Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án liên quan ông Trịnh Văn Quyết
Huệ Nguyễn - 02/01/2024 14:01
 
Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao ra quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung để bảo đảm việc truy tố trong vụ án thao túng chứng khoán liên quan tới Trịnh Văn Quyết.

Mới đây, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao gửi công văn tới các cơ quan thông tấn, báo chí, đề nghị đăng tin cho các bị hại biết vụ án liên quan bị can Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC đã được trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung.

Theo đó, ngày 28/10/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra bản kết luận điều tra, đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (Vụ 5) truy tố Trịnh Văn Quyết và 20 đồng phạm về tội "Thao túng thị trường chứng khoán" và tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Xét thấy cần phải điều tra bổ sung để bảo đảm việc truy tố, ngày 26/12/2023, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã ra Quyết định số 433, trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung.

Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết.

Liên quan tới vụ án này, bị can Trịnh Văn Quyết và hai em gái là Trịnh Thị Minh Huế, cựu kế toán Tập đoàn FLC và Trịnh Thị Thúy Nga, cựu Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS bị đề nghị truy tố về tội “Thao túng thị trường chứng khoán” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Kết luận điều tra xác định, Trịnh Văn Quyết là người sáng lập Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần Chứng khoán BOS và 50 công ty liên quan khác.

Theo chỉ đạo của Quyết, Trịnh Thị Minh Huế mượn Giấy chứng minh nhân dân của 45 cá nhân, thành lập đứng tên 20 doanh nghiệp để mở 141 tài khoản tại Công ty Chứng khoán BOS, 359 tài khoản mở tại các công ty chứng khoán khác, trong đó ông Quyết đứng tên 23 tài khoản.

Để thao túng thị trường chứng khoán, từ tháng 5/2017 đến tháng 1/2022, Trịnh Thị Thúy Nga đã cấp hạn mức khống cho nhóm tài khoản của Trịnh Văn Quyết mở tại Công ty Chứng khoán BOS.

Quá trình thực hiện, Nga đã chỉ đạo nhân viên thực hiện 1.568 lần cấp hạn mức cho 79 trong số 141 tài khoản trên với hạn mức khống là 170 tỷ đồng. Cùng với đó, Trịnh Thị Minh Huế đã sử dụng các tài khoản này đặt 15.128 lệnh mua với khối lượng 2,8 triệu cổ phiếu gồm các mã AMD, HAI, GAB, ART, FLC.

Sau khi đặt lệnh mua, Huế hủy lệnh, khớp chéo giữa các tài khoản với nhau hoặc mua vào với số lượng lớn cổ phiếu cùng một mã cổ phiếu để thực hiện hành vi thao túng và bán cổ phiếu ra thị trường, giúp Trịnh Văn Quyết thu lợi bất chính 723 tỷ đồng.

Ngoài ra, Trịnh Văn Quyết biết trước khi bán cổ phiếu phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, song vẫn chỉ đạo bà Huế sử dụng tài khoản của mình bán “chui” 74,8 triệu cổ phiếu FLC trong phiên giao dịch ngày 10-01-2022 với tổng giá trị khớp lệnh là 1.689 tỉ đồng.

Ngoài ra, trong thời gian từ năm 2014 đến năm 2016, thực tế các cổ đông chỉ góp gần 1,200 tỷ đồng vốn điều lệ vào Công ty cổ phần Xây dựng Faros, tuy nhiên, với mục đích chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư nên Trịnh Văn Quyết chỉ đạo thuộc cấp và các cá nhân có liên quan thực hiện lập và ký khống hồ sơ, chứng từ góp vốn, với giá trị lên tới hơn 3.102 tỷ đồng, làm tăng khống vốn chủ sở hữu của Công ty cổ phần Xây dựng Faros lên 4.300 tỷ đồng.

Sau đó, Trịnh Văn Quyết đề nghị đăng ký niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS của Công ty cổ phần Xây dựng Faros trên Sở giao dịch chứng khoán TP. HCM để bán, chiếm đoạt hơn 3.620 tỷ đồng của các nhà đầu tư.

Trong quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ủy thác điều tra cho 200 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an các cấp thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để tổ chức tiếp nhận đơn trình báo, xác minh, ghi lời khai đối với các nhà đầu tư còn đang sở hữu cổ phiếu ROS của Công ty cổ phần Xây dựng Faros.

Thêm người nhà ông Trịnh Văn Quyết vướng vòng lao lý vì giúp sức thao túng thị trường
Hai cán bộ ban kế toán, đồng thời cũng là hai em gái ông Trịnh Văn Quyết, đều nhận Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư