Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Trách nhiệm trong phòng chống dịch
Hà Nguyễn - 27/06/2021 09:25
 
Đang có nhiều biện pháp phòng chống Covid-19 được thực hiện tại các địa phương với cấp độ khác nhau, tùy vào tình hình dịch bệnh ở mỗi nơi và tùy vào quyết định của lãnh đạo từng địa phương.
Trách nhiệm của lãnh đạo địa phương không chỉ là chung tay phòng chống dịch, mà còn là hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua giai đoạn khó khăn này, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ. 

Mới đây, sau 2 ngày thực hiện giãn cách xã hội TP. Vinh theo Chỉ thị 15 của Chính phủ, Nghệ An đã quyết định nâng mức giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, sau khi vẫn phát hiện các ca nhiễm mới trong cộng đồng. Trước đó, Hà Tĩnh cũng thực hiện giãn cách xã hội toàn TP. Hà Tĩnh và gần đây đã nới lỏng.

Trong khi đó, Hà Nội đã bắt đầu mở cửa trở lại một số hoạt động trong sự hoan hỉ của người dân, và lớn hơn thế là của doanh nghiệp, những người kinh doanh trong các lĩnh vực mà vì Covid-19 đã phải tạm đóng cửa thời gian qua.

Bắc Giang và Bắc Ninh cũng dần nới lỏng các biện pháp phong tỏa, cách ly sau khi Covid-19 đang dần được kiểm soát. Đặc biệt, Bắc Giang đã vô cùng nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp trong các khu công nghiệp quay trở lại hoạt động.

Trái ngược với tình hình đang dần tốt hơn ở Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, thì nhiều địa phương ở phía Nam như TP.HCM, Bình Dương đang phải gồng mình chống dịch. TP.HCM thậm chí đã có tới hơn 2.000 ca mắc bệnh, vượt Bắc Ninh và chỉ đứng sau Bắc Giang về số lượng ca mắc kể từ ngày 27/4 tới nay.

Đáng lo ngại hơn, TP.HCM và Bình Dương đều là các trung tâm kinh tế lớn, tập trung nhiều khu công nghiệp, nhà máy sản xuất. Hiện có gần 23.000 công nhân lao động ở Bình Dương, TP.HCM phải tạm nghỉ việc. Nhiều nhà máy đã phải đóng cửa. Các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội đang tiếp tục được thực hiện ở hai địa phương này.

Các con số chưa được đưa ra, song chắc chắn rằng, ảnh hưởng về kinh tế là không nhỏ. Việc thực hiện mục tiêu kép ở các địa phương này, vì thế cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Thực tế, khi dịch bệnh lây lan nhanh, rất dễ hiểu vì sao phải thực hiện các biện pháp phong tỏa, cách ly, giãn cách nghiêm ngặt. Nhưng càng ngày, kinh nghiệm phòng chống dịch càng cho thấy rằng, phải rất thận trọng và tỉnh táo trong áp dụng các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội.

Năm ngoái, khi dịch mới bùng phát, tháng 4/2020, Việt Nam đã buộc phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên toàn quốc, khiến kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nặng nề. Sau này, phương châm chống dịch đã được thay đổi, để phù hợp với tình hình mới, đó là “đốm lửa nhỏ khoanh nhỏ”. Đó là cách để Việt Nam, trong bối cảnh nguồn lực hạn hẹp, vẫn vừa chống dịch hiệu quả, vừa duy trì các hoạt động kinh tế.

Một phương châm đúng, nhưng dường như gần đây, một số địa phương đã hơi “quá tay” trong thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, các biện pháp phòng chống dịch. Chỉ một vài ca bệnh, nhưng đã quyết định giãn cách xã hội toàn thành phố, hoặc có các biện pháp mang tính chất “ngăn sông cấm chợ”. Thậm chí như Đồng Nai, đã có thời điểm từ chối người lao động từ TP.HCM, gây bức xúc trong dư luận, dù quyết định này ngay sau đó đã được sửa đổi sau chỉ đạo từ Chính phủ…

Điều đó khiến dư luận đặt câu hỏi, phải chăng có tình trạng “sợ trách nhiệm” ở một số chính quyền địa phương? Vì sợ trách nhiệm, nên đùn đẩy khó khăn về phía doanh nghiệp và người dân, gây ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm phương châm “5K + vắc-xin”, tích cực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch; phòng ngừa phải chủ động, tích cực; phát hiện phải sớm; khoanh vùng, cách ly phải nhanh; điều trị phải hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình, bảo đảm cuộc sống, sản xuất - kinh doanh…

Trong cuộc làm việc trực tuyến mới đây với tỉnh Bình Dương, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng đã một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu, khi khoanh vùng, phong tỏa, phải làm thật nghiêm, thật chặt, nhưng phải khoanh nhanh, phong tỏa gọn, phấn đấu không kéo dài giãn cách xã hội trên diện rộng…

Điều này không chỉ có ý nghĩa đối với riêng Bình Dương hay TP.HCM, mà còn với cả các địa phương khác.

Câu hỏi trách nhiệm nằm ở đó. Trách nhiệm của lãnh đạo địa phương không chỉ là chung tay phòng chống dịch, mà còn là hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua giai đoạn khó khăn này, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ. Ngược lại, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp là thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch và nguyên tắc 5K mà Bộ Y tế đã đề ra.

Dù bất cứ ai không tròn trách nhiệm của mình, thì mục tiêu kép của Chính phủ cũng sẽ bị ảnh hưởng.

 

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

 

20 tỉnh, thành phố tập huấn phòng chống dịch tại khu công nghiệp
Để hạn chế dịch lây lan nhanh Bộ Y tế thực hiện việc tập huấn cho các tỉnh thành phía Nam về việc kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn trong cơ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư