Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 14 tháng 10 năm 2024,
TP.HCM: Nỗ lực "mở toang cửa" thu hút dự án sản xuất thuốc chữa bệnh, vắc-xin, vật tư y tế
Ngô Sơn - 07/09/2024 12:14
 
TP.HCM quyết tâm đưa Khu công nghiệp Y-dược hoạt động từ năm 2030 và sẽ hỗ trợ toàn bộ lãi vay cho các dự án sản xuất thuốc chữa bệnh, vắc-xin, vật tư y tế.

Quyết đưa Khu công nghiệp chuyên ngành Y - Dược hoạt động từ năm 2030

Khu công nghiệp chuyên ngành Y - Dược của TP.HCM được lập tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 2 ( có diện tích 338 ha- tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh). Đây sẽ là nơi trung tâm nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo về lĩnh vực y dược; tập trung các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm chuyên ngành y dược và sản phẩm phụ trợ thuộc phân khúc kỹ thuật cao; trung tâm giao dịch về các sản phẩm chuyên ngành y dược và sản phẩm phụ trợ.

Nhằm hoàn thiện tính pháp lý, thúc đẩy hình thành và phát triển khu công nghiệp này, Thành phố đã có nhiều "'động tác" mạnh để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 2 như chấm dứt Hợp đồng hợp tác; rà soát, thực hiện việc kê khai, sắp xếp lại, xử lý đối với tài sản công, sắp xếp, xử lý phần diện tích đất nông trường theo quy định; tham mưu quy trình và thực hiện lựa chọn nhà đầu tư.

Mặt khác, Thành phố đã có các buổi làm việc với Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế và Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Chương trình 376 để đạt được sự đồng thuận và đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án Khu công nghiệp chuyên ngành Y - Dược thuộc các Dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư.

Bên cạnh đó, Thành phố cũng đề xuất thành lập Bộ phận Thường trực của Bộ Y tế tại Khu công nghiệp chuyên ngành Y - Dược để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp và rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, cấp giấy đăng ký lưu hành sản phẩm.

Khu công nghiệp chuyên ngành Y - Dược đầu tiên của TP.HCM và cả nước sẽ được lập tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 

Theo UBND TP.HCM, với hàng loạt giải pháp trên, dự kiến Khu công nghiệp chuyên ngành Y - Dược sẽ hoàn thiện cơ sở hạ tầng và đưa vào hoạt động từ năm 2030. Thành phố hy vọng, với các chính sách hỗ trợ đặc biệt từ Chính phủ, Bộ Y tế và UBND TP.HCM sẽ thúc đẩy, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đưa sản phẩm ra thị trường trong thời gian sớm nhất phục vụ công tác cung ứng thuốc có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu điều trị.

Hiện, Thành phố có hơn 30 nhà máy dược phẩm đạt chuẩn GMP - WHO (hướng dẫn thực hành sản xuất thuốc tốt của Tổ chức Y tế Thế giới - WHO). Những nhà máy này phân bố chủ yếu tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, chủ yếu sản xuất theo công thức từ những thuốc đã hết hạn bản quyền để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Hỗ trợ lãi vay để thu hút đầu tư y tế

Để thu hút nhà đầu tư  sản xuất, nghiên cứu thuốc, vắc-xin, các trung tâm kiểm nghiệm, trung tâm nghiên cứu và phát triển để nghiên cứu thuốc, TP.HCM cũng đang triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất  đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước Thành phố (HFIC) cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố.

Theo đó, các dự án sản xuất thuốc chữa bệnh cho người, vắc xin, vật tư y tế sẽ được Thành phố hỗ trợ toàn bộ lãi vay. Ngoài ra, hỗ trợ doanh nghiệp  tham gia liên kết chuỗi giá trị trong ngành Dược, các sở, ngành TP.HCM cũng đang hoàn thiện  kế hoạch và dự toán kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2024 và giai đoạn 2024 - 2026. 

Liên tục kiến nghị tháo điểm nghẽn cơ chế đặc thù

Theo UBND TP.HCM,  trong  về lĩnh vực y tế, với cơ chế đặc thù  theo tinh thần Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 và Nghị định số 84/2024/NĐ-CP về thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền TP.HCM, Thành phố đã chủ động hơn trong việc nhập khẩu thuốc cho nhu cầu điều trị đặc biệt của các cơ sở y tế trên địa bàn, đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng chống dịch bệnh và các nhu cầu khẩn cấp khác, đặc biệt đối với các thuốc hiếm, thuốc cấp cứu.

Các dự án sản xuất thuốc chữa bệnh cho người, vắc-xin, vật tư y tế ở TP.HCM sẽ được hỗ trợ toàn bộ lãi vay.

Tuy vậy vẫn còn nhiều "điểm nghẽn" buộc TP.HCM liên tục có kiến nghị đến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế giải quyết hà ng loạt vướng mắc khó khăn như: Bổ sung vào danh mục thuốc được thanh toán bảo hiểm 76 hoạt chất, thay đổi cấp chuyên môn kỹ thuật 19 hoạt chất, thay đổi tỉ lệ thanh toán: 29 hoạt chất và thay đổi điều kiện thanh toán 29 hoạt chất nhằm tạo thuận lợi cho người dân trong việc được thanh toán bảo hiểm y tế. Đồng thời, Thành phố cũng tiếp tục đề xuất bổ sung một số thuốc chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng được hưởng bảo hiểm y tế tại Trạm y tế.

Bổ sung các loại hình kinh doanh dược phù hợp với thực tế phát triển kinh tế xã hội (kinh doanh dược theo hình thức thương mại điện tử, kinh doanh dịch vụ vận chuyển thuốc).

Sửa đổi các quy định về thủ tục đăng ký thuốc để rút ngắn thời gian cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc đối với thuốc mới đăng ký lần đầu theo hướng tham chiếu kết quả thẩm định, cấp phép lưu hành của cơ quan quản lý dược chặt chẽ (SRA); Sửa đổi quy định về gia hạn số đăng ký thuốc tự động trong trường hợp thuốc đảm bảo tính an toàn, hiệu quả trong quá trình lưu hành và không có báo cáo phản ứng có hại nghiêm trọng.

 Sửa đổi các quy định về đăng ký thuốc cổ truyền, ưu tiên cắt giảm, đơn giản thủ tục hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ công thức thuốc và hiệu quả lâm sàng đối với các thuốc sản xuất dựa trên bài thuốc gia truyền được thực tiễn chứng minh hiệu quả điều trị hoặc các thuốc đã có lịch sử kinh doanh lâu dài và đảm bảo tính an toàn, hiệu quả.

Sửa đổi quy định về thanh toán thuốc cho người có Thẻ bảo hiểm y tế, tính đúng, tính đủ các chi phí phát sinh trong quá trình mua sắm, bảo quản, cấp phát thuốc tại cơ sở y tế.

Bế tắc mua sắm thuốc, máy móc, ngành y tế TP.HCM kêu cứu
Mới đây, Sở Y tế TP.HCM kêu cứu tới Bộ Y tế rằng, nếu vướng mắc không được giải quyết, thì trong 2-3 tháng tới, các cơ sở y tế của Thành...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư