Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Tổng thống Biden kêu gọi đồng minh buộc Trung Quốc giải trình các hoạt động kinh tế
Lê Quân - 21/02/2021 09:49
 
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 19/2 kêu gọi Mỹ và các đồng minh phải buộc Trung Quốc giải trình các hoạt động kinh tế.
"Chúng ta phải đẩy lùi các hành vi lạm dụng và áp bức của chính phủ Trung Quốc làm suy yếu nền tảng của hệ thống kinh tế quốc tế", Tổng thống Mỹ Joe Biden nói. Ảnh tư liệu: Shutterstock

Tổng thống Joe Biden kêu gọi trong một bài phát biểu trực tuyến từ Nhà Trắng hôm 19/2 gửi tới Hội nghị An ninh Munich, Đức: "Chúng ta phải đẩy lùi các hành vi lạm dụng và sức ép của chính phủ Trung Quốc làm suy yếu nền tảng của hệ thống kinh tế quốc tế".

Tại hội nghị bàn chính sách quốc tế thường niên này, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh: "Mọi người phải tuân thủ luật chơi như nhau".

Theo hãng tin CNBC, đây là lần đầu tiên ông Biden ra mắt công chúng quốc tế kể từ khi trở thành Tổng thống Mỹ. Động thái này diễn ra trong bối cảnh chính quyền Mỹ đang tìm cách duy trì lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc.

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Washington đã nỗ lực định hình lại mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung, đặt trọng tâm vào việc gây sức ép buộc Bắc Kinh tăng cường nhập khẩu hàng hóa của Mỹ, đồng thời hối thúc giải quyết các xung đột lớn giữa hai bên, bao gồm đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ và ép buộc doanh nghiệp Mỹ chuyển giao công nghệ bắt buộc.

Sau khi đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc vào tháng 1/2020, cùng năm này Washington đã hủy bỏ vòng đàm phán thương mại bổ sung với Bắc Kinh khi ông Trump chỉ trích Trung Quốc do làm lây lan đại dịch Covid-19.

Khẩu hiệu chính trị "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump đã khiến một số nhà lãnh đạo châu Âu vốn là đồng minh của Mỹ cũng trở nên xa lánh. Nhưng đến thời Tổng thống Biden, Washington đã tỏ rõ ý định muốn hâm nóng quan hệ với các đối tác quốc tế của Mỹ.

"Tôi biết vài năm qua đã có căng thẳng và thử thách đối với mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương của chúng ta. Nhưng Mỹ quyết tâm bắt tay lại với châu Âu", ông Biden khẳng định trong bài phát biểu. Trước khi có bài phát biểu này, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc gặp với lãnh đạo các nước G7 để thảo luận biện pháp ứng phó đối với đại dịch Covid-19.

Trong một tuyên bố chung sau cuộc gặp này, G7 khẳng định sẽ "phối hợp cùng nhau và cùng các nước khác để biến năm 2021 trở thành một bước ngoặt cho chủ nghĩa đa phương". G7 cũng cho biết rằng các quốc gia thành viên sẽ cam kết tài trợ 7,5 tỷ USD cho cơ chế COVAX - một sáng kiến quốc tế nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vaccine kháng Covid-19. Riêng Mỹ cam kết tài trợ 4 tỷ USD cho tiêm chủng vaccine kháng Covid-19 toàn cầu đến năm 2022, Nhà Trắng cho biết hôm 18/2.

Cuộc họp của lãnh đạo các nước G7 cũng đề cập đến Trung Quốc. "Với mục tiêu hỗ trợ hệ thống kinh tế toàn cầu hoạt động công bằng và có lợi cho tất cả mọi người, chúng tôi sẽ phối hợp với các nước khác, đặc biệt là các nước G20 trong đó có nền kinh tế lớn như Trung Quốc", tuyên bố chung của G7 nêu.

Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Mỹ Biden viện dẫn: "Doanh nghiệp Mỹ và châu Âu được yêu cầu công khai cấu trúc quản trị... và tuân thủ các quy tắc phòng chống tham nhũng và các hành vi độc quyền. Cho nên, doanh nghiệp Trung Quốc cũng cần tuân thủ theo cùng một tiêu chuẩn".

Ông Biden nói thêm: "Chúng ta phải bảo vệ các giá trị dân chủ để chúng ta có thể thực hiện được bất kỳ điều gì trong số các quy tắc đó, đẩy lùi những kẻ muốn độc quyền và bình thường hóa sự đàn áp".

Tổng thống Mỹ cũng cho rằng: "Đây cũng là cách chúng ta có thể đối phó với mối đe dọa từ Nga" - quốc gia mà người đứng đầu Nhà Trắng cho rằng vốn muốn "làm suy yếu kế hoạch của châu Âu và liên minh NATO của chúng ta".

"Những thách thức với Nga có thể khác với Trung Quốc, nhưng chúng đều là có thật", ông Biden nói. "Đó không phải là việc chia rẽ phương Đông đối phó với phương Tây. Đó cũng không phải là chúng tôi muốn xung đột. Chúng tôi muốn một tương lai mà tất cả các quốc gia có thể tự do xác định đường đi của mình mà không bị đe dọa bởi bạo lực hoặc áp bức nào", Tổng thống Mỹ nói.

"Chúng ta không thể và không được quay trở lại đối lập phản kháng và phe/khối thời Chiến tranh Lạnh", ông Biden kêu gọi.

Mỹ sắp ra dự luật "nắn gân" Facebook, Google
Các thành viên lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ sắp đề xuất dự luật giúp các đơn vị xuất bản thông tin nhỏ liên minh lại khi đàm phán với...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư