Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
TP.HCM yêu cầu "không để thiếu hàng khi người dân đến mua sắm"
Hồng Phúc - 09/08/2021 13:58
 
UBND TP.HCM yêu cầu sự thống nhất trong nhận thức, ứng xử giữa các địa phương cùng hệ thống phân phối hàng hoá thiết yếu; không để thiếu hàng hóa cục bộ, gây bức xúc cho nhân dân.

Sở Công thương TP.HCM, UBND Thành phố Thủ Đức cùng các quận, huyện và hệ thống phân phối trên địa bàn Thành phố đã rất nỗ lực trong việc cung ứng hàng hoá.

Nhưng hiện nay, người dân vẫn phản ánh tình trạng thiếu hàng mà họ muốn mua sau nhiều tiếng đồng hồ xếp hàng, chờ đợi để vào siêu thị, cửa hàng.

Sáng ngày 9/8, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng đã ký văn bản về việc tăng cường thực hiện nghiêm các giải pháp đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn.

Văn bản này gửi đến Giám đốc Sở Công thương Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố Thủ Đức cùng các quận, huyện và ban giám đốc các hệ thống phân phối trên địa bàn.

Thực tế, trong thời gian qua, Sở Công thương Thành phố đã hình thành các kênh bổ trợ phân phối hàng hóa, huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp để tham gia cung ứng rau, củ quả, thực phẩm tươi sống. 

Các quận huyện cũng bổ sung giải pháp như tăng điểm bán hàng đồng giá, bán hàng đăng ký trước, đi chợ giùm, tổ chức lại các điểm bán thực phẩm tươi sống tại chợ truyền thống đang tạm ngưng,…

Tuy nhiên, hiện nay, 3/3 chợ đầu mối, 201/234 chợ truyền thống và một số siêu thị cửa hàng tiện lợi tại TP.HCM tạm ngưng hoạt động để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Việc cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân tập trung vào các hệ thống phân phối hiện đại, kéo theo sự gia tăng áp lực và tạo thêm nguy cơ lây nhiễm.  

.
Người dân xếp hàng chờ đến lượt vào siêu thị Co.op Mart Phan Văn Trị, quận Gò Vấp (Ảnh: Hồng Phúc).

Bên cạnh đó, cùng với các giải pháp giảm mật độ lưu thông trên đường trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, quy định hạn chế tối đa ra đường, các cửa hàng cơ sở kinh doanh phải đóng cửa từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau càng tác động mạnh đến việc cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu của người dân.

UBND TP.HCM cho rằng, việc làm hết sức cần thiết hiện nay là nhanh chóng tổ chức lại các điểm cung ứng hàng hóa tại địa phương với phương thức phù hợp; dựa trên cơ sở rà soát, khôi phục và đưa vào hoạt động trở lại các điểm bán mặt hàng, lương thực, thực phẩm thiết yếu tại chợ truyền thống hoặc hình thành các điểm bán nhỏ (ưu tiên tập trung các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau củ quả trong điều kiện an toàn).

Thêm vào đó, để giải quyết vấn đề này, cần có sự thống nhất trong nhận thức và ứng xử giữa các địa phương. 

Vì vậy, UBND TP.HCM yêu cầu Sở Công thương Thành phố theo dõi diễn biến trên thị trường, chủ động điều phối hàng hóa, không để xảy ra hiện tượng khan hiếm. 

Đồng thời, tiếp tục triển khai chương trình bình ổn thị trường, phối hợp với các địa phương nghiên cứu triển khai giải pháp phù hợp với đặc thù từng nơi để tổ chức điểm bán lương thực thực phẩm thiết yếu tại chợ truyền thống đang tạm ngưng hoạt động hoặc các địa điểm, mặt bằng trống tại khu vực lân cận,….

.
Nhân viên cửa hàng bán sản phẩm mẹ và bé tại TP.HCM bán rau, củ cho người dân (Ảnh: Lê Toàn).

Với UBND Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, phải tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND TP.HCM về việc tổ chức chợ truyền thống hoạt động trở lại trong điều kiện an toàn (theo các văn bản đã hướng dẫn); tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh việc triển khai “Phiếu mua hàng” một cách hiệu quả, phù hợp với năng lực cung ứng hàng hóa.

Cùng với đó, UBND Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng thiếu hàng khi người dân đến mua sắm; đảm bảo kiểm soát tình trạng tập trung đông người tại các điểm bán;…

Phiếu đi chợ, siêu thị do Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn phát cho người dân phải ghi rõ thời gian đi và các địa điểm ,chợ siêu thị cửa hàng gần nhất để người dân mua sắm.

Hoạt động kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện, phối hợp với UBN phường, xã với các điểm bán cũng cần được UBND Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường thực hiện.

Theo đó, phải phân chia khung thời gian, số lượng người đến các điểm bán trên địa bàn nhằm kiểm soát số lượng, phân bổ số người đến theo khung giờ đảm bảo; khống chế lượng khách ra- vào điểm bán phù hợp với số lượng hàng hóa cung ứng; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tập trung đông người, thiếu hàng hóa cục bộ, gây bức xúc cho nhân dân.

Trong khi đó, các hệ thống phân phối như siêu thị Co.op, Satra, Bách hóa xanh, Lotte, Aeon Mega Market, Big C,… phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để đánh giá nhu cầu, tiếp tục gia tăng năng lực dự trữ và bán hàng.

Thông tin về mặt hàng, giá cả, quy cách đóng gói, phương thức giao nhận,…cần được thực hiện liên tục để trên cơ sở đó phối hợp với địa phương, thông tin đến người dân trong khu vực.

TP.HCM: “Phiếu mua hàng thiết yếu” phải ghi số chứng minh nhân dân
Sở Công thương TP.HCM vừa ra văn bản hướng dẫn về việc “Phát phiếu mua hàng thiết yếu” cho người dân trên địa bàn. Trong phiếu này phải có...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư