Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
"Tôi thấy đau đáu khi đời sống của nữ công nhân quá thấp"
Nguyễn Hoàng (VGPNews) - 14/09/2017 08:47
 
“Tôi thấy đau đáu khi đời sống của nữ công nhân, nhất là lao động giản đơn, thu nhập, đời sống quá thấp, mà thấp như vậy còn ảnh hưởng cả tới nòi giống, chất lượng dân số, sức khỏe sinh sản…”, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng bày tỏ.
UBTVQH thảo luận về Báo cáo của Chính phủ. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
UBTVQH thảo luận về Báo cáo của Chính phủ. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Thảo luận về Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới sáng 13/9, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cơ bản thống nhất với đánh giá ưu điểm, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân được nêu trong Báo cáo của Chính phủ; nhấn mạnh công tác bình đẳng giới đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng giới.

Tuy nhiên, các thành viên UBTVQH cũng cho rằng, công tác này còn nhiều hạn chế, đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Một số văn bản hướng dẫn ban hành chậm; nhận thức của một số bộ, ngành, địa phương chưa cao; công tác thống kê báo cáo còn nhiều hạn chế, thiếu sự quan tâm chỉ đạo, thực hiện; định kiến về giới trong nhân dân và xã hội vẫn tồn tại; còn có sự chênh lệch về bình đẳng giới giữa các vùng, các địa phương, trong từng lĩnh vực cụ thể…

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị Báo cáo cần có các số liệu sinh động hơn nữa để minh chứng cho những kết quả cũng như những hạn chế về thực hiện công tác bình đẳng giới; có những giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn trong phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; mua bán phụ nữ và trẻ em; công tác chăm lo đời sống của phụ nữ ở các khu công nghiệp, khu chế xuất...

Đồng thời, tiếp tục rà soát, kiện toàn bộ máy cán bộ làm công tác bình đẳng giới; khẩn trương nghiên cứu sửa đổi các chỉ tiêu về bình đẳng giới trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới phù hợp với các nghị quyết của Đảng, các luật hiện hành, các cam kết quốc tế và mục tiêu phát triển bền vững.

Đồng quan điểm nêu trên, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải bày tỏ lo lắng trước hiện tượng có một số lượng lớn phụ nữ thất nghiệp ở độ tuổi trên 35, điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong đó có tình trạng các khu chế xuất, khu công nghiệp sa thải hàng loạt lao động ở độ tuổi từ 35 trở lên trong số này có tới 80% là lao động nữ. “Tôi tha thiết đề nghị Báo cáo làm rõ thực trạng và hướng giải quyết vấn đề này”, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phát biểu.

Một số ý kiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc việc lồng ghép giới trong xây dựng chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm chính sách, pháp luật về bình đẳng giới. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, người đứng đầu, gia đình và xã hội về bình đẳng giới…

Cơ bản đồng tình với nội dung của Báo cáo, song Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng Báo cáo cũng cần quan tâm tiếp cận theo hướng đa chiều hơn, có các góc nhìn toàn diện hơn từ các địa bàn, vùng miền, lĩnh vực khác nhau trong thực hiện bình đẳng giới để đề ra các giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả công tác này trong thời gian tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, vì Báo cáo được đưa ra Quốc hội thảo luận, nên cần phải được chỉnh lý, sửa đổi bổ sung nhiều lần; cần có sự cập nhật số liệu đồng bộ hơn; rõ, sát và chuẩn hơn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Phát biểu kết thúc thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, UBTVQH ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ, trong đó có cơ quan quản lý Nhà nước về thực hiện công tác bình đẳng giới là Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành hữu quan đã có sự phối hợp triển khai Luật Bình đẳng giới; nhiều văn bản dưới luật được ban hành tạo cơ sở pháp lý trong thực thi Luật; việc lồng ghép nội dung về giới trong các văn bản quy phạm pháp luật được quan tâm hơn; bộ máy cán bộ thực hiện công tác bình đẳng giới không ngừng được kiện toàn…

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho rằng, công tác quản lý Nhà nước về bình đẳng giới vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, cần tập trung nghiên cứu, đề xuất giải quyết, đặc biệt cần sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền để nâng cao nhận thức, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo về bình đẳng giới. Tập trung quan tâm giải quyết vấn đề về chất lượng sống, môi trường sống của phụ nữ; dành nguồn kinh phí thỏa đáng cho công tác bình đẳng giới; quan tâm hơn nữa tới công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm liên quan đến bình đẳng giới; bảo đảm quyền của phụ nữ trong đó có quyền được lao động, làm việc…

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng lưu ý trong thực hiện bình đẳng giới, cần đặc biệt quan tâm đến đối tượng là phụ nữ ở các khu công nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn… “Tôi thấy đau đáu khi đời sống của nữ công nhân, nhất là lao động giản đơn, thu nhập, đời sống quá thấp, mà thấp như vậy còn ảnh hưởng cả tới nòi giống, chất lượng dân số, sức khỏe sinh sản…”, Phó Chủ tịch Quốc hội bày tỏ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Chính phủ tiếp thu, hoàn thiện Báo cáo để đưa ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 tới, trong đó lưu ý tiếp thu các ý kiến đóng góp của UBTVQH, phân tích làm rõ nguyên nhân vì sao một số chỉ tiêu không đạt; nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế; đề ra các nhiệm vụ, biện pháp chỉ đạo…

Quy định mới về đóng bảo hiểm xã hội với người lao động tại DN: Giảm bớt thủ tục hành chính
Từ 1/1/2018, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc sẽ là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm (hệ số) và các...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư