Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Trái ngọt từ chiến lược liên kết
Ngọc Tân - 26/03/2017 22:22
 
Quảng Nam đang thực hiện chiến lược liên kết vùng, liên kết chiến lược với các địa phương trong khu vực miền Trung nhằm phát huy tốt nhất thế mạnh của mình.
TIN LIÊN QUAN

Hạ tầng đi trước một bước

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam luôn xác định, với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, kết cấu hạ tầng giao thông còn là yếu tố kết nối quan trọng nhằm phát huy thế mạnh của từng địa phương trong sự phát triển tổng thể của cả nền kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Trương Quang Nghĩa từng cho rằng, sẽ không thể phát triển được kinh tế - xã hội của vùng và của mỗi địa phương nếu không có cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại và có tính kết nối cao. Nói cách khác, bên cạnh các yếu tố về quy hoạch, thể chế vùng, hạ tầng giao thông vùng đóng vai trò quyết định sự hình thành, phát triển và nâng cao hiệu quả của các liên kết đa dạng nội vùng và liên vùng. Hạ tầng giao thông tốt giúp thúc đẩy liên kết và hợp tác chặt chẽ trong vùng, kết nối thị trường vùng và liên vùng với thị trường quốc gia và quốc tế, khai thác và hiện thực hóa các tiềm năng kinh tế của địa phương; Nâng cao hiệu quả đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh...

.
.

Nằm ở vị trí trung độ của Việt Nam, thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Quảng Nam có điều kiện giao thông liên vùng rất thuận lợi để kết nối với các địa phương trong khu vực như Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng ở phía Bắc; Quảng Ngãi, Bình Định ở phía Nam và Kon Tum, Gia Lai ở phía Tây.

Hiện nay, trên địa bàn Quảng Nam, hệ thống các tuyến đường đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển đều có tính kết nối cao và thuộc vào trục giao thông quốc gia. Trong đó, về đường hàng không, tỉnh có sân bay Chu Lai đang được nghiên cứu lập quy hoạch xây dựng thành sân bay trung chuyển hàng hoá quốc tế cấp 4F và trung tâm sửa chữa, bảo dưỡng máy bay hạng nặng duy nhất của Việt Nam. Về đường biển, có cảng quốc tế Kỳ Hà, Tam Hiệp,  đồng thời Quảng Nam kết nối với cảng biển quốc tế là Đà Nẵng (khả năng tiếp nhận tàu 50.000 DWT, tàu container 3.000 TEU) bằng hệ thống giao thông đường bộ rất thuận lợi. Nhờ vậy, việc vận chuyển hàng hoá đi các tuyến trong nước và quốc tế trở nên thông suốt, đảm bảo.

Về đường bộ, Quảng Nam nằm trên trục giao thông chính của quốc gia với hệ thống Quốc lộ 1A, hiện nay, tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi đang được hình thành, cộng với tuyến đường ven biển Đà Nẵng - Hội An - Chu Lai, các tuyến quốc lộ thuộc Hành lang kinh tế Đông - Tây nối với các tỉnh Tây Nguyên, Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan, đảm bảo giao thông thông suốt với tất cả các tỉnh thành trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, rộng hơn là trong nước và đi quốc tế.

Như vậy, hạ tầng giao thông xuyên suốt và đồng bộ, có tính kết nối cao đang là yếu tố nền tảng cơ bản để Quảng Nam có thể thực hiện chiến lược liên kết vùng, khai thác và phát huy các thế mạnh của mình ở phạm vi liên vùng. Từ đó phân ra những lĩnh vực phát triển thế mạnh trọng tâm để không bị trùng lặp với các lĩnh vực thế mạnh của các địa phương trong khu vực.

Lượng - chất song hành gia tăng

Nếu hạ tầng là nền tảng cơ bản cho liên kết vùng của Quảng Nam, thì chiến lược liên kết đóng vai trò quyết định cho khả năng thành công của liên kết.

Có thể nói, từ năm 2012, kể từ khi Tổ điều phối Vùng và sau đó là Ban điều phối Vùng 7 tỉnh duyên hải miền Trung được hình thành, Tổ đã có nhiều nỗ lực để tăng cường thực hiện các nội dung về liên kết Vùng. Trong đó, việc liên kết được hướng đến với những trọng tâm là cùng nghiên cứu để phân bổ lại lực lượng sản xuất, điều chỉnh quy hoạch phát triển phù hợp với thế mạnh của từng vùng; xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông liên tỉnh và quốc tế, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ; thiết lập không gian kinh tế du lịch Vùng thống nhất; Mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; hợp tác trong việc huy động vốn đầu tư và xây dựng cơ chế, chính sách để đầu tư phát triển chung của Vùng...

Quảng Nam với những thế mạnh riêng đã xác định những hướng đi chiến lược của mình, nhằm tránh trùng lặp với lĩnh vực thế mạnh của các địa phương lân cận như Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định… Đó là phát triển mạnh các ngành công nghiệp (công nghiệp cơ khí chế tạo ô tô và công nghiệp phụ trợ, dệt may, cơ khí…) và dịch vụ (chủ yếu du lịch).

Về cơ khí chế tạo ô tô, Thaco là “trái tim” của ngành này ở Quảng Nam. Rộng hơn là Đà Nẵng cũng như các địa phương lân cận được xác định là thị trường cho ngành công nghiệp này của Quảng Nam. Cảng Đà Nẵng cũng được xem là một trong những cảng biển phục vụ cho việc “xuất ngoại” sản phẩm của công nghiệp ô tô Quảng Nam, cùng với Kỳ Hà, Tam Hiệp là đầu mối để nhập về linh kiện, thiết bị phục vụ cho ngành này và các ngành công nghiệp khác ở tỉnh.

Với du lịch, đây là lĩnh vực tiên phong trong việc thực hiện liên kết. Khởi phát từ ý tưởng “Con đường di sản miền Trung” vào năm 2002, các tỉnh Quảng Bình - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam đã cùng liên kết hình thành sản phẩm du lịch kết nối các di sản thế giới (trong đó Quảng Nam có phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn). Việc liên kết đã mang lại hiệu quả ấn tượng, khi lượng khách du lịch đến với các địa phương kể trên nhanh chóng gia tăng. Hiện nay, Đà Nẵng đã vượt qua mức 5 triệu lượt khách du lịch, Quảng Nam trên 4 triệu lượt, Quảng Bình và Thừa Thiên Huế đều ở mức trên 3 triệu.

Có thể nói, với chiến lược liên kết vùng -  phát huy thế mạnh riêng, công cuộc xây dựng và triển kinh tế - xã hội Quảng Nam đã đạt được những thành công lớn. Sau 20 năm tái lập tỉnh, từ một địa phương ngân sách chỉ có 127 tỷ đồng, giờ đây, với vị trí thứ hai tại khu vực miền Trung, con số này đã xấp xỉ 20.000 tỷ đồng. Đáng kể hơn, sự gia tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - dịch vụ, du lịch trong cơ cấu thu ngân sách cho thấy, lượng và chất đang song hành gia tăng trên mảnh đất này.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư