Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tổng giám đốc Toyota Việt Nam: Chúng tôi không đề xuất hỗ trợ 10% giá trị xe hay giá thành xe
Thanh Hương - 16/05/2015 07:55
 
Liên quan đến thông tin Toyota Việt Nam (TMV) đưa ra các đề xuất hỗ trợ trị giá hàng tỷ USD để ở lại Việt Nam, Tổng giám đốc TMV ông Yoshihisa Maruta đã trao đổi với báo giới nhằm làm rõ các thông tin này.

Ông có thể cho biết rõ hơn đề nghị của TMV tới Bộ Công Thương về những chính sách hỗ trợ cho việc phát triển ngành công nghiệp ô tô sau năm 2018?

Hiện chúng tôi đang trong quá trình thảo luận với Bộ Công Thương và Chính phủ, vì vậy chưa thể nói chi tiết mà chỉ có thể giải thích quan điểm chung.

Như đã biết, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN sẽ giảm xuống 0% vào năm 2018. Vì vậy, năm 2015 là thời điểm rất quan trọng đối với các nhà sản xuất ô tô trong việc chuẩn bị và xây dựng kế hoạch, để có thể tồn tại cũng như tăng cường khả năng cạnh tranh của sản phẩm so với xe nguyên chiếc nhâp khẩu từ ASEAN sau thời điểm năm 2018.

TMV luôn mong muốn duy trì và phát triển sản xuất cũng như tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Do vậy, chúng tôi đang nghiên cứu, thảo luận với Bộ Công Thương và Chính phủ nhằm giúp tìm ra giải pháp tối ưu nhất để phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Chúng tôi hy vọng, các bộ ngành sớm hoàn thiện và đưa ra các chính sách cụ thể cho Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp ô tô đã được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2014.

Ông Yoshihisa Maruta, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam
Ông Yoshihisa Maruta, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam

 

Trong kiến nghị của TMV có bao gồm 4 nội dung đề xuất cho việc hỗ trợ. Đây có phải là điều kiện để TMV tiếp tục sản xuất tại Việt Nam?

Tôi khẳng định, cách hiểu này là không chính xác. Đây không phải là những điều kiện TMV đưa ra để tiếp tục sản xuất tại Việt Nam. 4 phương án này là những giải pháp khả thi, có thể cân nhắc áp dụng để duy trì và phát triển sản xuất trong nước sau năm 2018. Chúng tôi đang trong quá trình thảo luận với Chính phủ về tính khả thi của từng phương án nhằm mục đích tìm ra giải pháp tối ưu nhất. 

Các thông tin cho thấy, TMV đang yêu cầu Chính phủ hỗ trợ 10% giá trị xe, tương đương 2 tỉ USD để ở lại…?

Thông tin này không chính xác. Chúng tôi không đề suất hỗ trợ 10% giá trị xe hay giá thành xe. Khi thuế nhập khẩu bằng 0% vào năm 2018, chênh lệch chi phí giữa xe lắp ráp CKD và xe nguyên chiếc (CBU) sẽ ảnh hưởng đến sản xuất trong nước (xin hiểu rõ rằng, chi phí sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thành xe). Vì vậy, chúng tôi đề xuất Chính phủ hỗ trợ cho các nhà sản xuất trong nước để có thể phần nào giảm được sự chênh lệch chi phí này bằng cách điều chỉnh chính sách thuế trong giai đoạn đầu chuyển đổi cho đến khi thị trường lớn hơn.

Công nghiệp ô tô là một trong những ngành mũi nhọn quan trọng mà khi phát triển sẽ mang đến nhiều lợi ích và đóng góp cho sự phát triển kinh tế, tạo ra nhiều công ăn việc làm, giảm thâm hụt thương mại và phát triển công nghiệp phụ trợ… Chúng tôi mong muốn Chính phủ chung tay và hỗ trợ các nhà sản xuất ô tô để có thể duy trì và phát triển sản xuất trong nước.

Trợ giá là vi phạm các điều khoản trong cam kết của WTO, như vậy, có khả năng đề xuất của TMV sẽ không được thông qua…

Chúng tôi chỉ đề xuất cụ thể hóa việc thay đổi chính sách thuế phù hợp để hỗ trợ cho sản xuất trong nước phát triển, như được đề cập trong Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp ô tô đã phê duyệt. Thực tế nhiều chính sách thuế phí tương tự nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước đang được áp dụng tại nhiều quốc gia khác trong khu vực ASEAN.

Trong bản đề xuất, TMV có nhắc tới việc giảm thuế nhập khẩu linh kiện từ Nhật xuống còn 0%?

Thái Lan và Indonesia hiện đang áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu đối với linh kiện và cụm linh kiện từ Nhật Bản là 0%. Đây là một trong những lý do khiến chi phí sản xuất xe tại Việt Nam cao hơn Thái Lan. Để tạo công bằng cho xe sản xuất tại Việt Nam và xe nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia, mức thuế nhập khẩu linh kiện và phụ tùng từ Nhật Bản cần cân nhắc về 0%.

Nếu các đề xuất này được chấp thuận, giá xe sẽ giảm thế nào, thưa ông?

Chúng tôi chưa biết tương lai giá xe sẽ ra sao bởi chính sách hỗ trợ còn chưa rõ ràng. Cạnh đó, giá xe còn được quyết định bởi nhiều yếu tố như là tỷ giá hối đoái và chi phí nguyên vật liệu…

Theo ông, điều kiện để tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất ô tô tại Việt Nam sau năm 2018 là gì?

Về dài hạn, chúng tôi tin tưởng rằng thị trường ô tô Việt Nam sẽ lớn mạnh, ngành công nghiệp ô tô sẽ có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai. Vấn đề hiện nay là thuế nhập khẩu sẽ về mức 0% trước khi thị trường đủ lớn. Do vậy, có 2 điểm quan trọng cần được cân nhắc chú trọng. Đó là áp dụng các chính sách hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp ô tô cho đến khi thị trường có dung lượng đủ lớn. Cạnh đó là có chính sách thuế phí ổn định và tiếp tục phát triển thị trường.

Một số nhà sản xuất ô tô có ý định chuyển sang nhập khẩu xe sau 2018. TMV có kế hoạch chuyển sang nhập khẩu không?

Chúng tôi thực sự mong muốn duy trì sản xuất các mẫu xe CKD tại Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa thể trả lời về kế hoạch chi tiết.   

Vậy TMV có tiếp tục sản xuất trong tương lai, ngay cả khi không có bất kỳ đề xuất hỗ trợ nào được đồng ý?

Chúng tôi không thể trả lời câu hỏi trong điều kiện “nếu”. Chúng tôi tin tưởng sớm có các chính sách hỗ trợ cụ thể, phù hợp với định hướng của Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Công nghiệp ô tô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm ngoái. 

Mặc dù TMV có tỉ lệ nội địa hóa cao nhất trong các hãng ô tô nhưng vẫn thấp hơn so với cam kết ban đầu. Vậy, kế hoạch để tăng tỉ lệ nội địa hóa trong thời gian tới ra sao, thưa ông?

Chúng tôi đã, đang và sẽ tích cực trong việc gia tăng tỷ lệ nội địa hóa để giảm chi phí, bởi trên thưc tế, phụ tùng nội địa rẻ hơn phụ tùng nhập khẩu. Tuy nhiên, chi phí phụ tùng cao hay thấp phụ thuộc rất nhiều vào sản lượng, cũng như để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa thì cần nhiều thời gian. Nhưng chúng tôi sẽ vẫn kiên định, từng bước, từng bước cải thiện tỷ lệ nội địa hóa.

2 tỷ USD để Toyota ở lại?
Với mức hỗ trợ lên tới 10-12,5%/xe, chỉ tính trung bình sản lượng xe của Toyota là 35.000-40.000 xe/năm, cộng với các hãng khác thì cần thì tổng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư