Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 03 tháng 12 năm 2024,
Tòa xét xử vụ án làm giả hồ sơ thương binh lớn nhất Nghệ An với 300 bị hại
Việt Hương - 30/05/2019 15:00
 
Khi con số thiệt hại về tổng số tiền trong đường day chạy làm “thương binh giả” lên đến hơn 12 tỷ đồng được cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An “lật bài” cũng là lúc hàng trăm người dân nghèo rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”. Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Nghệ An đã phải hoãn phiên tòa vì chưa thể tập hợp hết các bị hại.

Vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được TAND tỉnh Nghệ An đưa ra xét xử sơ thẩm đối với 3 bị cáo Tạ Thị Vân (56 tuổi, trú phường Hưng Bình, TP Vinh), Hồ Thanh Tùng (60 tuổi, trú tại xã Hưng Phú, huyện Hưng Nguyên) và Nguyễn Phúc Hồng (64 tuổi, trú tại xã Nam Thái, huyện Nam Đàn) đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt hơn 12 tỷ đồng của tổng cộng 321 bị hại thuộc 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh bằng chiêu thức “chạy” chế độ thương binh, chất độc da cam. 

Các bị cáo tại phiên tòa
Các bị cáo tại phiên tòa

Phiên tòa gần như chật kín người ngồi tham dự từ sáng sớm, họ không phải là người thân của bị cáo mà là bị hại được tòa triệu tập. Hiện tại có 321 bị cáo được triệu tập đến phiên tòa. Có những người đến tận hôm nay mới thấy rõ mặt của những người “cấp trên” trong đường dây chạy thương binh giả mà bản thân bị cuốn vào. Tuy nhiên, trong phiên tòa xét xử diễn ra vào 29/5 chỉ có 201/321 bị hại có mặt, trước tình hình trên, Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên tòa.

Đường dây “chạy” thương binh do Tạ Thị Vân cầm đầu hoạt động từ khoảng năm 2012 đến cuối năm 2014. Thông qua khoảng 10 “chân rết” ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, đường dây này đã nhận hàng chục tỷ đồng của người dân khắp cả nước để “chạy” chế độ rồi “bặt vô âm tín”.

Theo cáo trạng, bị cáo Tạ Thị Vân có chồng công tác tại Ban chỉ huy quân sự tại một huyện trên địa bàn Nghệ An. Sau đó chồng bà Vân chuyển đến công tác tại Tỉnh đội Nghệ An. Nhờ lợi thế này, bà Vân thường giới thiệu mình có mối quan hệ để hợp thức hóa hồ sơ làm chế độ chính sách từ Trung ương đến địa phương, qua đó “chạy” trót lọt để hưởng chế độ thương binh, chất độc da cam…

Với thủ đoạn này, trong vòng 2 năm, Tạ Thị Vân cùng Hồ Thanh Tùng và Nguyễn Hồng Phúc đã cấu kết, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều trường hợp. Do tin tưởng Vân, hàng loạt cựu chiến binh, thanh niên xung phong bị mất, thất lạc giấy tờ, hồ sơ đã cậy nhờ làm thủ tục để hưởng trợ cấp hàng tháng. Để mọi việc trót lọt, những người này đã đưa cho nhóm Vân số tiền khoảng 12-30 triệu đồng/người. 

Theo điều tra của cơ quan chức năng, bị cáo Hồ Thanh Tùng, Nguyễn Hồng Phúc được xác định là trợ thủ đắc lực của Vân. Đáng nói hơn, ngoài việc đứng ra thu nhận hồ sơ, giấy tờ, Tùng và Phúc còn chủ động nâng giá để hưởng chênh lệch. Sự việc không thành, nhiều nạn nhân đã tìm kiếm nhóm Vân mong đòi lại tiền đã đưa, tuy nhiên các đối tượng bỏ trốn. 

Ngày 20/10/2016, Tạ Thị Vân bị bắt giữ tại quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An tách hành vi của Tạ Thị Vân thành một vụ án và đưa ra xét xử vào ngày 5/2/2018. Với tội  danh lừa đảo, chiếm đoạt của 95 nạn nhân số tiền 3,7 tỷ đồng, Vân bị tuyên phạt 14 năm tù. 

Tháng 3/2018, Hồ Thanh Tùng bị bắt. Tháng 10/2018, Nguyễn Hồng Phúc cũng bị cơ quan chức năng bắt giữ. Từ lời khai của 2 đối tượng cũng như các chứng cứ thu thập được, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An tiếp tục khởi tố Tạ Thị Vân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Lợi dụng những khó khăn, bất cập trong quá trình làm hồ sơ thủ tục xét duyệt chế độ chính sách; sự kém hiểu biết, nhẹ dạ cả tin và thậm chí là hám lợi của một số người, các bị cáo đã dùng thủ đoạn giới thiệu mình có mối quan hệ thân mật với những người có chức năng, thẩm quyền trong việc xét duyệt, thực hiện chế độ chính sách. Sau khi đóng đủ tiền cho các đối tượng trên, những cựu chiến binh này được dẫn tới khám tại một số bệnh viện trên địa bàn TP Vinh mà theo bị cáo cho biết đó là “khám thực thể” nhưng thực chất là chỉ đến lấy máu rồi về. Sau đó, các bị cáo sẽ hứa hẹn với nạn nhân “từ 6 tháng đến 1 năm sau là bắt đầu được hưởng chế độ”.

Chờ nhiều năm nhưng không thấy chế độ chính sách như đã được hứa, nhiều người dân đã tìm đến “chân rết” để đòi lại tiền. Trước những áp lực này, những người cầm đầu đường dây lần lượt bỏ trốn để lại những “chân rết” phải bán nhà trả lại tiền cho nạn nhân.

Do số lượng bị hại vắng mặt chiếm khá nhiều (120 bị hại vắng mặt) tại phiên tòa nên HĐXX đã phải quyết định  hoãn lại để đảm bảo quyền lợi cho những bị hại vắng mặt cũng như việc xét xử các bị cáo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu xử lý nghiêm vụ gian lận 569 hồ sơ thương binh giả tại Nghệ An
Ngày 3/8, Bộ LĐ-TB&XH đã có buổi làm việc với tỉnh Nghệ An về kết quả thanh tra hồ sơ thương binh giả tại Nghệ An.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư