Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
TP.HCM không xóa sổ bất kỳ KCN nào mà chuyển đổi cho phù hợp
Lê Anh - 12/08/2022 13:59
 
TP.HCM không có chủ trương bỏ hay xóa sổ khu công nghiệp, khu chế xuất nào, mà sẽ định hướng chuyển đổi cho phù hợp

Đây là khẳng định của ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM tại hội nghị lấy ý kiến về Đề án Định hướng phát triển các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) TP.HCM giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2040 diễn ra ngày 11/8.

ghjj
Khu công nghiệp Hiệp Phước, giai đoạn 1 đã hoạt động được hơn một nửa thời hạn của dự án. Ảnh: Thiện Minh

Theo báo cáo của Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM (Hepza), đến nay, TP.HCM đã có 19 KCX-KCN được thành lập, trong đó 17 KCX-KCN đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy khoảng 80%. Từ khi triển khai đến nay, các KCX-KCN của thành phố đã thu hút được 1.665 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 12,5 tỷ USD.

Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM (Hepza) cho biết, nhiều KCX, KCN như Tân Thuận, Linh Trung 1 và 2, KCN Bình Chiểu, Tân Thới Hiệp, Vĩnh Lộc, Tân Bình, Tân Tạo, Tây Bắc Củ Chi, Hiệp Phước, giai đoạn 1 đã hoạt động được hơn một nửa thời hạn của dự án.

Sau nhiều năm hoạt động, một số khu công nghiệp đã bộc lộ nhiều hạn chế, chưa đảm bảo phát triển bền vững về mặt kinh tế và môi trường. Một số khu công nghiệp có nhiều ngành nghề thâm dụng lao động cao, giá trị thu hút trung bình trên 1 ha đất còn thấp.

Chính vì vậy, Hepza được giao xây dựng Đề án Định hướng phát triển các KCX-KCN TP.HCM giai đoạn 2025-2030 và tầm nhìn đến năm 2040 để tái cấu trúc lại theo tình hình thực tế, theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Góp ý cho đề án, ông Nguyễn Chơn Trung, nguyên Trưởng ban Quản lý Hepza, đề xuất quy hoạch sắp tới phải có trọng tâm trọng điểm. Để khắc phục những khó khăn hiện nay, cần áp dụng mô hình trước đây, có cơ chế một cửa tại chỗ, được tự chủ tài chính. Việc quy hoạch KCX-KCN phải đồng bộ trên cơ sở kế thừa, xem xét lại mặt được và chưa được.

Theo báo cáo của Hepza, nhiều doanh nghiệp tại các KCX-KCN của TP.HCM đã hoạt động được một nửa chu kỳ dự án, đang lưỡng lự trong việc đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới máy móc thiết bị do thời gian còn lại ngắn, thậm chí một số khu công nghiệp thời gia hoạt động còn lại chưa tới 20 năm.

Đối với Ban Quản lý và các công ty xây dựng,  kinh doanh cơ sở hạ tầng KCX-KCN cũng gặp khó khăn trong thu hút đầu tư những dự án mới do thời gian còn lại của dự án quá ngắn, khó thu hồi vốn cho dự án đầu tư sản xuất.

Do vậy, phần lớn đại diện hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp đầu tư khu công nghiệp đều kiến nghị UBND TPHCM giữ lại các KCX-KCN, đặc biệt là KCX Tân Thuận. Doanh nghiệp cũng kiến nghị trong đề án phải có thời hạn rõ ràng để doanh nghiệp chủ động trong kế hoạch sản xuất.

Trước lo lắng của doanh nghiệp,  ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định, Thành phố không có chủ trương bỏ hay xóa sổ KCX-KCN nào, mà sẽ định hướng chuyển đổi cho phù hợp với thực tế.

Để thu hút các nhà đầu tư trong những năm tới, đầu năm 2022, UBND TP.HCM đã có kiến nghị Chính phủ cho phép bổ sung khu công nghiệp Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh) với quy mô 668 ha để thay thế 3 khu công nghiệp khác bị loại khỏi quy hoạch là khu công nghiệp Phước Hiệp, Bàu Đưng và Xuân Thới Thượng.

UBND TP.HCM định hướng khu công nghiệp Phạm Văn Hai sẽ là khu công nghiệp mới thu hút doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Lãng phí ngàn tỷ, xóa sổ cơ hội đầu tư ở khu công nghiệp - Bài 2: Tiền tỷ vùi cát đá, “đất vàng” hóa bùn
Lãng phí quỹ đất tại hàng loạt khu công nghiệp tại TP.HCM khiến hàng ngàn tỷ đồng đã bỏ ra chôn vùi trong cát đá, đi kèm theo đó là hạ tầng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư