Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
TP.HCM: Không để F0 lưu lại địa phương quá 12 tiếng
Việt Dũng - 17/07/2021 10:01
 
Các cơ sở y tế không để các trường hợp F0 lưu lại địa phương quá 12 tiếng, các bệnh viện tư nhân tự nguyện đăng ký xe cứu thương để chuyển người bệnh khi có yêu cầu.

Bệnh viện không được từ chối cấp cứu bệnh nhân

Tối 16/7, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi đến các cơ sở y tế về việc điều chuyển các ca F0 và cấp cứu đến các bệnh viện điều trị Covid-19.

Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở y tế phải nghiêm túc trong quá trình vận chuyển người bệnh đi cấp cứu, nhằm kịp thời điều chuyển các ca F0 giảm áp lực cho hệ thống y tế quận, huyện và giảm tỷ lệ tử vong đối với các trường hợp F0 chuyển nặng, nguy kịch.

Trung tâm Cấp cứu 115 phải điều phối các trường hợp F0 đến các bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị Covid-19, tiếp nhận các trường hợp nhiễm Covid-19 trong trường hợp cấp cứu đến các bệnh viện điều trị Covid-19.

Không để các trường hợp F0 lưu lại tại địa phương quá 12 tiếng đồng hồ
Không để các trường hợp F0 lưu lại tại địa phương quá 12 tiếng đồng hồ


Đồng thời, sử dụng các phần mềm điều phối y tế thông minh của Sở Y tế nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển các trường hợp F0 vào các bệnh viện điều trị Covid-19, không để các trường hợp F0 lưu lại tại địa phương quá 12 tiếng đồng hồ.

Tiếp nhận và huấn luyện cho 40 tình nguyện viên là sinh viên, học sinh do Thành đoàn TP.HCM điều phối, hoàn chỉnh ứng dụng điều phối xe cấp cứu thông minh.

Sở Y tế lưu ý, xe cấp cứu của các bệnh viện tư nhân, các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố tự nguyện đăng ký tham gia vào công tác vận chuyển người bệnh Covid-19 khi có sự điều động.

Các bệnh viện điều trị Covid-19 phải khẩn trương triển khai đủ số giường được Sở Y tế giao, hoạt động 27/7 đảm bảo luôn sẵn sàng tiếp nhận người bệnh.

Đối với các trung tâm y tế quận huyện, nếu trường hợp F0 còn tồn đọng kéo dài, có hoàn cảnh đặc biệt (điều trị methadone, già yếu neo đơn...) thì liên hệ với Sở Y tế để giải quyết.

Sở Y tế nhấn mạnh, các bệnh viện phải có trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch Covid-19 của thành phố, đặc biệt là tiếp nhận cấp cứu cho bệnh nhân nặng, tuyệt đối không được từ chối nếu còn khả năng tiếp nhận điều trị. Nếu các cơ sở y tế trên vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định.

Người dân cần thực hiện tốt Chỉ thị 16

Thông tin trước đó tại buổi họp báo cung cấp thông tin về phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, hệ thống y tế Thành phố tiến hành truy vết các ca F0 trong cộng đồng bằng chiến dịch xét nghiệm tầm soát tập trung vào các khu vực trọng điểm, có nguy cơ cao. Do đó, số ca F0 thời gian này tăng nhanh, nhưng sẽ giảm dần khi thực hiện liên tục.

“Nếu người dân nghiêm túc thực hiện đúng tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ thì trong thời gian tới, TP.HCM sẽ khống chế được sự lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 và số ca bệnh Covid-19 sẽ giảm dần”, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM thông tin tại buổi họp
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM thông tin tại buổi họp


Ông Nguyễn Hoài Nam cũng thông tin thêm, song song với việc số ca bệnh tăng nhanh, trong những ngày qua, số ca tử vong cũng có chiều hướng gia tăng vì khả năng gây ra các biến chứng nặng của vi-rút SARS-CoV-2 chủng Delta. 

Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong của người bệnh tại Thành phố do Covid-19 vào khoảng 0,75% (thế giới khoảng hơn 2%). Ngành y tế Thành phố đang cố gắng hết sức để kéo giảm tỷ lệ này xuống bằng việc thiết lập hệ thống các bệnh viện điều trị COVID-19 theo mô hình “tháp 4 tầng”. Trong đó các bệnh viện ở tầng 4 chuyên điều trị người bệnh Covid-19 nặng và nguy kịch.

Về công tác hướng dẫn, tập huấn đội ngũ, lực lượng tham gia thực hiện cách ly F1 tại nhà, thí điểm cách ly F0 tại nhà, Sở Y tế đã giao Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố ban hành công văn hướng dẫn cách ly y tế trong tình hình mới. 

Đồng thời, phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông, tập đoàn viễn thông Viettel triển khai thí điểm ứng dụng khai báo và giám sát người cách ly tại nhà (F1); Tập huấn cho UBND các cấp, trung tâm y tế, trạm y tế,.. về hướng dẫn cách ly F1 tại nhà và cách sử dụng ứng dụng giám sát; Truyền thông trên website hcdc.vn hướng dẫn cách ly y tế trong tình hình mới.

Trước tình trạng số lượng F0 tăng nhanh khiến việc điều phối đến các Bệnh viện điều trị chưa đáp ứng kịp, Sở Y tế đang xây dựng kế hoạch mở rộng số giường bệnh lên 50.000 giường, đề ra nhiều giải pháp nhằm khắc phục vấn đề này.

Bên cạnh đó, Sở đang tổ chức tiếp nhận 10.000 nhân lực y tế từ các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và các địa phương khu vực miền Bắc, Trung. Đồng thời, tiếp tục điều phối nguồn nhân lực tại chỗ để đảm bảo nhân sự cho hoạt động tại các Bệnh viện trên địa bàn.

“Đề nghị các trường Đại học Y dược TPHCM, Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch, Đại học Nguyễn Tất Thành huy động lực lượng sinh viên tình nguyện tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch”, ông Nam nói.

Người dân không nên mua test nhanh trên mạng: Hiện nay, nhiều trang mạng đăng bán dụng cụ test nhanh Covid-19 nhưng giá trị độ nhạy của các loại test nhanh này chỉ 25%. Do đó, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo người dân không nên mua và sử dụng. Bởi việc sử dụng các loại test này tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh nếu kết quả cho âm tính giả.

Doanh nghiệp đề xuất dùng tàu cao tốc để vận chuyển hàng hóa về TP.HCM
Do vận chuyển bằng đường bộ gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp đề xuất sử dụng tàu cao tốc để vận chuyển hàng hóa hóa về TP.HCM.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư