Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 10 tháng 11 năm 2024,
Trà Vinh đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Huy Tự - 18/11/2018 16:29
 
Nhân sự kiện Tuần lễ Văn hóa du lịch, Liên hoan ẩm thực Nam bộ tỉnh Trà Vinh năm 2018 gắn với Lễ hội Ok Om Bok của đồng bào dân tộc Khmer, tổ chức từ ngày 16 - 22/11/2018, ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh chia sẻ về định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của Trà Vinh và những giải pháp trong thời gian tới.

Ông có thể khái quát những tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch và vị thế của du lịch Trà Vinh trong liên kết tiểu vùng duyên hải phía Đông Vùng Đồng bằng sông Cửu Long?

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, mưa thuận, gió hòa, là vùng đất mang nét đặc trưng cho sự giao thoa, chuyển từ đồng bằng sang vùng biển, Trà Vinh có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch đặc trưng văn hóa dân tộc bản địa, nhất là phát huy mối liên kết tiểu vùng duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long với các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre. 

.
.

Có thể nói, du lịch văn hóa gắn với du lịch tâm linh là một trong những sản phẩm đặc trưng và khác biệt của du lịch Trà Vinh so với các tỉnh trong khu vực. Trà Vinh là vùng đất gắn bó lâu đời của ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa. Từ đó, đã hình thành một nền văn hóa đa sắc tộc với nhiều đình, chùa, nhà thờ, các lễ hội truyền thống diễn ra quanh năm với nhiều trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch văn hóa gắn với du lịch tâm linh và thực hành các nghi lễ tôn giáo, phục vụ du khách thích khám phá khi đến miền đất này. 

Trà Vinh nằm giữa hai nhánh sông Mêkông và tiếp giáp biển Đông, là vùng đất trẻ bên cạnh vùng đất châu thổ lâu đời, hình thành nên nhiều cù lao, cồn nổi ven sông, ven biển với những vườn cây ăn trái chuyên canh đã tạo cho tỉnh lợi thế để phát triển loại hình du lịch biển, du lịch sinh thái sông nước miệt vườn và du lịch nghỉ dưỡng. 

Môi trường tự nhiên tuy còn hoang sơ do chưa được đầu tư khai thác, nhưng rất thích hợp cho khách du lịch quốc tế khám phá, trải nghiệm nét đặc trưng còn lưu lại của vùng đất miền Tây Nam bộ. Bên cạnh đó, TP. Trà Vinh là đô thị xanh với hàng ngàn cây cổ cũng tạo nên nét riêng hấp dẫn của tỉnh Trà Vinh.

Là tỉnh ven biển, địa hình tương đối thấp và phẳng với hệ thống sông rạch phong phú, đất đai được phù sa bồi đắp, Trà Vinh có nền sản xuất nông nghiệp đa dạng và phong phú, từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản ở cả ba vùng nước mặn, lợ, ngọt. Đây cũng là nguồn nguyên liệu phong phú, kết hợp hài hòa với sự khéo léo, lao động cần cù, sáng tạo của người dân địa phương, hình thành nên những làng nghề truyền thống với nhiều sản phẩm đa dạng, tinh xảo làm quà tặng du lịch hoặc quà lưu niệm. 

Chính vì vậy, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng kết hợp tham quan các làng nghề truyền thống cũng là thế mạnh của tỉnh Trà Vinh. Khách du lịch trong nước và quốc tế đến Trà Vinh có thể tham gia các hoạt động lao động nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, sản xuất, chế tác ở các làng nghề truyền thống cùng với người dân… 

Có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng tại sao trong những năm qua, ngành du lịch Trà Vinh chưa phát triển tương xứng, thưa ông? 

Trà Vinh có nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái biển gắn với rừng ngập mặn, sông nước miệt vườn, tham quan nghỉ dưỡng… Những năm gần đây, nhất là sau khi thông xe cầu Cổ Chiên, hệ thống giao thông của tỉnh Trà Vinh  kết nối dễ dàng hơn với TP.HCM và các tỉnh duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, với sự tập trung chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành du lịch đã từng bước phát huy hiệu quả. 

Là một trong những lễ hội quan trọng nhất trong năm của đồng bào dân tộc Khmer, Lễ hội Ok Om Bok luôn thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách
Là một trong những lễ hội quan trọng nhất trong năm của đồng bào dân tộc Khmer, Lễ hội Ok Om Bok luôn thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách

Tuy nhiên, du lịch Trà Vinh vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định, do kết cấu hạ tầng du lịch chưa đồng bộ, cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch còn thiếu, sản phẩm du lịch còn ít và chưa hấp dẫn nên chưa đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, nhất là khách quốc tế. Bên cạnh đó, ngành du lịch của tỉnh vẫn chủ yếu tập trung khai thác tài nguyên tự nhiên sẵn có và yếu tố văn hóa, tâm linh, chưa có nhiều dịch vụ gia tăng đi kèm, nên chưa thu hút được nhiều du khách như kỳ vọng… 

Đó là những lý do khiến du lịch Trà Vinh, mặc dù có nhiều tiềm năng, nhưng chưa phát triển như mong đợi trong những năm qua.

Vậy mục tiêu và định hướng phát triển du lịch của tỉnh Trà Vinh trong những năm tiếp theo là gì?

Trà Vinh phấn đấu đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Thực hiện Kế hoạch số 48-KH/TU ngày 12/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, UBND tỉnh Trà Vinh đã ban hành Kế hoạch để cụ thể hóa mục tiêu phát triển du lịch trong giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; tập trung xây dựng điểm đến, kêu gọi đầu tư vào các loại hình du lịch văn hóa - lễ hội, du lịch biển, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái miệt vườn, trong đó,  xây dựng loại hình du lịch văn hóa dân tộc là sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tập trung đầu tư hình thành hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển du lịch, bảo đảm đủ khả năng tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao quy mô vùng và cấp quốc gia.

Mục tiêu đến năm 2030, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tỷ trọng lớn vào cơ cấu GRDP của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ngành du lịch có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất - kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có tính thương mại, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Ngành du lịch Trà Vinh phấn đấu đón 1,3 triệu lượt khách vào năm 2020; 2,5 triệu lượt khách vào năm 2025 và 3,6 triệu lượt khách vào năm 2030.

Với mục tiêu và định hướng như trên, tỉnh Trà Vinh có những giải pháp đột phá nào để ngành du lịch phát triển mạnh trong những năm tới, thưa ông?

Ngay từ đầu năm 2018, Tỉnh ủy Trà Vinh đã ban hành Kế hoạch số 75-KH/TU về tổ chức thực hiện 6 nhiệm vụ tập trung, 3 nhiệm vụ đột phá trong năm 2018 và những năm tiếp theo. Trong đó, nhiệm vụ đột phá để phát triển du lịch được xác định là: đẩy mạnh thu hút nguồn lực, tăng cường các hoạt động quảng bá, thu hút và phát triển du lịch tỉnh nhà, phấn đấu đưa ngành du lịch thật sự là một trong những ngành kinh tế trọng tâm của tỉnh trong những năm tới.

Thực hiện Kế hoạch số 75-KH/TU, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh cũng đã xây dựng kế hoạch thực hiện và tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển du lịch trong năm 2018 và những năm tiếp theo.

Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành du lịch được xác định là một trong những giải đột phá để phát triển du lịch Trà Vinh. Tháng 7/2018 vừa qua, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 70/2018/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2018 - 2020. 

Theo đó, tỉnh Trà Vinh sẽ hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà hàng ẩm thực đặc trưng kết hợp bán đặc sản, hàng lưu niệm; hỗ trợ mua sắm phương tiện thủy và phương tiện vận chuyển thô sơ đường bộ để vận chuyển khách du lịch; hỗ trợ đào tạo lao động cho các dự án đầu tư du lịch trên địa bàn tỉnh… nhằm huy động các nguồn lực, đẩy mạnh công tác xã hội hóa lĩnh vực du lịch và tạo bước đột phá, phát triển mạnh du lịch cộng đồng trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Trà Vinh sẽ tập trung xây dựng các sản phẩm đặc thù của địa phương, tạo điểm nhấn trong thu hút khách du lịch. Trong năm 2018,  tỉnh đã ra mắt một số hạng mục Làng Văn hóa  - Du lịch Khmer tại Ao Bà Om và vùng phụ cận xã Lương Hòa (huyện Châu Thanh); hoàn thành và đưa vào hoạt động Khu tham quan nghỉ dưỡng Ba Động giai đoạn I với các hạng mục nhà hàng, khu vui chơi giải trí, hệ thống xe điện và du thuyền để phục vụ khách du lịch trải nghiệm biển Ba Động; phát triển thêm một số điểm du lịch cộng đồng (homestay) tại huyện Cầu Kè và Trà Cú. 

Trong những năm tới, tỉnh sẽ phát triển TP. Trà Vinh thành đô thị xanh, đô thị du lịch; phát triển thị xã Duyên Hải thành đô thị du lịch biển và huyện Cầu Kè thành trung tâm du lịch sinh thái, du lịch tâm linh gắn với Lễ hội Vu Lan và du lịch cộng đồng, tạo bước đột phá phát triển du lịch.

Để mời gọi các nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào các dự án có quy mô, dịch vụ hiện đại tại khu văn hóa - du lịch Ao Bà Om, khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn biển Ba Động, khu du lịch nghỉ dưỡng khoáng nóng thị xã Duyên Hải…, tỉnh sẽ tiến hành rà soát quỹ đất công, bồi thường giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư. Đồng thời, tiếp tục phát huy liên kết, quảng bá, xúc tiến du lịch giữa các tỉnh phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long tại các sự kiện du lịch trong nước và quốc tế.

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội... Chính vì vậy, nếu ngành du lịch tỉnh nhà phát triển, sẽ tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương; tăng cường giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, các vùng miền; thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ tài nguyên, môi trường, quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Trà Vinh đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Trà Vinh công bố các dự án trọng điểm được ưu đãi thu hút đầu tư
UBND tỉnh Trà Vinh vừa công bố các dự án trọng điểm được ưu đãi để thu hút đầu tư trong năm 2018.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư