnh đang hướng dẫn lên gặp Tòa án Nhân dân tối cao để xem xét có ý kiến. UBND tỉnh không liên quan gì đến cái này (vụ việc này- PV), chúng tôi là theo ngành dọc của Cục Thi hành án Dân sự tỉnh chứ không phải UBND tỉnh!"

Như vậy, có thể thấy rằng, đã có sự "vênh" nhau trong việc xử lý vụ việc. Trong khi Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Hưng Yên khẳng định đã có hướng dẫn cưỡng chế nếu đương sự không bàn giao sau khi Tòa án Nhân dân tối cao không trả lời thì Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Tiên Lữ lại khẳng định Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Hưng Yên yêu cầu Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Tiên Lữ phải xin ý kiến chỉ đạo của Tòa án Nhân dân tối cao mới có thể thi hành án.

Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn sẽ tiếp tục phản ánh diễn biến vụ việc trong bản tin tiếp theo.

Bà Lê Thị Minh Đức là vợ của một cán bộ của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ kế hoạch và Đầu tư). Trong thời gian chiến tranh chống Mỹ cứu nước, chồng bà Đức xung phong đi chiến trường miền Nam để giải phóng đất nước và ông đã hy sinh vào cuối năm 1970. Từ khi chồng hy sinh đến nay, bà Đức vẫn ở vậy nuôi con. Bà Đức và gia đình hiện luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chăm sóc, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn thường xuyên về thăm hỏi, giúp đỡ, động viên gia đình.

Vì sao thi hành án huyện Tiên Lữ chưa thực hiện bản án của tòa phúc thẩm tỉnh Hưng Yên?
Hành trình gian nan 10 năm đi đòi đất của bà Lê Thị Minh Đức, con gái Liệt sỹ kháng chiến chống Pháp và có chồng là Liệt sỹ kháng chiến chống...
Bình luận bài viết này
  • Ngoctrong.pham 21:50 | 25-01-2016
    Tôi không hiểu,luật pháp đâu nữa, làm việc như vậy thì có bao nhiêu bản án oan sai.
  • Chu Huân 12:07 | 27-01-2016
    Theo như lời của ông Đoàn Văn Tuyết chi cục trưởng chi cục thi hành án huyện Tiên Lữ trả lời phóng viên nhà báo ngày 22/01/2016: (“Làm gì có văn bản nào báo cáo trước 5/2? Làm gì có? Cục Thi hành án tỉnh đang hướng dẫn lên gặp Tòa án Nhân dân tối cao để xem xét có ý kiến. UBND tỉnh không liên quan gì đến cái này, chúng tôi là theo ngành dọc của Cục Thi hành án Dân sự tỉnh chứ không phải UBND tỉnh!"). Tôi thấy không được bởi dù là ngành dọc nhưng vẫn do UBND tỉnh quản lý và điều hành, đồng thời trong khi đó đã có “Văn bản số 48/UBND-TCD gửi Cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Hưng Yên nêu rõ: "Giao Cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Hưng Yên tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc, trả lời đơn của dân. Báo cáo UBND tỉnh kết quả giải quyết trước 5/2/2016", như vậy chi cục thi hành án dân sự huyện vẫn chưa thực hiện, mà từ chối điều đó Thi hành án huyện Tiên Lữ có vấn đề mờ ám gì ? Thi hành án huyện Tiên Lữ làm vậy thì mọi người dân tin vào ai bây giờ ? các oan sai đến bao giờ mới hết đây. Trong khi Đảng và nhà nước đang gia sức xây dựng một nền chính quyền chân chính để xây dựng đất nước tốt đẹp, thế mà chi cục thi hành án huyện Tiên Lữ đi ngược lại, vậy rất mong các cấp các ngành vào cuộc xử lý cho dân tin tưởng, loại bỏ những vị quan tác trách như vậy ra khỏi cơ quan nhà nước làm hại dân hại nước, làm mất lòng tin của Đẩng và nhà nước đối với nhân dân.
  • Lê Tiến Lực 19:27 | 24-01-2016
    Tôi làm trong ngành bảo vệ luật pháp mà cũng không hiểu nổi kiểu "Tỉnh chỉ đạo thi hành án, huyện bảo phải chờ"???.. lại còn nói UBND tỉnh không liên quan gì đến cái này.. cái này là sao??.. phải làm theo ngành dọc chứ không phải tỉnh chỉ đạo? Thật là!!! Mong sao sau kỳ đại hội Đảng này sẽ có nhiều thay đổi !
  • Lê Phúc Sơn 22:05 | 24-01-2016
    Tôi là LS, ngày xét xử tôi có mặt dự phiên xử phúc thẩm thấy hội đồng xét xử đưa ra lập luận và kết luận rất có tình có lý, nghĩ vụ án xong rồi. Tôi vừa vào trang đọc thì thấy chưa xong do vướng ở khâu THA.. đọc nội dung có phần trả lời về vụ án mà lại dùng từ "UBND tỉnh không liên quan đến cái này??) Ngành dọc chỉ đạo chứ không phải tỉnh??.. nếu người đứng đầu một cơ quan Luật pháp mà trả lời vậy thì tỉnh ta thật sự???
  • hà anh 14:58 | 24-01-2016
    cơ quan thi hành án huyện xem bản án mà không hiểu , hỏi hết cơ quan này đến cơ quan khác , xin hết ý kiến người này này đến người khác . không biết trình độ của mấy ông ấy như thế nào?
  • Thanh Hà 19:04 | 23-01-2016
    Hiện tượng cơ quan tòa án luôn viện cớ trì hoãn, đánh đố người dân và DN mỗi khi thụ lí vụ án dân sự, kinh tế, thương mại là phổ biến, đặc biệt là tòa án cấp quận, huyện. Vượt qua cửa ải thủ tục tố tụng dân sự vô cùng gian nan đã và đang gây ra nhiều nỗi bức xúc trong toàn xã hội. Nếu ai đó "chưa biết điều" với thẩm phán thì hãy đợi đấy, với 1001 lí do để thẩm phán kéo dài xét xử vô thời hạn. Chưa hết, chặng đường tiếp theo là cơ quan thi hành án dân sự cũng đưa ra muôn vàn chiêu nhũng nhiễu mà nhiều khi người dân và DN chỉ biết kêu trời. Hệ thống các cơ quan tư pháp đã thực sự cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện đất nước hội nhập quốc tế. Nếu không đổi mới mô hình tổ chức và cơ chế làm việc của cơ quan toà án, cơ quan thi hành án dân sự thì không những làm cho người dân mất lòng tin đối với hệ thống tư pháp mà còn cản trở đất nước hội nhập khi tham gia vào cộng đồng kinh tế ASEAN.
  • Hải Yến 19:31 | 23-01-2016
    Bên ngoại (Mẹ) ông Tuyết là họ hàng với ông Trung bán đất nên mới vậy, chỉ thương cho những người đi cách mạng bảo vệ đất nước thôi. rất mong bà Đức sớm nhận được đất hương hỏa.. chúng tôi luôn bên cạnh và ủng bà, chúng ta sẽ tin vào pháp luật. Mọi người cẩn thận khi cho ở nhờ đừng giống như bà Đức
  • Văn Hiệp 05:58 | 25-01-2016
    Dân địa phương chúng tôi đang đặt ra câu hỏi: Sau khi THA tạm lùi thời gian cưỡng chế thì có cán bộ địa chính xã lại đến những những nhà trong họ ngoại bà Đức nói "đừng tham gia vào, chúng tôi thắng rồi"??? Có liên quan gì hay không?
  • Hoang Phương 19:07 | 23-01-2016
    À, ông Tuyết Chi cục trưởng THA là bà con họ hàng với ông Trung bán đất cho bà Xoa nên mới vậy sao ??. Có thông tin bà Xoa lại có cháu rể làm địa chính xã Hải Triều, vẫn vỗ ngực nói mọi người không ai làm gì được đâu !!! Vậy Pháp luật mình có làm được không nhỉ ?
Xem thêm trên Báo Đầu Tư