Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam: Rủi ro khi xẻ đất vàng hợp tác kinh doanh
Bảo Như - 12/10/2018 07:58
 
Dự án kinh doanh, khai thác khu đất vàng rộng gần 5.000 m2 của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam tại số 22 - Trần Quốc Hoàn (phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM) tiềm ẩn nhiều rủi ro về pháp lý.
TIN LIÊN QUAN

Xây nhà hàng, salon ô tô

Việc triển khai Hợp đồng số 2952/HĐ - QLB ngày 31/5/2017 về việc hợp tác kinh doanh tại khu đất số 22 - Trần Quốc Hoàn giữa Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) và Công ty TNHH TMCN Trâm Anh (Công ty Trâm Anh) vừa tạm dừng để chờ ý kiến chỉ đạo Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT).

Trước đó, tại cuộc họp về phương án kinh doanh, khai thác khu đất của VATM tại 22 - Trần Quốc Hoàn được tổ chức vào cuối tháng 9/2018, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã đánh giá việc liên doanh, liên kết giữa VATM và Công ty Trâm Anh để thực hiện Hợp đồng số 2952 còn tồn tại nhiều vấn đề phải kiểm tra, rà soát theo quy định của pháp luật.

Khu đất tại 22 - Trần Quốc Hoàn được Tổng công ty Quản lý bay đề xuất xẻ ra để hợp tác kinh doanh với Công ty Trâm Anh. Ảnh: Lê Toàn
Khu đất tại 22 - Trần Quốc Hoàn được Tổng công ty Quản lý bay đề xuất xẻ ra để hợp tác kinh doanh với Công ty Trâm Anh. Ảnh: Lê Toàn

Để đánh giá việc quản lý, sử dụng tài sản công của VATM và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư, Bộ trưởng Bộ GTVT giao Vụ Quản lý doanh nghiệp, Cục Hàng không Việt Nam, VATM khẩn trương báo cáo đầy đủ về việc quản lý, sử dụng khu đất tại 22 - Trần Quốc Hoàn; tình hình hợp tác kinh doanh, đề xuất, kiến nghị (nếu có) gửi Bộ GTVT.

“Giao Thanh tra Bộ chủ trì nghiên cứu, kiểm tra, rà soát, báo cáo Bộ GTVT trước ngày 15/10”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo.

Cần phải nói thêm rằng, theo phương án kinh doanh giữa VATM và Công ty Trâm Anh, hai đơn vị này sẽ sử dụng một phần diện tích đất rộng 4.700 m2 nằm 2 bên cổng ra/vào phía mặt đường Trần Quốc Hoàn - Công ty Quản lý bay miền Nam để làm salon ô tô và nhà hàng McDonalds trong thời gian 20 năm. 

Đây là một phần của lô đất rộng 62.000 m2, tiếp giáp 3 mặt đường giao thông: đường Trần Quốc Hoàn, Phan Thúc Duyệt và đường Thăng Long, đang làm trụ sở của Công ty Quản lý bay miền Nam, Trung tâm Kiểm soát không lưu đường dài, tiếp cận TP.HCM, hệ thống tháp anten và khu thể thao. Đối với lô đất này, VATM đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Hợp đồng thuê đất của UBND TP.HCM. Hàng năm, Tổng công ty phải nộp khoảng 44 tỷ đồng tiền thuê đất cho Thành phố.

Công ty Trâm Anh có trụ sở tại 75 Trần Khánh Dư, phường Tân Định, quận 1, TP.HCM; được cấp đăng ký kinh doanh lần đầu năm 1996, do bà Nguyễn Thị Kim Hai làm Giám đốc, chuyên xây dựng, kinh doanh nhà trưng bày sản phẩm, salon ô tô tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.

Theo thỏa thuận giữa 2 bên, Công ty Trâm Anh sẽ tự thu xếp nguồn vốn để xây dựng toàn bộ các hạng mục công trình, dự kiến khoảng 218 tỷ đồng. VATM góp khoảng 2 tỷ đồng bằng chi phí giải phóng mặt bằng và một số chi phí khác. Đổi lại, VATM nhận được toàn bộ khu nhà hàng McDonalds với diện tích khoảng 1.980 m2 sàn xây dựng và sẽ cho nhà đầu tư thuê lại theo giá trị trường. Công ty Trâm Anh nhận toàn bộ công trình còn lại, bao gồm khu vực showroom ô tô, khu nhà bãi đậu xe, dịch vụ bảo trì.

Theo thông tin từ VATM, vào cuối tháng 8/2018, hai đơn vị này đã hoàn thiện dự án đầu tư để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và nhận giấy phép xây dựng. Đầu tháng 9/2018, Công ty Trâm Anh đã nhận bàn giao mặt bằng và khởi công xây dựng công trình.

Rủi ro lớn

Được biết, việc hợp tác khai thác một phần lô đất 22 - Trần Quốc Hoàn giữa VATM và Công ty Trâm Anh có lịch sử kéo dài và diễn biến khá phức tạp.

Trên thực tế, VATM và Công ty Trâm Anh đã từng ký hợp đồng hợp tác khai thác một phần của lô đất 22 - Trần Quốc Hoàn có diện tích khoảng 3.000 m2 để làm salon ô tô và khu làm việc phục vụ kinh doanh vào tháng 11/2013 (Hợp đồng số 4313/HĐKT - QLB). Điều đáng nói là, phương án hợp tác kinh doanh này chưa được Bộ GTVT cho phép theo quy định tại Điều lệ của VATM. Bên cạnh đó, theo Nghị định số 71/2013/NĐ - CP ngày 11/7/2013, VATM - một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, không được góp vốn vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, trường hợp đặc biệt phải do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Với những lý do trên, vào tháng 7/2015, VATM và Trâm Anh đã thống nhất chấm dứt hiệu lực Hợp đồng số 4313, đồng thời xây dựng phương án kinh doanh mới. 

Trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT, ngày 18/12/2015, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 2316/TTg - KTN đồng ý về chủ trương để Bộ GTVT khai thác 2 cơ sở nhà, đất của VATM tại 58 - Trường Sơn và 22 - Trần Quốc Hoàn (đều thuộc quận Tân Bình, TP.HCM) theo phương thức kêu gọi các nguồn lực hợp tác kinh doanh bằng tài sản, hạ tầng trên đất, nhằm tăng hiệu quả kinh tế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây là cơ sở mà Hội đồng Thành viên VATM tin là đã hội đủ các điều kiện pháp lý để xây dựng phương án hợp tác kinh doanh tại lô đất 22 - Trần Quốc Hoàn và trình Bộ GTVT chấp thuận (tại Công văn số 1018/BGTVT - QLDN ngày 25/1/2017), trước khi ký Hợp đồng số 2952/HĐ - QLB  vào tháng 5/2017.

Tuy nhiên, vào ngày 8/3/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32/2018/NĐ - CP, có hiệu lực từ ngày 1/5/2018 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ - CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp. Tại khoản 7, Điều 1, Nghị định số 32 quy định, các doanh nghiệp nhà nước như VATM không được sử dụng tài sản, tiền vốn, quyền sử dụng đất thuê để góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (trừ doanh nghiệp nhà nước có ngành nghề kinh doanh chính là các loại bất động sản theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản), không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, do Nghị định số 32 không có điều khoản chuyển tiếp, nên nếu VATM muốn tiếp tục sử dụng tài sản hiện hữu trên lô đất 22 - Trần Quốc Hoàn cần được xem xét trong trường hợp cụ thể".

Trong bối cảnh cả nước đang tiến hành rà soát, sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo Nghị định số 167/2017/NĐ - CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, rất khó để VATM và Công ty Trâm Anh nhận được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, nhất là khi phương án khai thác lô đất vàng này chỉ để phục vụ xây nhà hàng và salon ô tô.

Một rủi ro lớn nữa đối với các bên trong Hợp đồng số 2952, là Cục Hàng không Việt Nam vừa có Công văn số 3799/ACH - ANHK ngày 21/9/2018, yêu cầu VATM không được thế chấp, cho thuê, góp vốn bằng công trình Trung tâm Kiểm soát đường dài Hà Nội (ATCC Hà Nội) và Trung tâm kiểm soát không lưu đường dài, tiếp cận TP.HCM theo quy định tại khoản 2, Điều 26, Nghị định số 102/2015/NĐ - CP ngày 26/10/2015 để lập hồ sơ đề nghị đưa vào công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Điều đáng nói là, toàn bộ Trung tâm kiểm soát không lưu đường dài, tiếp cận TP.HCM nằm trọn trong lô đất 22 - Trần Quốc Hoàn do VATM quản lý.

“Phương án kinh doanh để phát triển lô đất 22 - Trần Quốc Hoàn có được tiếp tục triển khai hay không hiện vẫn là ẩn số và chỉ được sáng tỏ sau khi Thanh tra Bộ GTVT đưa ra kết luận cuối cùng”, một chuyên gia cho biết. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư