Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Tới tấp đề xuất đầu tư dự án tại Củ Chi, Hóc Môn (TP.HCM)
Lê Quân - 04/03/2024 09:55
 
Với hàng loạt dự án hạ tầng đi qua địa bàn đang và sắp được đầu tư, huyện Hóc Môn và Củ Chi đang nhận được hàng loạt đề xuất dự án đầu tư của doanh nghiệp.

Dồn dập đề xuất dự án

Mới đây, Công ty TNHH DS Partners (Hàn Quốc) gửi văn bản đề xuất UBND TP.HCM cho phép doanh nghiệp đầu tư dự án sân golf với diện tích 80 ha tại huyện Hóc Môn. Đáng chú ý, địa điểm mà doanh nghiệp này đề xuất là bãi rác Đông Thạnh, huyện Hóc Môn.

Nhà đầu tư cho biết, sau thời gian dài khảo sát, nghiên cứu, doanh nghiệp nhận thấy, việc đầu tư vào dự án sân golf xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn là một trong những dự án tiềm năng và khả thi, bởi khu đất thuộc dự án trước đây là bãi chứa rác thải, nên thuận lợi trong việc giải phóng mặt bằng.

Trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, Công ty Finc Bio-Tech Pte.Ltd (Singapore) vừa đề xuất đầu tư Nhà máy trồng nấm tại huyện Củ Chi, với vốn đầu tư 33 triệu USD. Mục tiêu của Dự án là cung cấp sản phẩm nấm ăn đạt theo tiêu chuẩn Global G.A.P cho thị trường Việt Nam. Ngoài ra, Dự án còn thực hiện các chức năng là Trung tâm lưu trữ các giống nấm ăn và Trung tâm nghiên cứu và phát triển các giống nấm ăn.

Nhà đầu tư cho biết, nhà máy trồng nấm sẽ được quản lý theo hệ thống quản lý chất lượng HACCP, áp dụng các tiêu chí sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Khi được chấp thuận, dự kiến nhà đầu tư sẽ hoàn tất công tác xây dựng giai đoạn I trong 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Một “ông lớn” trong nước là Công ty cổ phần Tập đoàn CEO cuối năm 2023 cũng đề xuất UBND TP.HCM xem xét chấp thuận cho phép doanh nghiệp báo cáo ý tưởng quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đô thị quy mô 215 ha, tại xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn.

Tại huyện Hóc Môn, còn phải kể đến một dự án đô thị có quy mô lên đến 880 ha, tổng vốn đầu tư 3,5 tỷ USD do Công ty TNHH Đô thị Đại học quốc tế Berjaya Việt Nam (Công ty Berjaya Việt Nam) làm chủ đầu tư. Dự án có những bước tiến mới khi các cơ quan có thẩm quyền đang phê duyệt điều chỉnh dự án để sớm khởi công.

Trước đó, tháng 4/2022, tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào 2 địa phương này, đã có 10 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 430 triệu USD được trao chứng nhận đăng ký đầu tư. Ngoài ra, có 31 biên bản ghi nhớ với tổng vốn hơn 16,2 tỷ USD cũng được các doanh nghiệp cam kết đầu tư.

Đón đầu cơ hội

Không phải ngẫu nhiên mà Hóc Môn và Củ Chi nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư. Một trong những yếu tố mà nhà đầu tư nhìn thấy là quỹ đất để phát triển các dự án tại đây còn rất lớn. Hiện nay, tại các huyện này, phần lớn là đất nông nghiệp, nên việc đền bù sẽ tiết kiệm được chi phí so với trong nội thành.

Về khoảng cách địa lý, quãng đường từ Sân bay Tân Sơn Nhất đến Hóc Môn và Củ Chi chỉ khoảng 15 - 20 km. Mặt khác, các huyện này đều nằm ở vị trí cửa ngõ TP.HCM để lưu thông đi các tỉnh như Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và Campuchia.

Một yếu tố thuận lợi nữa mà nhà đầu tư nhìn thấy là hàng loạt dự án hạ tầng giao thông liên kết vùng đang được thi công và chuẩn bị được đầu tư, gồm đường Vành đai 3 TP.HCM (đang thi công); đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (đang nghiên cứu tiền khả thi, dự kiến khởi công năm 2025); Dự án mở rộng Quốc lộ 22 nối với tỉnh Tây Ninh (hiện có 3 nhà đầu tư quan tâm). Sau khi hoàn thành các dự án hạ tầng này, việc di chuyển từ Hóc Môn, Củ Chi đến các tỉnh như Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và Campuchia sẽ không còn trở ngại.

TP.HCM đang thực hiện điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Trong đó, sẽ xây dựng những trung tâm đô thị quy mô lớn ở các cửa ngõ Thành phố - nơi có quỹ đất lớn, giá đất thấp, nhằm kiến tạo nơi sống và làm việc cho số đông người lao động và tăng mật độ dân số. Trong đó, huyện Hóc Môn, Củ Chi được quy hoạch là thành phố phía Bắc.

Nhìn nhận về quy hoạch dài hạn, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn đánh giá, khu vực Hóc Môn, Củ Chi có nền đất cao phù hợp cho việc xây dựng các khu nhà ở cao tầng vì nền móng vững chắc, chi phí xây dựng thấp. “Phát triển đô thị về hướng Củ Chi, Hóc Môn vừa giúp TP.HCM giãn dân ở khu vực nội thành, vừa giúp giảm thiệt hại do tình trạng biến đổi khí hậu làm mực nước biển dâng gây ngập úng”, ông Sơn nhận định.

Tập đoàn CEO đề xuất xây khu đô thị 215 ha tại Hóc Môn (TP.HCM)
Tập đoàn CEO kiến nghị UBND TP.HCM cho phép doanh nghiệp báo cáo ý tưởng quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đô thị CEOHOMES Sài Gòn quy mô 215 ha tại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư