Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 12 tháng 09 năm 2024,
Toàn cảnh 18 ngày thực hiện 'nhiệm vụ bất khả thi' giải cứu các thiếu niên Thái Lan
Thành Nguyễn (vnexpress) - 11/07/2018 16:35
 
Chiến dịch giải cứu các cậu bé kẹt trong hang Tham Luang gặp những khó khăn tưởng không thể vượt qua, cuối cùng đã thành công mỹ mãn.
12 cậu bé và một huấn luyện viên mắc kẹt trong hang Tham Luang lúc mới được phát hiện. Ảnh: SEAL Thái Lan.
12 cậu bé và một huấn luyện viên mắc kẹt trong hang Tham Luang lúc mới được phát hiện. Ảnh: SEAL Thái Lan.

"Hôm nay người dân và đội giải cứu Thái Lan đã hoàn thành sứ mệnh bất khả thi", Narongsak Osatanakorn, chỉ huy trung tâm điều phối chiến dịch tìm kiếm cứu nạn các thiếu niên mắc kẹt trong hang Tham Luang, hân hoan tuyên bố trong cuộc họp báo tối qua. Trước đó, 5 thành viên cuối cùng trong nhóm 13 người mắc kẹt trong hang suốt 18 ngày đã được đưa ra ngoài thành công, theo NYTimes.

Mắc kẹt

"Sứ mệnh bất khả thi" này bắt đầu với chuyến tham quan của 12 thiếu niên trong đội bóng nhí Lợn Hoang và huấn luyện viên 25 tuổi vào hang Tham Luang trưa 23/6, một tuần trước khi mùa mưa thường bắt đầu ở Thái Lan. Nhưng mưa lớn bất ngờ trút xuống, nước lũ ồ ạt tràn vào ngập cửa hang, buộc họ phải rút ngày càng sâu vào trong để tránh bị chết đuối.

Chiều tối hôm đó, không thấy con về nhà, mẹ một cầu thủ nhí báo với nhà chức trách. Một kiểm lâm viên sau đó phát hiện xe đạp của các em dựng gần cửa hang, mở đầu cho hành trình tìm kiếm, giải cứu kéo dài hơn hai tuần với sự chung tay, đồng lòng của cả thế giới nhằm chống lại số phận dường như đã được định đoạt với các thiếu niên kẹt sâu trong hang ngập nước.

Phải mất tới 10 ngày tìm kiếm, các thợ lặn cứu hộ hang động chuyên nghiệp người Anh mới phát hiện vị trí của các cậu bé trên một mô đất trong khoang ngầm cách cửa hang gần 5 km. Để tới được khoang ngầm này, họ đã phải lặn qua những ngách hang ngập nước, tối tăm, chật hẹp, có nơi chỉ cao 38 cm, rộng 72 cm.

Việc tìm ra các cậu bé được coi là một phép màu. Thợ lặn người Anh John Volanthen trong lúc lặn vào một ngách hang tối tăm thì dây bảo hộ hết tầm, buộc ông phải nổi lên và sửng sốt phát hiện 13 cặp mắt đang nhìn chằm chằm vào mình.

Nếu sợi dây bảo hộ của Volanthen ngắn đi khoảng 3 mét, ông có lẽ đã quay trở ra và không bao giờ lặn trở lại vào ngách hang đó nữa, số phận của những đứa trẻ cũng sẽ bị định đoạt.

Niềm vui tìm thấy các thiếu niên nhanh chóng lắng xuống, nhường chỗ cho thử thách gần như bất khả thi trước mắt: Làm sao để đưa các em ra ngoài, khi lối ra duy nhất đang ngập hoàn toàn trong nước, còn các cậu bé không biết bơi và quá yếu sau 9 ngày nhịn đói, nhịn khát để có thể lặn ra ngoài.

Trong một tuần tiếp theo, các chuyên gia cứu hộ tinh nhuệ nhất thế giới chung tay xây dựng phương án giải cứu nhằm tìm ra con đường an toàn nhất đưa các cậu bé ra ngoài. Trong lúc hàng trăm máy bơm được huy động hút nước ra khỏi hang, các thợ lặn cần mẫn kéo đoạn dây thừng dài hơn 4 km vào nơi đội bóng mắc kẹt, bố trí bình oxy dọc các đoạn hang ngập nước và dạy cho các cậu bé cách sử dụng thiết bị lặn.

Trên đỉnh hang, hàng chục đội tìm kiếm lùng sục mọi ngóc ngách của khu rừng để tìm đường hầm có thể thông đến khoang ngầm nơi đội bóng mắc kẹt. Những thợ tìm tổ én ở miền nam Thái Lan xa xôi cũng tới đây tham gia tìm kiếm.

Vô số người dùng mạng xã hội "hiến kế" để giải cứu các thiếu niên, từ sử dụng ống thông hơi, ván trượt cho đến kén cứu hộ mini hay gây mê các cậu bé để đưa ra ngoài. Tỷ phú công nghệ Elon Musk còn cho chế tạo một tàu ngầm mini và mang tới hang Tham Luang để đóng góp cho chiến dịch cứu nạn.

Các thợ lặn đưa các thiếu niên ra ngoài hang. Bấm vào ảnh để xem chi tiết.
Các thợ lặn đưa các thiếu niên ra ngoài hang. Bấm vào ảnh để xem chi tiết.

Lên phương án giải cứu

Những hiểm nguy rình rập trong quá trình giải cứu, lòng quả cảm của các thợ lặn và chính những cậu bé mắc kẹt đã chạm tới trái tim của mọi người trên khắp thế giới, trái ngược với những thông tin về chiến tranh, thảm sát, xung đột ở Trung Đông, Nam Sudan hay Yemen. Nhiều người còn cho rằng chiến dịch giải cứu các thiếu niên này là sự tương phản với hình ảnh nước Mỹ chia cắt trẻ em nhập cư khỏi bố mẹ ở biên giới.

Lãnh đạo chiến dịch cứu hộ không từ bỏ bất cứ phương án nào để cứu các cậu bé. Phương án tìm đường hầm hay khoan lỗ từ trên đỉnh hang ngày càng tỏ ra bất khả thi, trong khi việc chờ đợi đến hết mùa mưa để đưa các cậu bé ra ngoài cũng tiềm ẩn quá nhiều rủi ro, bởi những cơn mưa lớn sắp trút xuống, có thể khiến khoang ngầm nơi các cậu bé trú ẩn bị ngập hoàn toàn.

Ngoài mối đe dọa từ mưa lớn, đội cứu hộ còn phải đối mặt với một thách thức lớn không kém: Mức oxy trong hang đang giảm nghiêm trọng, có thể gây nguy hiểm tới tính mạng của các thiếu niên và thợ lặn.

Đúng lúc đó, hy vọng được thắp lên, khi nỗ lực bơm nước khỏi hang đạt kết quả khả quan, cùng với việc chặn thành công hai con suối lớn trút nước vào Tham Luang. Mực nước trong hang giảm đáng kể, thúc đẩy đội cứu hộ tìm đến phương án táo bạo nhất: Cho các em thực hiện hành trình lặn ra khỏi hang.

Theo phương án này, hai thợ lặn sẽ hộ tống từng em ra một. Các em được mặc đồ bảo hộ và đeo mặt nạ trùm kín mặt để thở dễ dàng hơn dưới nước. Các cậu bé được sử dụng thuốc chống hồi hộp để giúp giữ bình tĩnh, không hoảng loạn trong quá trình lặn, sau đó được hai thợ lặn hướng dẫn lặn qua những ngách hang tối tăm và chật hẹp nhất.

Tỷ lệ thành công của phương án này phụ thuộc rất lớn vào việc bố trí các bình oxy dọc theo hành trình. Cứ mỗi 25-30 m, các em và thợ lặn lại cần một bình oxy mới để tái cung cấp dưỡng khí.

Một cựu đặc nhiệm Thái Lan hy sinh trong lúc đặt các bình dưỡng khí vào hang mà không để ý rằng chính bình oxy của mình đã cạn kiệt. Cái chết của Saman Kunan khiến người dân Thái Lan và cả thế giới xúc động, tôn vinh anh là một anh hùng thực sự. "Tôi gọi cậu ấy là người hùng của hang Tham Luang", ông Narongsak nói.

Ba đợt giải cứu

Khi những đám mây đen vần vũ trên bầu trời hang Tham Luang hôm 7/7, lực lượng cứu hộ cầu mong thần mưa Phra Pirun "ban ơn" chỉ trong ba ngày, bởi nếu mưa lớn trút xuống, kế hoạch giải cứu của họ có thể bị phá sản hoàn toàn.

Đến ngày 8/7, Narongsak tuyên bố đây là "Ngày D", ám chỉ việc bắt đầu chiến dịch giải cứu. 18 thợ lặn gồm 5 đặc nhiệm SEAL Thái và 13 chuyên gia nước ngoài tiến vào hang trong hành trình kéo dài tới 11 giờ để đưa 4 cậu bé đầu tiên ra ngoài. Các em ngay sau đó được đưa đến bệnh viện Chiang Rai để được kiểm tra và chăm sóc y tế.

Một đặc nhiệm SEAL cho biết trong các đồ họa trên báo chí, hành trình giải cứu nhìn có vẻ đơn giản, nhưng thực tế đây là nhiệm vụ gian nan nhất mà họ từng đối mặt. Các đặc nhiệm phải làm việc cật lực suốt 12 tiếng một ngày và trở về lều dã chiến trong tình trạng kiệt sức.

Narongsak cho biết với các nhiệm vụ giải cứu như vậy, các thợ lặn thông thường phải được nghỉ ngơi ít nhất 20 tiếng để hồi phục sức lực trước khi bắt đầu đợt tiếp theo. Nhưng họ không có nhiều thợ lặn tinh nhuệ có thể tiến vào hang, trong khi thời gian và cơn mưa không cho phép họ nghỉ ngơi quá lâu. Ngay đến trưa 9/7, đợt giải cứu thứ hai bắt đầu, cũng với những thợ lặn đã tham gia chiến dịch ngày trước đó.

Việc thảo luận, rút kinh nghiệm đã giúp các thợ lặn rút ngắn đáng kể thời gian giải cứu. Trong ngày thứ hai, họ chỉ mất 9 giờ để đưa tiếp 4 thiếu niên ra ngoài. Trong hang lúc này còn 4 cậu bé, một huấn luyện viên và 4 thợ lặn đã ở cùng họ kể từ khi được tìm thấy.

Đội cứu hộ xác định phương án giải cứu an toàn nhất là đưa 4 người ra một lần, nhưng trong đợt giải cứu thứ ba, họ dường như đánh cược bằng quyết tâm đưa hết mọi người ra ngoài trong ngày 10/7, trước khi mưa lớn ập xuống.

Trong ngày giải cứu cuối cùng, ít nhất 12 thợ lặn tham gia. 4 thiếu niên và huấn luyện viên được giải cứu thành công sau 9 giờ, đúng lúc máy bơm chính hút nước ra khỏi hang bị hỏng, khiến nước tiếp tục dâng lên trong hang, đe dọa tính mạng của 4 đặc nhiệm Thái Lan đã bám trụ cùng đội bóng suốt hơn một tuần.

Rất may là 4 đặc nhiệm này, trong đó có một bác sĩ quân y, cuối cùng đã thoát thành công khỏi hang Tham Luang lúc 21 giờ, kết thúc một trong những chiến dịch tìm kiếm cứu nạn quy mô lớn nhất trên thế giới, trong niềm hân hoan vô bờ bến của người dân Thái Lan và những thông điệp chia vui đến từ lãnh đạo, người dân nhiều nước.

4 đặc nhiệm SEAL cuối cùng thoát khỏi hang sau một tuần túc trực bên các thiếu niên. Ảnh: ABC News.
4 đặc nhiệm SEAL cuối cùng thoát khỏi hang sau một tuần túc trực bên các thiếu niên. Ảnh: ABC News.

Vỡ òa

Hình ảnh về cuộc giải cứu tràn ngập trên bản tin của các hãng thông tấn, tờ báo lớn trên thế giới, với nhiều phóng viên kỳ cựu đổ tới khu vực Tham Luang. Khi thông tin về huấn luyện viên Ekkapol Chantawong và hai thiếu niên cuối cùng của đội bóng được giải cứu thành công khỏi hang, hàng trăm triệu người trên thế giới như vỡ òa.

"18 ngày thôi mà giống như mấy năm trời đằng đẵng vậy", Prayuth Jetiyanukarn, trụ trì một ngôi chùa ở thị trấn Mae Sai, rưng rưng nói. "Tôi rất hạnh phúc, không chỉ vì Ek (biệt danh của huấn luyện viên Ekkapol) và đội bóng. Cả thế giới đã dõi theo suốt 18 ngày qua và họ giờ đây đang chia vui cùng chúng tôi".

Jintrakarn Sriwanithkul, 18 tuổi, học sinh tại trường trung học Mae Sai Prasitsart, nơi các thành viên đội bóng Lợn Hoang theo học, cho biết cậu rất vui sướng khi biết tin chiến dịch giải cứu đã thành công mỹ mãn.

"Đó là tin rất tuyệt vời", Jintrakarn nói. "Lúc mới nghe đội bóng mất tích, cháu cứ ngỡ ràng các bạn sẽ thoát được trong 2-3 ngày, vì các bạn ấy biết rất rõ hang này".

Với Nangnoung Namun, một tình nguyện viên tới Tham Luang để nấu ăn miễn phí cho các đặc nhiệm SEAL, cuộc giải cứu thành công là điều kỳ diệu mà bà đã mong mỏi suốt nhiều ngày qua. "Giờ tôi đã có thể ngủ yên rồi", bà nói. "Thật nhẹ nhõm biết bao!"

"Trong khi thế giới ngoài kia hỗn loạn và chia rẽ, những người này siết chặt tay nhau vì lũ trẻ. Đây không phải là lòng tốt bất chợt, mà là hình mẫu cho sự hợp tác quốc tế và lòng vị tha xuyên biên giới", Suzanne Moore, bình luận viên của Guardian, viết. "Đây là điều tuyệt vời mà nhân loại chúng ta có thể thể hiện".

 

Đội bóng nhí Thái Lan đối mặt thách thức sống còn mới
Ngoài mực nước dâng cao khiến việc di chuyển ra khỏi hang gặp khó khăn, đội bóng thiếu niên Thái Lan tiếp tục đối mặt với một thách thức mới...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư