Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Tổng giám đốc Huawei Việt Nam: Việt Nam cần một “lồng ấp” cho khởi nghiệp
Hữu Tuấn - 02/02/2017 09:24
 
Ở Việt Nam chưa lâu, nhưng ông Thomas Zhou, Tổng giám đốc Huawei Việt Nam đang nhìn thấy những cơ hội kinh doanh mới không chỉ cho Huawei Việt Nam. Ông tin rằng, cơ hội rộng mở đang đến với giới khởi nghiệp trẻ Việt Nam.
Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông và Huawei Việt Nam trao tặng phòng máy tính cho Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái tháng 12/2016.
Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông và Huawei Việt Nam trao tặng phòng máy tính cho Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái tháng 12/2016.

Cơ hội của khởi nghiệp sáng tạo

Hai năm ở vai “thuyền trưởng” của Huawei tại Việt Nam cho ông những ấn tượng gì, thưa ông?

Đó là sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) Việt Nam. Nhu cầu của người sử dụng smartphone không ngừng tăng lên, không gian thị trường cũng rất lớn, tràn đầy cả cơ hội và thách thức.

Năm 2016 còn là năm Việt Nam khởi động triển khai công nghệ 4G/ LTE.

Với Huawei Việt Nam, cho dù không gian dành cho chúng tôi có hạn, khiến kinh doanh đôi chút khó khăn, nhưng tin vui là các sản phẩm smartphone của Huawei đã được người sử dụng Việt Nam đón nhận và yêu mến nhiều hơn.

Theo nghiên cứu của Công ty đo lường toàn cầu Nielsen, mức độ nhận biết thương hiệu của Huawei tại thị trường Việt Nam so với năm trước đã được cải thiện rất nhiều, tăng từ 10% năm 2015 lên 59% năm 2016.

Còn về con người Việt Nam, ông có nhìn thấy thế hệ khởi nghiệp mới trong ngành ICT Việt Nam, như Huawei, Alibaba, Xiaomi, OPPO, Tencent… ở Trung Quốc nhiều năm trước hay không?

Tôi tin nền kinh tế Việt Nam sẽ có những tên tuổi mới làm nên đột phá. Có nhiều lý do để tin như vậy.

Việt Nam có dân số trẻ, gần 70% dân số Việt Nam có độ tuổi dưới 40, có tố chất thông minh, cần cù, ưa thích những công nghệ mới, ứng dụng mới, với tốc độ tăng trưởng đầy lạc quan. Tiếp theo là tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam đang rộng mở. Và cuối cùng là Việt Nam đang có một phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ. Đây là cơ hội của những thanh niên trẻ.

.
 Ông Thomas Zhou, Tổng giám đốc Huawei Việt Nam

Nhắc đến phong trào khởi nghiệp, là lãnh đạo trong một tập đoàn công nghệ tầm thế giới, ông nhìn thấy những gì trong phong trào này ở Việt Nam?

Tôi thấy sự lan tỏa một không khí khởi nghiệp từ các nhà lãnh đạo quốc gia đến cộng đồng doanh nghiệp và thế hệ trẻ Việt Nam. Với lợi thế không nhỏ từ lực lượng lao động trẻ, có trình độ cao và khát vọng vươn lên, Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong việc xây dựng thành công một cộng đồng khởi nghiệp.

Đó chính là nền tảng để tạo dựng nên một “Quốc gia khởi nghiệp thành công” mà Chính phủ Việt Nam đang quyết tâm hướng tới.

Phải khẳng định, vai trò của Chính phủ trong việc tạo dựng “quốc gia khởi nghiệp” vô cùng quan trọng. Chính phủ Việt Nam cần tạo ra một “lồng ấp” (incubator) với những chính sách thật sự cởi mở, bình đẳng, áp dụng đúng những nguyên tắc của kinh tế thị trường.

Có được một “lồng ấp” như vậy, doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ có cơ hội phát triển rất nhanh chóng và mạnh mẽ. Đó chính là vai trò của Chính phủ kiến tạo mà Chính phủ Việt Nam đang thực hiện.

Ở Trung Quốc, công ty khởi nghiệp được Chính phủ hỗ trợ như thế nào?

Tôi lấy ví dụ ngay với Huawei. Năm 1987, ông Nhiệm Chính Phi (Ren Zhengfei) đã thành lập Huawei ở tuổi 43 với khoảng 5.000 USD vào thời điểm đó.

Ông và 14 người lập nên Huawei tại một căn hộ chung cư ở Thâm Quyến, cái nôi của công cuộc cải cách và mở cửa của Trung Quốc. Đây là đặc khu kinh tế - nơi cơ chế kinh tế thị trường lần đầu tiên được hình thành tại Trung Quốc.

Ông Thomas Zhou, sinh năm 1976, Thạc sỹ chuyên ngành ứng dụng công nghệ máy tính (Đại học Hải sự Đại Liên - Trung Quốc).

Ông bắt đầu công việc của mình tại Công ty Huawei (Văn phòng đại diện tại Côn Minh) vào năm 2004.

Từ năm 2006 đến 2010, ông làm Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Huawei Việt Nam và Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Huawei Hồng Kông từ năm 2010-2011.

Từ năm 2011-2014, ông giữ chức Giám đốc cao cấp trong Bộ phận chiến lược kinh doanh của Công ty TNHH Công nghệ Huawei khu vực Đông Nam Á.

Từ năm 2015, ông trở thành Tổng giám đốc của Công ty TNHH Công nghệ Huawei Việt Nam. 

Khi đó, Thâm Quyến là nơi thử nghiệm các chính sách cải cách và mở cửa của Trung Quốc. Ở đây, Chính phủ không can dự vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tôn trọng kinh tế thị trường. Với lĩnh vực sản xuất thiết bị viễn thông, Chính phủ không áp đặt các giới hạn đầu vào nào.

Điều này đã tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp sáng tạo, nhiệt tâm vươn lên trở thành công ty hàng đầu. Huawei đã tận dụng cơ hội để phát triển mạnh mẽ và vươn mình lớn mạnh như ngày hôm nay.

Nói một cách ngắn gọn, vốn khởi nghiệp chưa hẳn là vấn đề, quan trọng nhất là chính sách đúng đắn.

Mối quan hệ giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Trung Quốc thế nào, thưa ông?

Có một câu nói đại ý rằng, nếu muốn đi nhanh, bạn hãy đi một mình, nhưng muốn đi xa, bạn cần có người đồng hành.

Tại Huawei, chúng tôi hiểu rằng, không thể thành công nếu không mang đến sự thành công cho khách hàng, đối tác và cộng đồng. Vì vậy, Huawei luôn có những chính sách hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp hay các bạn trẻ khởi nghiệp.

Ví dụ, Huawei tài trợ học bổng, cho các nhà khoa học trẻ, các sinh viên ở các trường đại học hàng đầu của thế giới như Havard, Cambridge, Oxford… nếu họ có ý tưởng, đề tài nghiên cứu công nghệ hay, sáng tạo, hấp dẫn.

Tại Việt Nam, chúng tôi cũng hướng đến việc hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, nhân tài cho ngành ICT Việt Nam với nhiều hoạt động thiết thực trong thời gian qua và cả trong những năm sắp tới. 

Cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam

Kể từ khi đặt chân vào Việt Nam từ năm 1998, Huawei đã đi cùng với người dân Việt Nam như thế nào, thưa ông?

Chúng tôi tự hào khi được góp phần cùng với các doanh nghiệp viễn thông, đưa Việt Nam xếp hạng trong top đầu các quốc gia trên thế giới về mật độ thuê bao di động, trở thành một điểm sáng của viễn thông thế giới.

Chúng tôi cũng chung tay đưa Việt Nam từ quốc gia có giá cước dịch vụ viễn thông di động thuộc hàng cao trên thế giới trở thành một trong những quốc gia có mức cước thuộc hàng thấp nhất thế giới.

Năm 2005, số lượng trạm của các nhà mạng không quá con số 1.000. Hiện nay, số trạm của nhà mạng lớn nhất Việt Nam đã vượt qua 30.000 trạm.

10 năm trước, chi phí cho 1 SIM card là gần 80 USD, mỗi phút thoại mất 0,2 USD. Hiện nay, số tương ứng là 4 USD và 1/5 phí trước đây…

Trong quá trình hợp tác triển khai các dự án viễn thông với hơn 60 đối tác Việt Nam, Huawei đã mở các lớp bồi dưỡng, chuyển giao kỹ thuật mới nhất trong lĩnh vực viễn thông, đào tạo hơn 3.000 người.

Ngoài ra, Huawei đã giúp đẩy mạnh sự phát triển của các ngành nghề có liên quan và hỗ trợ dự án ICT, tạo cơ hội nghề nghiệp cho 15.000 người…

Được biết, Huawei đang thực hiện chiến lược bản địa hóa lâu dài tại  Việt Nam. Cụ thể thế nào, thưa ông?

Huawei Việt Nam hiện có 272 nhân viên, trong đó tỷ lệ bản địa hóa chiếm 82%, vượt qua tỷ lệ bản địa hóa bình quân trên toàn cầu của Huawei là 75%. Công ty có 6 người Việt Nam giữ các vị trí quản lý quan trọng, chiếm tỷ lệ 25%.

Từ năm nay, chúng tôi sẽ thúc đẩy mạnh mẽ kế hoạch bản địa hóa nhân lực, bất kể tại cương vị nào, tạo ra nhiều cơ hội thăng tiến cũng như chế độ đãi ngộ hấp dẫn, tạo tiền đề cho nhân viên Việt Nam phát triển.

Huawei rất quan tâm đến sự hợp tác với đối tác tại bản địa, cùng phát triển. Kết hợp giữa năng lực của các đối tác bản địa và giá trị của Huawei trên toàn cầu để thúc đẩy các sáng tạo, giúp các nước bản địa phát huy được năng lực, nâng cao sức cạnh tranh của ngành ICT.

Hiện nay, Huawei cùng Viettel hợp tác mở rộng thị trường ra hơn 10 quốc gia trên thế giới. Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho sự kết hợp thương mại hóa giữa bản địa hóa và toàn cầu hóa.

Huawei có những cam kết gì tại thị trường Việt Nam?

Tháng 9/2016, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm và làm việc tại Bắc Kinh, Huawei có cơ hội được tiếp kiến Thủ tướng.

Trong buổi tiếp, Thủ tướng đã đề nghị Huawei đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của ngành ICT Việt Nam. Chúng tôi đang và sẽ thực hiện điều này.

Với việc khai trương 2 văn phòng làm việc mới, hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, tại Hà Nội và TP.HCM, cùng Trung tâm Sáng tạo CSIS trong tháng 10/2016, Huawei một lần nữa khẳng định cam kết đầu tư, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác, đồng hành cùng các nhà khai thác viễn thông Việt Nam, các đối tác để mang đến những sản phẩm công nghệ tiên tiến, bảo đảm an toàn, với chất lượng cao và giá thành hợp lý dành cho các khách hàng và người sử dụng Việt Nam

Huawei cũng luôn chú trọng phát triển ngành ICT tại bản địa. Sự phát triển của ngành ICT mang đến sự phát triển lâu dài, tác động đến các ngành kinh tế - xã hội, môi trường. Để đảm bảo cho nhu cầu về cung cấp nguồn nhân lực công nghệ cao cho sự phát triển của ngành ICT Việt Nam, Huawei dự kiến đầu tư ít nhất 1 triệu USD vào phát triển nguồn nhân lực cho ngành ICT Việt Nam từ 2017 - 2019, chủ yếu qua 4 hoạt động chính. Đó là các chương trình đào tạo công nghệ ICT; tổ chức Cuộc thi viết ứng dụng di động cho sinh viên Việt Nam; tiếp tục tổ chức Chương trình Học bổng Hạt giống viễn thông tương lai (Telecom Seeds for the Future) cho các sinh viên ưu tú ngành ICT Việt Nam và các hoạt động công ích, trao tặng máy tính và thiết bị công nghệ phục vụ cho các hoạt động đào tạo nhân lực tại các địa phương.

Người sở hữu thương hiệu khách sạn 6 sao bên bờ Hồ Gươm khởi nghiệp như thế nào?
Four Seasons là thương hiệu khách sạn được BRG Group lựa chọn cho Dự án khách sạn 6 sao đầu tiên bên bờ Hồ Gươm (Hà Nội). Gần nửa thế kỷ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư