Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tổng giám đốc Nhựa Tiền Phong: Không được phép hài lòng, thỏa mãn
Thu Lê - 12/04/2017 09:08
 
Nguyên tắc nằm lòng đó của Hội đồng quản trị và Ban giám đốc Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP), như ông Nguyễn Quốc Trường, Tổng giám đốc của Nhựa Tiền Phong chia sẻ, đã giúp Công ty liên tục tạo ra sản phẩm mới, giữ vững vị thế số 1 trong ngành ống nhựa Việt Nam và góp mặt trong top 100 doanh nghiệp thịnh vượng năm 2017.
TIN LIÊN QUAN

Có thể khẳng định, năm 2016 là năm tiếp tục ghi dấu những thành công mới của Nhựa Tiền Phong, thưa ông?

Năm 2016, ngành ống nhựa có sự tham gia, mở rộng của nhiều thương hiệu mới trong nước. Đặc biệt, khi Việt Nam đã, đang và sẽ ký kết các hiệp định thương mại song phương và đa phương thì các đối thủ từ châu Âu cũng như trong khu vực (đặc biệt là Thái Lan) sẽ tạo ra những sức ép lớn về thị trường. Song đây cũng là năm mà Nhựa Tiền Phong có sự tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu và lợi nhuận. Doanh thu của công ty đạt 4.354,1 tỷ đồng, bằng 112% kế hoạch do Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thông qua và đạt mức tăng trưởng 22,4% so với thực hiện năm 2015. Đây cũng là mức doanh thu cao nhất của Nhựa Tiền Phong từ trước đến nay. Tỷ suất lợi nhuận gộp của công ty tiếp tục duy trì ở mức cao và tăng 0,43% so với năm 2015.

Ảnh ông Nguyễn Quốc Trường - Tổng giám đốc Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong.
Ông Nguyễn Quốc Trường - Tổng giám đốc Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong.

Có thể khẳng định, trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, việc Nhựa Tiền Phong nắm bắt được nhu cầu của thị trường, cùng một chiến lược kinh doanh hợp lý đã giúp Công ty đạt được kết quả đáng mừng này.

Trước sức ép cạnh tranh ngày càng lớn đó, Nhựa Tiền Phong đã có kế hoạch thế nào để tiếp tục giữ vững và phát triển thị phần của mình?

Thị phần mảng nhựa xây dựng tuy chỉ chiếm 18,2% của tổng ngành nhựa, nhưng lại có sự phát triển khá nhanh, từ 15 - 20%/năm.

Tổ chức nghiên cứu quốc tế BMI năm 2016 đã từng dự báo, tăng trưởng của ngành xây dựng hạ tầng Việt Nam là 9,85% và tốc độ tăng trưởng thực trung bình khoảng 6%/năm trong giai đoạn 2016 – 2024. Còn theo chiến lược của Phòng Nghiên cứu và phát triển nhà ở quốc gia - đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2011 - thì mục tiêu đến năm 2020, diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 25 m2 sàn/người. Đến năm 2030, phấn đấu đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân toàn quốc khoảng 30 m2 sàn/người.

Sự phát triển này của thị trường xây dựng và bất động sản sẽ tạo động lực cho ngành nhựa xây dựng tăng trưởng trong tương lai.

Như vậy, dư địa phát triển của ngành này còn rất lớn. Cùng với đó là sức ép cạnh tranh sẽ là động lực lớn để Nhựa Tiền Phong vượt qua chính mình và có những bước phát triển mới. Với nguyên tắc hoạt động “không hài lòng với những gì mình đang có”, Nhựa Tiền Phong vẫn tiếp tục thực hiện những kế hoạch mở rộng quy mô và tạo ra những sản phẩm mới có chất lượng tốt lớn, đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng.

Trong năm 2016, Công ty đã thực hiện việc xây dựng nhà xưởng mới trên diện tích đất mở rộng của công ty tại quận Dương Kinh, Hải Phòng. Và đến cuối năm 2017, sẽ thực hiện việc di chuyển Phân xưởng 5 - chuyên sản xuất ống HDPE và PPR - sang nhà xưởng mới này.

Như vậy, đến cuối năm 2017, Công ty có 05 nhà máy sản xuất. 02 tại Hải Phòng, còn lại là tại Nghệ An, Bình Dương và Vientiane(Lào). Tổng năng lực sản xuất của 5 nhà máy khoảng 120.000 tấn/năm. Điều này, sẽ cho phép công ty có đủ khả năng đáp ứng được nhu cầu lớn và ngày tăng cảo của thị trường.

Và chúng tôi cũng đã sẵn sàng cho giai đoạn phát triển tiếp theo, từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một trong những công ty cung cấp nhựa hàng đầu Việt Nam, và tiến tới là cả khu vực Đông Nam Á.

Nguyên nhân của sự thành công được rút ra ở đây là gì, thưa ông?

Đó chính là sự ủng hộ, tin tưởng của khách hàng, các cổ đông và của người lao động trong công ty. Trong lịch sử hơn 56 năm thành lập và phát triển của mình, Nhựa Tiền Phong lúc nào cũng coi khách hàng là nhân tố quan trọng nhất quyết định sự thành bại của Công ty.

Bởi thế, mọi phản ánh của khách hàng về chất lượng sản phẩm luôn được công ty ghi nhận lại qua bộ phận Chăm sóc khách hàng. Hay cả những ý tưởng của khách về nhu cầu có một loại sản phẩm mới đều là nguồn sáng tạo để cho Nhựa Tiền Phong nghiên cứu và đưa ra thị trường những sản phẩm ngày càng tốt và hoàn thiện hơn. Nhờ thế mà Nhựa Tiền Phong luôn có động lực để tự làm mới mình.

Hơn nữa, các cổ đông của Nhựa Tiền Phong luôn có niềm tin tuyệt đối vào Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban giám đốc của Công ty. Sau mỗi kỳ ĐHĐCĐ, nghị quyết đã được đưa ra thì các cổ đông luôn tôn trọng và tin tưởng nó sẽ được thực hiện một cách nghiêm túc và có hiệu quả. Điều này đã trở thành một nét văn hóa của Nhựa Tiền Phong.

Còn một điều quan trọng nữa. Đó là ở Nhựa Tiền Phong, sự sáng tạo luôn được coi trọng và đề cao. Hàng năm công ty đều dành hàng tỷ đồng để trao thưởng cho những người lao động có sáng kiến cải tiến kỹ thuật mới, đem lại hiệu quả cao nhất trong công việc. Việc tổng kết đánh giá hiệu quả sáng kiến được tính theo tháng chứ không phải đợi đến hết năm. Điều này đã kịp thời động viên người lao động và việc áp dụng những sáng kiến đó sớm cũng sẽ làm lợi cho công ty nhiều hơn.

Chỉ tiêu kinh doanh năm 2017

TT

Chỉ tiêu chủ yếu

Đơn vị tính

KH năm 2017

Mức tăng trưởng so với thực hiện 2016

1

Tổng doanh thu

Tỷ đồng

4.890

12%

2

Sản lượng sản phẩm

Tấn

95.700

11%

3

Lợi nhuận trước thuế

Tỷ đồng

450

7%

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư