Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
TP.HCM chưa hoàn thành việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường
Gia Huy - 12/01/2017 08:29
 
Năm 2002, UBND TP.HCM đã ra chủ trương di dời 1.400 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi Thành phố và sẽ hoàn thành việc di dời vào năm 2005. Tuy nhiên, tới nay mục tiêu này vẫn chưa thể hoàn thành.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhiều cơ sở ô nhiễm vẫn tồn tại

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, hiện Thành phố có 698 cơ sở sản xuất phải di dời do gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị, với hơn 180 cơ sở tại huyện Củ Chi, 80 cơ sở tại quận 9 và 70 cơ sở tại huyện Bình Chánh.

Tuy nhiên, cũng có nhiều phản ánh của người dân về việc tại các quận trung tâm Thành phố vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất gây ôi nhiễm môi trường và nguy hiểm cho người dân. Đơn cử như phản ánh của người dân tại đường Bùi Văn Thêm, quận Phú Nhuận về việc gần 10 năm nay cơ sở có tên Nam Quang sản xuất, kinh doanh hóa chất gây nguy hiểm cho người dân.

Ông N.V.T, người dân sống cạnh cơ sở này cho biết, mỗi sáng, cơ sở này chở những thùng hóa chất lớn vào rồi sang chiết và chở đi. Cơ sở này nằm giữa khu dân cư đông đúc, đường rất nhỏ nên nếu xảy ra cháy nổ, hay hóa chất rò rỉ, hậu quả sẽ rất khó lường.

“Chúng tôi phản ánh với phường, thì bị những người cơ sở này hù dọa nên vì quá sợ hãi mà không dám phản ánh nữa”, ông T. nói.

Quận 12 được coi là tâm điểm của các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Trong báo cáo các điểm gây ô nhiễm môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã liệt kê hàng loạt địa điểm như  khu phố 4, khu phố 5, phường Đông Hưng Thuận, phường Thạnh Xuân… là điểm cần giải tỏa sớm nhất. Tại chân cầu vượt Ngã Tư Ga (phường Thạnh Xuân), theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, tại đây có khoảng 5 cơ sở chế biến nhựa tái chế, những bao ni lông, nhựa cũ được các cơ sở này thu mua về rồi phân loại và nấu để tái chế lại thành sản phẩm mới. Ngoài khói và mùi hôi luôn bao trùm khu vực này, thì nước thải cũng được các cơ sở thải trực tiếp ra con kênh khu vực này khiến nước đen và luôn sùi bọt trắng sóa.

Tại Khu đô thị mới Vĩnh Lộc, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân cũng có tình trạng hàng chục hộ dân làm xưởng sản xuất nhựa tái chế nhiều năm nay nhưng không được xử lý. 

Để tránh bị phản ứng trực tiếp từ cộng đồng dân cư tại nơi đặt cơ sở sản xuất, nhiều cơ sở sản xuất đã “chữa cháy” bằng cách xây ống thoát khói thật cao. Tuy nhiên, khói từ đó lại được phát tán xa hơn khiến các chung cư cao tầng trong vùng bị “lĩnh đủ”. Hàng trăm hộ dân sinh sống tại Chung cư Ehome 3 tại đường Hồ Ngọc Lãm (quận Bình Tân) đang phải chịu cảnh “muội khói phát tán bám vào tường, cùng mùi rất khó chịu” và từ ngày chuyển về sinh sống (năm 2014) dù đã nhiều lần khiếu nại nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Khó di dời

Câu hỏi được đặt ra là, vì sao hàng thập kỷ qua, các cơ sở không thể di dời ra khỏi trung tâm Thành phố, trong khi những tác hại về ô nhiễm đã được chứng minh rõ ràng?

Theo khảo sát từ Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, hầu hết doanh nghiệp đang trong danh sách phải di dời đều nại ra lý do cho việc chây ỳ, bởi nếu phải chuyển ra khỏi trung tâm Thành phố, họ sẽ gặp nhiều bất lợi trong sản xuất, kinh doanh .

Ông Nguyễn Văn Tùng, chủ cơ sở sản xuất chế biến nhựa tại quận 12 - cơ sở thuộc diện phải di dời cho biết, để xây dựng cơ sở sản xuất mới, ông phải mua một quỹ đất rộng, đầu tư lại nhà xưởng và máy móc mới, trong khi vốn để làm điều này quá sức với doanh nghiệp ông.

Một vấn đề nữa mà các doanh nghiệp nêu ra biện minh cho việc chây ỳ là do muốn dựa vào lợi thế vị trí đất để sản xuất, kinh doanh, thuận tiện đi lại và sinh hoạt; năng lực tài chính của hầu hết các doanh nghiệp còn hạn chế nên không đầu tư thay đổi công nghệ sạch, đầu tư công nghệ xử lý nước thải, chất thải tại nơi di chuyển đến…

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM (xin không nêu tên) cũng cho rằng, trong số các doanh nghiệp thuộc diện phải di dời, có  nhiều doanh nghiệp nhà nước, việc di dời các doanh nghiệp này không hề đơn giản, thậm chí là vượt quá sức của Sở.

Được biết, năm 2015, Sở Tài nguyên và Môi trường có xây dựng kế hoạch cụ thể về việc di dời các cơ sở này, với mục tiêu đến năm 2020, Thành phố không còn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong khu dân cư.

Kế hoạch được chia thành 3 giai đoạn, trong giai đoạn đầu tiên (từ năm 2016) sẽ xác định cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nghiêm trọng, lập danh mục và đề ra hình thức xử lý.

Giai đoạn tiếp theo là đến năm 2017, thực hiện hình thức xử lý hành chính, đồng thời phối hợp với chính quyền các cấp tham mưu cho UBND TP.HCM ra quyết định di dời, phê duyệt các chính sách tài chính, hỗ trợ, ưu đãi các cơ sở phải di dời. 

Cuối cùng, tới năm 2018, phân loại doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm thành hai mức độ để xử lý. Với những doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm sẽ bị xử phạt hành chính và yêu cầu đầu tư cải tạo lại công trình xử lý môi trường đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Trường hợp tái phạm thì áp dụng hình thức phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động từ 3 - 12 tháng cộng với buộc phải khắc phục hậu quả…

Nếu các ngành, các cấp chính quyền quyết tâm thực hiện kế hoạch này, có lẽ chỉ 3 năm nữa, những người dân tại các khu vực nêu trên của TP.HCM sẽ thoát được nỗi khổ ô nhiễm đã đeo bám họ mấy thập kỷ vừa qua.

Rà soát tất cả các các dự án xả thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức rà soát tất cả các dự án lớn và các dự án xả thải có...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư