Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Tội phạm ở ngay xã phường, có mầm mống là dân biết, rất dở là công an không biết
Nguyễn Lê - 20/06/2023 14:04
 
Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại tổ.

Tội phạm ngay ở xã phường, có mầm mống là dân biết, rất dở là dân biết mà chính quyền, công an không biết; rồi kém, dở hơn khi biết mà không giải quyết. Có tình trạng như vậy.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã nói như trên khi Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Theo tờ trình, Luật này sắp xếp, thống nhất nhất lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và được bố trí ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương theo mô hình tổ bảo vệ an ninh, trật tự. Dự kiến tổng số người tham gia hoạt động trong lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là khoảng 300.000 người.

Thảo luận tại tổ, đại biểu Quốc hội còn khá nhiều băn khoăn về cả chức năng nhiệm vụ cho đến kinh phí.

Phạm vi an ninh quốc gia thì Chính phủ, Nhà nước lo, nhưng với người dân mình cũng không được bỏ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nói khi phát biểu tại tổ.

Ông Lâm nhấn mạnh, an ninh an toàn rất quan trọng với người dân, với cơ sở. Thực tế rất nhiều người bị bắt nạt, đe doạ. Mục tiêu hướng tới, theo Bộ trưởng là cuộc sống ấm no hạnh phúc, hoàn bình, an ninh, an toàn, thảnh thơi chứ không phải lúc nào cũng lo sợ.

“Xã bám cơ sở, quan tâm từng gia đình, từng người dân là rất quan trọng. Mục tiêu của luật là xây dựng cơ sở phường xã là những pháo đài về an ninh trật tự, là nơi được bảo đảm an ninh an toàn nhất”, ông Lâm nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng thì mục tiêu xây dựng những những phường, xã không tội phạm, không ma tuý là mục tiêu rất lớn. “Tội phạm ngay ở xã phường, có mầm mống gì dân ta biết, rất dở là dân biết mà chính quyền, công an không biết; rồi kém, dở hơn khi biết mà không giải quyết. Có tình trạng như vậy”, ông nói.

Nhấn mạnh công việc ở xã vô cùng nhiều, Bộ trưởng cho rằng mỗi xã có 5-6 công an xã thì cơ cấu này không đủ nên lực lượng hỗ trợ cơ sở là rất quan trọng, vai trò của nhân dân tham gia vào là quan trọng nhất. Nhưng hiện tại chưa có văn bản luật nào điều chỉnh lực lượng này.

Dẫn con số các tổ chức trung ương đoàn mới tập hợp được 66,6% thanh niên, mà phạm tội, vi phạm trong lứa tuổi thanh niên đang là lớn nhất, ông Lâm cho rằng việc tập hợp thanh niên tạo các hoạt động lành mạnh là rất quan trọng và lực lượng ở từng phường, xã là nòng cốt tham gia thực hiện.

Không phải khi án xảy ra rồi mới công an giải quyết, như thế chỉ là giải quyết hậu quả. Công tác này phải đi từ trước, từ sớm, từ xa để xây dựng xã hội lành mạnh, kỷ cương, an ninh, an toàn. “Chúng tôi không phải chỉ thích bắt giữ, xét xử, đưa đi tù mà đó là biện pháp cuối cùng, không còn cách nào khác phải làm những việc đó theo quy định”, Bộ trưởng nói.

Trưởng ban soạn thảo dự án luật cũng tin tưởng không có gì trở ngại, khó khăn về kinh phí, ngân sách. “Nhiều nơi nói muốn ổn định để phát triển, không ổn định thì không có thời gian đâu mà bàn dự án, phát triển kinh tế - xã hội”, Bộ trưởng phân tích.

Ông ví dụ, Nghệ An, Hà Tĩnh khi xảy ra vụ Formosa, Thường vụ Tỉnh ủy cả năm bàn giải quyết vấn đề này, làm gì còn thời gian đâu bàn về phát triển kinh tế, xã hội nữa.

Hay Đắk Lắk, Tây Nguyên vừa qua, một việc như thế thôi. Nên không thể coi thường nhiệm vụ này.

Ông Lâm quả quyết là không lo ngại về kinh phí, ngân sách. Người dân nhận thức được việc đó sát sườn với họ. Còn về mặt hạch toán, lực lượng công an xã trước đây ngân sách của tỉnh chi hết, bây giờ chức danh Trưởng công an xã đưa khỏi chức danh của chính quyền cấp xã rồi, Bộ Công an sẽ phải lo.

“Nhiều tỉnh nói với chúng tôi tỉnh sẽ bảo đảm được, thậm chí còn đầu tư cho công an chính quy nữa chứ không phải chỉ là lực lượng trị an ở cơ sở. Nhiều tỉnh trang bị không chỉ xe máy mà còn cả ô tô nữa. Kinh phí này không phải là gánh nặng rất lớn cho các địa phương. Trong phần kinh phí sẽ thấp hơn các khoản chi trước đây”, Bộ trưởng thông tin.

Tuy nhiên, theo một số vị đại biểu thì nếu thực hiện như dự thảo sẽ tăng chi ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.

Đại biểu Lê Thanh Vân ( Cà Mau) cho rằng, việc thống nhất lực lượng hiện hữu lên tới hàng triệu người thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bố trí ở từng thôn, tổ dân phố như dự thảo luật thì kinh phí chắc chắn không thể 30 tỷ mỗi năm như báo cáo của Chính phủ được.

“Lại thu từ dân cả thôi. Hôm trước tôi có nói người dân, doanh nghiệp đang khó khăn mà giờ trút thêm thì thế nào. Bây giờ thêm người, thêm lực lượng thì lấy ở đâu, ở trên trời à, lại lấy ở người dân, doanh nghiệp chứ lấy ở đâu. Thế làm sao khoan, thư sức dân”, ông Vân nói và cho rằng đây là tác động cần phải đánh giá cho kỹ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư