Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tội phạm tham nhũng và chức vụ tăng 65,89% về số vụ
Nguyễn Lê - 04/10/2023 11:31
 
Từ 17/11/2020 đến ngày 30/6/2023 đã phát hiện 12.893 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, giảm 58,47%, phát hiện 1.382 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ, tăng 65,89%.
.
1.382 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ đã được phát hiện trong 2 năm rưỡi - Ảnh minh họa.

Chính phủ vừa gửi Quốc hội báo cáo việc thực hiện các nghị quyết về chất vấn về lĩnh vực bảo đảm an ninh, trật tự (số liệu từ ngày 17/11/2020 đến ngày 30/6/2023).

Về công tác phòng, chống tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, theo báo cáo, Chính phủ đã chỉ đạo quán triệt, triển khai, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cụ thể là đã triển khai các giải pháp thu hồi tối đa tài sản tham nhũng và phòng ngừa các đối tượng bỏ trốn và tẩu tán tài sản; tăng cường hoạt động tương trợ tư pháp và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong việc thu hồi tài sản của Nhà nước bị thất thoát trong các vụ án về kinh tế, tham nhũng.

Việc làm tiếp theo là nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá kết quả công tác phòng, chống tham nhũng. Tập trung thanh tra những lĩnh vực trọng điểm, nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, được dư luận xã hội quan tâm. Chỉ đạo rà soát, khắc phục sơ hở, thiếu sót để phòng ngừa tội phạm trong lĩnh vực đấu thầu, đấu giá, bất động sản, thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp...

Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, đấu tranh các hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Đẩy mạnh thanh tra hành chính, kiểm tra chuyên ngành nhằm chấn chỉnh quản lý, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực, góp phần phòng ngừa tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu.

Các cơ quan chức năng đã tập trung điều tra các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực , Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo. Chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, xác minh, điều tra làm rõ các sai phạm có tác dụng lan tỏa, mang tính chất cảnh tỉnh trong những lĩnh vực nhạy cảm.

Kết quả, đã phát hiện 12.893 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, giảm 58,47%, 1.382 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ, tăng 65,89%.

Công tác bảo vệ người tố cáo, phản ánh, kiến nghị, cung cấp thông tin về các hành vi có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, theo Chính phủ, được thực hiện nghiêm túc.

Cụ thể là đã thực hiện tốt công tác bảo vệ bí mật về danh tính người tố giác, tố cáo trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết tố cáo thuộc thẩm quyền. Quá trình tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết tố cáo, lực lượng công an đã chấp hành đúng các quy định về bảo vệ thông tin, danh tính người tố giác, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, cung cấp thông tin về các hành vi có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Chưa phát hiện đơn vị, cá nhân có hành vi trả thù, trù dập người tố cáo, bao che cho người tố cáo hoặc không hoàn thành nhiệm bảo vệ người tố cáo, báo cáo nêu.

Trong phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, kết quả được Chính phủ báo cáo là đã yêu cầu facebook, google gỡ bỏ các tài khoản, bài viết, video có nội dung vi phạm pháp luật, ngăn chặn truy cập hơn hàng nghìn trang mạng đặt máy chủ ở nước ngoài đăng tải nội dung thông tin xấu, độc. Tập trung đấu tranh, làm rõ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tạo tính răn đe, cảnh báo đối với các đối tượng có biểu hiện, điều kiện hoạt động phạm tội. Đã phát hiện, xử lý 1.586 vụ (nhiều hơn 480,9%), 907 đối tượng (nhiều hơn 153,35%).

Bộ Công an: Tội phạm về kinh tế, tham nhũng vẫn nghiêm trọng
Từ ngày 15/12/2019 đến ngày 14/4/2020 đã phát hiện 3.273 vụ, 3.388 đối tượng phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, 79 vụ với 168 đối tượng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư