Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
TP.HCM sẵn sàng phương án điều trị bệnh nhân Covid-19 theo 3 cấp độ
D.Ngân - 07/07/2021 20:58
 
TP.HCM đã chuẩn bị phương án để nâng năng lực điều trị từ 10.000 lên 20.000 bệnh nhân theo mô hình 3 cấp độ.

Chiều 7/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Thường trực Ban Chỉ đạo đã dự cuộc giao ban trực tuyến với TP.HCM về công tác phòng, chống dịch.

TP.HCM đã chuẩn bị phương án để nâng năng lực điều trị từ 10.000 lên 20.000 bệnh nhân theo mô hình 3 cấp độ.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, đến nay, TP.HCM đã bước vào ngày thứ 72 của đợt dịch thứ tư, ngày thứ 38 thực hiện giãn cách xã hội. TP đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, chủ động, đồng bộ để khống chế, kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh; truy vết, cách ly, phong toả cục bộ nhiều khu vực, dừng nhiều hoạt động không thiết yếu. Đến nay, 22 quận, huyện tiến hành phong toả 107 điểm và áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg đối với một số phường, xã.

Thống kê cho thấy, trong số 7.450 ca nhiễm tại TP.HCM, có 49% trong khu cách ly, 33% trong khu phong toả, 4,1% qua xét nghiệm tầm soát cộng đồng, 12,7% qua xét nghiệm sàng lọc tại bệnh viện, 0,8% nhập cảnh.

TP.HCM đã thành lập 22 đội truy vết, phân cấp, giao quyền cho các quận, huyện, tổ chức lại tổ Covid cộng đồng, tổ an toàn Covid tại doanh nghiệp. Tăng cường năng lực lấy mẫu xét nghiệm cho người dân, công nhân, trước hết tại những vùng có nguy cơ cao, các điểm phong toả. 

Năng lực lấy mẫu của TP.HCM có thể đạt 1,3 triệu mẫu/ngày, xét nghiệm khoảng 400.000 mẫu đơn/ngày, vấn đề đặt ra là tổ chức điều phối thống nhất trong lấy mẫu, xét nghiệm để trả kết quả nhanh, chính xác trong thời gian sớm nhất .

Với diễn biến dịch bệnh hiện nay, TP.HCM đã chuẩn bị phương án để nâng năng lực điều trị từ 10.000 lên 20.000 bệnh nhân theo mô hình 3 cấp độ; chuẩn bị 30.000 chỗ cách ly F1.

Với mô hình 3 cấp độ theo lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, qua nghiên cứu tính hiệu quả của mô hình hệ thống các cơ sở điều trị Covid-19 theo hình “tháp 3 tầng” tại tỉnh Bắc Giang đang được Bộ Y tế triển khai, Sở Y tế nhận thấy mô hình này là giải pháp phù hợp cho tình hình hiện nay trên địa bàn TP.

Trong chiến lược “tháp 3 tầng”, dựa trên phân loại độ nặng của bệnh mà người mắc Covid-19 sẽ được thu dung, điều trị bởi các bệnh viện thuộc các “tầng” tương ứng với tầng 1 chuyên thu dung điều trị Covid-19 nhẹ hoặc không có triệu chứng, tầng 2 là các bệnh viện được chuyển đổi công năng chuyên tiếp nhận điều trị Covid-19 có triệu chứng và tầng 3 là các bệnh viện chuyên hồi sức chuyên sâu đối với các trường hợp Covid-19 nặng và nguy kịch.

 TP.HCM đã chuẩn bị phương án để nâng năng lực điều trị từ 10.000 lên 20.000 bệnh nhân theo mô hình 3 cấp độ; chuẩn bị 30.000 chỗ cách ly F1.

Theo mô hình này, hiện TP đã có các bệnh viện chuyên trách hồi sức cấp cứu chuyên sâu đối với các trường hợp Covid-19 nặng và nguy kịch (tầng 3 của hình tháp) và các bệnh viện chuyên điều trị Covid-19 (tầng 2 của hình tháp) với tổng công suất là 5.000 giường.

Để đáp ứng tình hình dịch bệnh hiện nay, nhu cầu cấp bách hiện nay là cần bổ sung các bệnh viện dã chiến chuyên thu dung điều trị các trường hợp mới mắc hoặc đang cách ly (F1, F2) chuyển sang F0 nhưng không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ (tầng 1 của hình tháp), dự kiến cần khoảng 5.000 - 10.000 giường.

Trong giai đoạn hiện nay, Sở Y tế xây dựng kế hoạch bổ sung các bệnh viện dã chiến chuyên thu dung điều trị Covid-19 không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ với quy mô 5.000 giường, hướng đến các mục đích kịp thời thu dung điều trị toàn bộ số ca mắc mới phát hiện qua xét nghiệm tầm soát tại các khu nguy cơ cao trong cộng đồng và các trường hợp đang được cách ly theo dõi tại các khu cách ly tập trung (F1 chuyển sang F0).

Chủ động phân loại độ nặng của bệnh để kịp thời chuyển tuyến phù hợp góp phần giảm tình trạng quá tải tại các bệnh viện được phân công tiếp nhận điều trị Covid-19, tập trung điều trị cho các trường hợp bệnh nặng, hạn chế thấp nhất tỉ lệ tử vong

Với công tác cách ly theo lãnh đạo TP, hiện các khu cách ly tập trung đều đã được kết nối hệ thống camera giám sát. TP.HCM yêu cầu người dân thực hiện nghiêm túc khai báo y tế điện tử, sử dụng mã QR khi đến các địa điểm công cộng, nhà hàng để phục vụ công tác truy vết.

Cùng với đó, TP đã thẩm định xong và tổ chức cho 43 doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao với 56.000 lao động theo phương thức vừa cách ly tại chỗ vừa sản xuất theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của đợt dịch lần này cùng với mật độ dân số rất cao, mức độ giao thương rất lớn nên công tác kiểm soát dịch bệnh của TP.HCM gặp nhiều thách thức.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong xác định cần phải quyết liệt hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa. Đây là cuộc chiến thực thực sự, TP.HCM hy sinh lợi ích ngắn hạn để bảo đảm sức khoẻ, tính mạng cho nhân dân, sự phát triển lâu dài.

“Thành phố áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng từ 0h ngày 9/7, thời gian áp dụng 15 ngày", ông Phong thông báo.

Để chống dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị TP.HCM phải thực hiện rất nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội đến từng gia đình, khu phố, cụm dân cư. Những xe vận tải hàng hoá di chuyển trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ qua địa bàn TP không dừng đỗ phải được tạo điều kiện thuận lợi.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của TP.HCM về việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Thành phố cần tiếp tục chuẩn bị để thực hiện giãn cách xã hội trên tinh thần nâng cao hơn một mức, thực hiện các biện pháp mạnh hơn để dập dịch sớm; đồng thời bảo đảm đời sống của người dân.

Phó Thủ tướng lưu ý khi giãn cách xã hội toàn TP.HCM theo Chỉ thị 16/CT-TTg, trong điều kiện mật độ dân số đông, các địa phương xung quanh chưa thực hiện tương tự thì các bộ, ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ với TP, tạo điều kiện tối đa trong lưu thông hàng hoá, hoạt động sản xuất.

“Phải tận dụng triệt để những ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg để khống chế các ổ dịch. Đội ngũ chống dịch có trình độ chuyên môn cao so với mặt bằng chung nên cần mạnh dạn thí điểm, triển khai sáng tạo. Tinh thần là hiệu quả trên hết”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bản tin 18h ngày 7/7, Bộ Y tế công bố 321 bệnh nhân tại 12 tỉnh, thành. Trong đó, 268 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc phong tỏa.

Trong ngày 7/7, với 3 bản tin, Bộ Y tế công bố tổng cộng 997 ca ghi nhận trong nước, cao nhất vẫn là TP.HCM, với 766 ca.
Trước đó trong hai ngày 5-6/7, số ca mắc trong nước ở mức 4 con số và TP.HCM luôn là nơi có số ca mắc cao nhất, dao động từ 500-700 ca.

Đến nay, Việt Nam có tổng cộng 21.180 ca ghi nhận trong nước và 1.891 bệnh nhân nhập cảnh.Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ 27/4 đến nay là 19.610 ca, trong đó có 5.753 bệnh nhân đã được công bố khỏi Covid-19.

Với hơn 31.000 điểm bán thực phẩm, người dân TP.HCM không nên lo lắng thiếu hàng
Sở Công Thương TP.HCM vừa tổ chức họp báo, thông tin về việc cung ứng thực phẩm thiết yếu trên địa bàn, trước tình trạng người dân đổ xô...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư