Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tôm nhập từ Ấn Độ chiếm khoảng 10% tổng lượng tôm đầu vào sản xuất của Minh Phú
Thị Hồng - 07/06/2019 19:09
 
Công ty cổ phần Tập đoàn thuỷ sản Minh Phú (mã CK: MPC) cho biết, lượng tôm nhập khẩu từ Ấn Độ chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng lượng tôm đầu vào sản xuất của Minh Phú. Tập đoàn này cũng khẳng định, bất kỳ cuộc điều tra nào của Cục Hải quan và Biên Phòng Hoa Kỳ (CBP) sẽ chỉ dẫn tới kết luận là Minh Phú hoàn toàn không vi phạm pháp luật Hoa Kỳ cũng như trong mọi trường hợp, việc không tiếp tục sử dụng tôm nguyên liệu từ Ấn độ sẽ không gây ảnh hưởng gì tới hoạt động sản xuất, xuất khẩu của Minh Phú.

Cụ thể, ngày 05/06/2019, Minh Phú nhận được thông tin về việc ông Darin LaHood, Nghị sỹ Hoa Kỳ gửi thư yêu cầu tới Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP) đề nghị cơ quan này tiến hành điều tra về việc tránh thuế chống bán phá giá đối với Minh Phú.

Đề nghị này được đưa ra dựa trên thông tin từ một thư điện tử gửi tới Nghị sĩ LaHood cáo buộc Minh Phú có thể đã nhập khẩu tôm đông lạnh từ Ấn Độ để chế biến ở mức tối thiểu và xuất sang thị trường Hoa Kỳ với xuất xứ tôm Việt Nam để tránh thuế CBPG.

Thông cáo báo chí về việc này, Minh Phú cho biết đến nay họ vẫn chưa chính thức nhận được bất kỳ thông tin, yêu cầu nào từ CBP hay bất kỳ cơ quan nào của Chính phủ Hoa Kỳ liên quan đến cáo buộc và yêu cầu nói trên. Hoạt động xuất khẩu tôm vào Mỹ của Minh Phú vẫn tiến hành thông quan bình thường.

Theo như tư vấn từ Luật sư của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tại Hoa Kỳ, sau khi CBP nhận được các yêu cầu, cáo buộc từ các bên liên quan hoặc một cơ quan nhà nước khác, theo quy định tại Đạo luật về Bảo vệ và Thi Hành năm 2015 của Hoa Kỳ, CBP sẽ có 95 ngày để cân nhắc các thông tin liên quan đến cáo buộc trước khi tiến hành khởi xướng điều tra và sẽ ra thông báo về kết luận chỉ sau khi hoàn tất việc điều tra theo quy định.

“Như vậy, bức thư nói trên của Ngài Nghị sỹ LaHood chỉ đơn giản là một yêu cầu dựa trên cáo buộc từ một phía, chưa có bằng chứng và cũng không phải là một quyết định hay kết luận của cơ quan nhà nước về vấn đề này”, theo thông cáo của Minh Phú.

Ngoài ra, về vấn đề sử dụng tôm nhập khẩu, Minh Phú không phủ nhận việc có nhập khẩu từ Ấn Độ do lượng thu hoạch tôm nguyên liệu có tính mùa vụ và phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết và các yếu tố tự nhiên khác. Thực tế, theo thống kê sơ bộ của Minh Phú, lượng tôm nhập khẩu từ Ấn Độ chiếm khoảng 10% trong tổng lượng tôm đầu vào sản xuất của Công ty.

Thực tế, bắt đầu từ năm 2004, thủy sản Minh Phú đã trải qua hơn 10 năm tham gia điều tra chống phá giá do Bộ Thương mại Hoa Kỳ tiến hành đối với tôm đông lạnh từ Việt Nam. Tập đoàn này khẳng định “vô cùng thận trọng trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật tại Hoa Kỳ, Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào mà chúng tôi xuất khẩu sản phẩm”. 

Chủ tịch Minh Phú hiến kế lập khu phức hợp thủy sản "đáng sống, đáng đầu tư nhất Việt Nam"
Phát biểu tại Hội nghị thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp được tổ chức vào sáng nay tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, ông Lê Văn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư