Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 11 tháng 09 năm 2024,
Trận lũ lịch sử Phú Quốc là bài học cảnh báo về quản lý, đầu tư, xây dựng
Huy Thịnh - 16/08/2019 17:13
 
UBND huyện Phú Quốc và Sở Thông tin truyền thông Kiên Giang vừa thông tin về hậu quả trận lũ lịch sử vừa qua và hoạt động khắc phục, ổn định cuộc sống nhân dân. Chính quyền địa phương xem đây là lời cảnh báo, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ trong ngắn hạn và lâu dài cho Phú Quốc phát triển bền vững.
.
Tỉnh Kiên Giang, huyện Phú Quốc thông tin về trận lũ lịch sử tháng 8/2019.

Lý do thiên tai và "nhân tai"

Tại buổi Họp báo, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, ông Mai Văn Huỳnh khẳng định, trận lũ từ ngày 2-10/8/201 vừa qua chỉ ngập sâu cục bộ, chứ không phải như một số thông tin là ngập toàn huyện đảo Phú Quốc. Cụ thể, nước ngập một số điểm trong thị trấn Dương Đông (vài đoạn ở đường Cách Mạng Tháng 8), ở  ấp Cây Thông Trong, một số điểm khu vực Bãi Trường và một số  vùng sâu trong thung lũng ở những hẻm núi...

Tuy nhiên ông Huỳnh vẫn thừa nhận, đây là trận lũ lịch sử, kể từ năm 1947 đến nay mới có trận lũ gây ngập nhiều và sâu trên 1m như thế. Do vậy, mức độ thiệt hại về tài sản khá lớn, với trên 68 tỷ đồng bao gồm xe cộ, nhà cửa, vật dụng gia đình, hoa màu, gia cầm, thủy sản, hạ tầng điện lưới ngã đổ.....

"Tuy bất ngờ về lượng mưa lớn kéo dài 5 ngày đêm liên tục như thế, nhưng chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp ứng cứu người dân kịp thời và di chuyển tài sản ra khỏi trong vùng ngập sâu bằng tất cả các phương tiện sẵn có. Bên cạnh đó, chính quyền và người dân giúp đỡ chỗ ăn nghỉ miễn phí cho các hộ di tản đi lánh nạn khỏi vùng lũ. Do đó không để thiệt hại về người và hạn chế thiệt hại đáng kể những tài sản lớn và những công trình quan trọng trên địa bàn", ông Huỳnh thông tin.

Ông Huỳnh cho rằng, các nguyên nhân chủ yếu là do:lượng nước mưa quá lớn - chưa từng có, tổng lượng mưa trong 5 ngày qua với gần 1.200mm trong gần 1 tuần, gần bằng 50% lượng mưa trung bình cả năm ở đây; địa hình đồi dốc với nhiều vùng trũng; một số đoạn sông suối bị xây cất lấn chiếm, một số ao hồ tự nhiện điều tiết nước đã bị san lấp; nước biển dâng cao; hạ tầng cống thoát nước quá nhỏ và cũ kỹ ở thị trấn Dương Đông chưa được đầu tư mới theo quy mô dân số hiện nay...

Riêng khu vực Bãi Trường sát mép biển mà vẫn bị ngập sâu, ông Huỳnh cho biết là do nơi đây có hàng chục dự án đang xây dựng như "đại công trình", hạ tầng kỹ thuật đang thi công chưa xong và chưa đồng bộ nên dễ bị ngập.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ và cấp bách

Ngoài các nguyên nhân trên, Phóng viên Báo Đầu tư Online - baodautu.vn nêu vấn đề có hay không, việc đầu tư xây dựng tuyến đường vòng quanh đảo vừa qua lại thiếu số lượng cống thoát và bố trí vị trí cống thoát nước ngang lộ không hợp lý, do đó tạo thành đê bao chứa lượng lớn nước lũ như phản ánh của người dân nơi đây? Ông Mai Văn Huỳnh thừa nhận, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ngập lũ. "Do vậy, tôi đã báo cáo với UBND tỉnh và Sở Giao thông vận tải Kiên Giang xem xét và bố trí xây dựng một số cống ngang lộ ở những nơi ngập lũ vừa qua", ông Huỳnh nói.

Về lý do "nhân tai", ông Mai Văn Huỳnh cho biết, tới đây sẽ kiên quyết xử lý dứt điểm các trường hợp lấn sông, suối cản dòng chảy, khai thông nạo vét cống rãnh, nâng cấp hệ thống thoát nước ở các khu đô thị. Đặc biệt là phối hợp Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc và Sở Xây dựng Kiên Giang kiên quyết yêu cầu các nhà đầu tư đang xây dựng các công trình ven biển phải ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật như hệ thống thoát nước để sớm đấu nối khu vực xung quanh.

"Về lâu dài, chúng tôi đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang bố trí ngân sách để làm qui hoạch 1/500 cho những khu vực còn lại. Đồng thời hỗ trợ ngân sách đầu tư hệ thống thoát nước khu dân cư và những nơi có nguy cơ ngập úng, xây dựng bờ kè các sông rạch một số khu vực thị trấn Dương Đông, xây dựng hồ điều tiết nước ở một số nơi trọng yếu", ông Huỳnh chia sẻ.

Để góp phần giải quyết căn bản và lâu dài cho Phú Quốc thích ứng với biến đổi khi hậu, ông Lê Quốc Anh- Giám đốc Sở Xây dựng Kiên Giang cho rằng, qua trận lũ này, ngành Xây dựng Kiên Giang phải thay đổi một số điểm quan trọng trong việc lập quy hoạch và quản lý xây dựng, nhất là xây dựng hạ tầng kỹ thuật ở Phú Quốc. Bởi lẽ, riêng lượng mưa trung bình hàng năm ở Phú Quốc phải điều chỉnh lên gấp nhiều lần tiêu chuẩn quản lý hiện nay. Theo đó, sẽ có nhiều cơ số khác trong kỹ thuật quy hoạch và xây dựng phải thay đổi theo cho phù hợp...

Ô Phạm Công Khâm, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang cho rằng, trận lũ lịch sử này là bài học, lời lời cảnh báo đối với chính quyền và nhân dân Phú Quốc trong quản lý, đầu tư, xây dựng. Cần xem xét tất cả các yếu tố, xác định rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan và các hướng khắc phục hiệu quả nhất để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là khí hậu cực đoan bất thường như hiện nay.

Phú Quốc tăng tốc thu hút đầu tư
Chính quyền tỉnh Kiên Giang đang vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách và nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ ở Phú...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư