Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
TP.HCM: Phòng chống dịch linh hoạt, không áp dụng các biện pháp cực đoan
Việt Dũng - 10/08/2020 21:21
 
Bảo vệ sức khỏe người dân là mục tiêu tối thượng, nhưng không áp dụng các biện pháp mang tính chất cực đoan, mà phải linh hoạt để vừa phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch có hiệu quả.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại buổi họp ngày 10/8
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại buổi họp ngày 10/8

Vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế

Ngày 10/8, tại buổi họp giao ban Ban của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, tình hình dịch bệnh trên Thế giới hiện nay đang diễn ra vẫn rất phức tạp. 

Còn đối với TP.HCM, có tổng cộng 9 ca nhiễm mới, trong đó 1 ca nhiễm được phát hiện và đưa đi cách ly ngay khi nhập cảnh. Chưa phát hiện các ca nhiễm lây lan trong cộng đồng.

Là một đô thị lớn, độ mở kinh tế cao thì Thành phố sẽ bị tác động nặng nề bởi tình hình dịch bệnh trên Thế giới và khu vực nếu dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

“Nhìn chung chúng ta vẫn đang ở trong điều kiện kiểm soát dịch bệnh tốt. Mục tiêu phát triển của thành phố trong 6 tháng cuối năm là vừa phục hồi kinh tế vừa áp dụng các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả”, ông Phong nói và cho biết thêm.

Cần phải thực hiện nghiêm Thông báo 283 của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng chống dịch Covid-19. Đồng thời, tiếp tục phát huy vai trò của người đứng đầu trong công tác phòng chống dịch. 

Chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn, hay Giám đốc các sở, ngành phải tập trung chỉ đạo phòng chống dịch. Không khoán trắng cho cấp dưới. Cán bộ Đảng viên phải gương mẫu trong công việc phòng chống dịch, trước hết là thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang nơi công cộng.

Chú trọng khâu tổ chức thực hiện phòng chống dịch, từng khâu, từng nhiệm vụ phải phân công cụ thể cho từng cán bộ. Theo dõi, kiểm tra, giám sát triệt để. Không để tình trạng trên nóng dưới lạnh, trên quyết liệt dưới thờ ơ. Thay đổi phương thức lãnh đạo để phù hợp với tình hình của dịch bệnh.

“Chúng ta phải nhớ rằng bảo vệ sức khỏe người dân là mục tiêu cao nhất, tối thượng. Nhưng không áp dụng các biện pháp mang tính chất cực đoan, mà phải linh hoạt để vừa phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch có hiệu quả”, Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh.

Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin

Cũng tại buổi họp, Chủ tịch UBND TP.HCM giao Sở Y tế tập trung rà soát, phát hiện nhanh các nguồn lây, nguy cơ lây bệnh trên địa bàn Thành phố. Phối hợp với Sở Y tế Đà Nẵng để theo dõi tình hình sức khỏe của 623 du khách hiện đang lưu trú ở Đà Nẵng, và lên phương án cách ly kịp thời khi về TP.HCM.

Bởi theo thông báo của Cảng vụ hàng không Việt Nam, ngày 13/8 sẽ bố trí một chuyến bay và 2 chuyến bay vào ngày 14/8 để đón các du khách trên về lại TP.HCM.

Thực hiện nghiêm quy trình Bệnh viện an toàn do Bộ Y tế ban hành, có phương án phân luồng, phân nhóm điều trị, bảo vệ an toàn cho các bệnh nhân trên 60 tuổi khi có bệnh nền như tim mạch, suy thận, ung thư…

Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý kinh tế xã hội
Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý kinh tế xã hội


Đề nghị các Bí thư Đảng ủy và Giám đốc các Bệnh viện không được phép lơ là, chủ quan, để dịch bệnh xảy ra tại Bệnh viện của mình. Kích hoạt chương trình khám chữa bệnh tại nhà cho người trên 60 tuổi. Công khai danh sách cách Bệnh viện khám chữa bệnh tại nhà; huy động đội ngũ y-bác sĩ giỏi để điều trị cho các ca nhiễm. Không để xảy ra tình trạng tử vong, lây chéo cho cán bộ y tế.

Đồng thời, Sở Y tế nên tổ chức xét nghiệm ngẫu nhiên đối với các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao như lái xe, nhân viên nhà hàng, tiểu thương chợ đầu mối…

Đầu tư, nâng cấp các cơ sở ý tế, để đủ năng lực xét nghiệm trong tình hình mới. Không để xảy ra tình trạng thiếu vật tư, trang thiết bị phòng chống dịch. Đặc biệt là hướng dẫn chặt chẽ đơn vị trong việc mua sắm, không để xảy ra tiêu cực.

Tập trung phòng chống các dịch bệnh như tay chân miệng, sốt xuất huyết, không đẻ dịch bệnh chồng lên dịch bệnh.

Sở Thông tin và truyền thông phải làm quyết liệt hơn nữa công tác tuyên truyền phòng chống dịch. Tuyên truyền để kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh trái phép để người dân yên tâm. Bên cạnh đó, không quyên tuyên truyền những hình ảnh đẹp trong cuộc sống.

Công an Thành phố phối hợp với Sở Ngoại vụ và các cơ quan liên quan để để kiểm tra, rà soát người nước ngoài quá hạn tạm trú tại Việt Nam, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm về việc xuất nhập cảnh.

Đồng thời cũng xử lý nghiêm, xem xét xử lý hình sự đối với các trường hợp không khai báo y tế, khai báo không trung thực, tụ tập đông người, chống người thi hành công vụ, đầu cơ, găm hàng, tăng giá, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng… Thực hiện nghiêm việc phòng chống dịch bệnh gắn với việc tuần tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Trong thời gian qua, Sở Công Thương đã thực hiện tốt việc công bố điểm bán khẩu trang trên các quận, huyện. Trong thời gian tới phải tiếp tục đẩy mạnh dự trữ, đảm đã sẵn sàng cho mọi tình huống và và thực hiện tốt việc cung ứng thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho người dân với chất lượng và giá cả phù hợp.

Giao UBND các quận, huyện rà soát, kiểm tra công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Sẵn sàng ứng phó trong mọi trường hợp khi có dịch bệnh xảy ra trên diện rộng. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát công tác phòng chống dịch tại doanh nghiệp, khu công việc, chung cư, nhà cao tầng… 

UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn và người đứng đầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải chịu trách nhiệm về việc để lây lan dịch bệnh trên địa bàn mình quản lý.

Ứng dụng nhiều hơn nữa công nghệ thông tin trong quản lý kinh tế xã hội, cung cấp dịch vụ công, giao dịch điện tử… Đồng thời, phải tích cực chuẩn bị các phương án tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế.

“Trong 7 tháng đầu năm có khoảng 23.000 doanh nghiệp thành lập mới, nhưng có tới 21.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể. Việc này đã kéo số vốn đăng ký xuống hơn 12.000 tỷ. Trong khi đó, 23.000 doanh nghiệp đăng ký mới thì số vốn đăng ký cũng chỉ khoảng hơn 3.000 tỷ”, ông Phong nói và chia sẻ thêm, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình khôi phục kinh tế của thành phố. 

Trước mắt là giảm sút kinh tế, sau là ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Bởi doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động thì người lao động mất việc làm. Theo đó, phải chủ động thay đổi phương thức làm việc, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. 

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: “TP.HCM đang ở ngưỡng an toàn”
“Tại TP.HCM, bình quân 1 triệu dân chưa đến 01 người nhiễm Covid-19 và TP.HCM vẫn đang ở ngưỡng an toàn”, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư