Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
TP.HCM ưu tiên các dự án ứng dụng trí tuệ nhân tạo
Gia Huy - 20/03/2019 11:32
 
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM tại Hội thảo khoa học “Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại TPHCM giai đoạn 2019 – 2025” diễn ra sáng 20/3.

Tham dự còn có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến và đại diện các sở, ngành, UBND quận, huyện, hiệp hội ngành nghề, viện, trường trên địa bàn TP.

Cũng tại Hội thảo, ông Phong cho biết. Đây là hội thảo quan trọng lần đầu tiên của TP để làm rõ khái niệm vai trò, vị trí của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với sự phát triển của TP, cũng như nâng cao nhận thức các cấp, các ngành trong việc nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo góp phần thực hiện thắng lợi Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM thì trong những năm gần đây, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã lan tỏa và tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Đây là cuộc cách mạng chưa có tiền lệ làm thay đổi toàn bộ các lực lượng sản xuất. Theo ước tính của Viện Nghiên cứu toàn cầu, 12 lĩnh vực cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã đem lại giá trị kinh tế thế giới 33.000 tỷ USD từ nay đến năm 2025.

Trí tuệ nhân tạo đang phát triển đến ngưỡng có độ ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống. Đặc biệt, vào năm 2016, đã đánh dấu sự phát triển vượt bậc của lĩnh vực này.

 “Nhận thức rõ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội vàng để TP nhảy vọt tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Do đó, từ năm 2017, TP đã tích hợp một số lĩnh vực trí tuệ nhân tạo vào đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh. Điều này được kỳ vọng như một hạt nhân để thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên địa bàn TP và làm nền tảng để TP triển khai thành công đề án đô thị thông minh trên toàn TP”, ông Phong cho biết.

Cũng theo ông Phong thì TP hy vọng từ những sáng kiến cũng như kinh nghiệm thực tế của các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp giúp TP vững bước tự tin trên con đường phía trước, tiếp thêm động lực để TP có thể sản xuất những sản phẩm trí tuệ nhân tạo mang thương hiệu Việt Nam và do người Việt Nam làm chủ.

TP sẽ chủ động nghiên cứu, đề xuất các cơ quan Trung ương ban hành các chính sách vượt trội so với quy định hiện hành để việc nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo thuận lợi nhất cả về pháp lý. Đồng thời, TP cũng tạo điều kiện thuận lợi để các dự án khởi nghiệp nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo có môi trường làm việc tốt nhất khi doanh nghiệp đầu tư tại TP. 

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng nhìn trên tổng thể việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sản xuất và đời sống TP còn khá chậm.

TP đang ở vị trí phía sau về nghiên cứu, đào tạo so với các đô thị trên thế giới. TP thiếu chuyên gia, nhà khoa học cho đến nhà hoạch định chính sách về trí tuệ nhân tạo.

Môi trường kinh doanh chưa thực sự tốt; sự tiếp cận nguồn lực vào cơ hội của người dân chưa thật sự bình đẳng. Đặc biệt, sự gắn kết, tương tác tứ giác của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà đầu tư tài chính còn lỏng lẻo, là một trong những điểm nghẽn kìm hãm sự nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trên địa bàn TP.

Cũng tại Hội nghị này, nhiều chuyên gia về công nghệ trí tuệ nhân tạo, các nhà khoa học trong và người nước đưa ra ý kiến và những biện pháp phát triển phong trào khởi nghiệp trong nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Hội thảo diễn ra hết ngày 20.3, sau đó TP sẽ tập hợp những ý trên để tạo ra những chính sách hỗ trợ cho chương trình phát triển trí tuệ nhân tạo của TP.

Lần đầu tiên công nghệ giải mã gene bằng trí tuệ nhân tạo có mặt tại Việt Nam
Công ty Genetica Việt Nam đã chính thức giới thiệu công nghệ giải mã gene bằng trí tuệ nhân tạo lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư