Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Trần Tâm Phương, CEO Viet Ferm: Dũng cảm thoát khỏi vùng an toàn
Thu Phương - 01/03/2018 09:46
 
Tốt nghiệp đại học tại Canada và từng làm việc tại nhiều công ty trong lĩnh vực hoá học, hoá dầu với mức lương cao và công việc ổn định, song với Trần Tâm Phương, CEO Viet Ferm, như thế là chưa đủ.

“Thoát” để khởi nghiệp

Năm 2012, sau khi đã làm cho 3 - 4 công ty, Trần Tâm Phương bắt đầu suy nghĩ, có kinh nghiệm mà cứ làm thuê thì chỉ quanh quẩn trong vòng tròn đó. Chàng trai sinh năm 1988 này muốn thoát ra khỏi vùng an toàn và chứng tỏ khả năng của bản thân. Cũng tại thời điểm ấy, sức khoẻ của bố mẹ Phương đi xuống, nghề làm dấm gia truyền của gia đình lâu nay tại Hà Nội chưa có ai tiếp quản.

Những điều đó đã tạo động lực để Trần Tâm Phương từ bỏ công việc ổn định ở Viện Dầu khí Việt Nam để trở về bên gia đình cùng với giấc mơ gìn giữ nghề gia truyền, mang lại cho người tiêu dùng sản phẩm lên men tự nhiên, đặc biệt là mong muốn thúc đẩy ngành công nghiệp lên men vi sinh phát triển ở Việt Nam. 

.
Doanh nhân Trần Tâm Phương, CEO Viet Ferm

Bắt tay vào công việc, bên cạnh sự giúp đỡ kỹ thuật từ mẹ, Phương may mắn gặp được đồng sáng lập Nguyễn Thị Tuyết. Cả hai cùng đi học các khóa về kinh doanh, branding, pháp lý, gặp gỡ các khách hàng tiềm năng, tạo mối quan hệ và cùng nhau xây dựng Viet Ferm.

Hiện nay, Viet Ferm đang duy trì và phát triển hai dòng sản phẩm chính, cũng là sản phẩm truyền thống của gia đình Phương, là dấm gạo Thủy Tâm và tiêu muối Thủy Tâm.

Nói về nguyên liệu sản phẩm, Trần Tâm Phương cho biết, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo và hồ tiêu lớn nhất thế giới, nên Viet Ferm rất tự tin về nguồn nguyên liệu. “Vấn đề chỉ nằm ở việc lựa chọn chất lượng và giá cả nguyên liệu. Bên cạnh đó, chúng tôi còn muốn nâng cao giá trị của cây hồ tiêu khi đưa những sản phẩm chế biến ra thế giới”, Phương chia sẻ.

“Hồi du học tại Canada, được thưởng thức phở của người Việt tại đây, tôi luôn thấy trên bàn ăn có một chai tương ớt do người Việt làm ra. Chai tương ớt đó cũng xuất hiện trên rất nhiều quán ăn, nhà hàng của người Việt ở khắp thế giới, nhưng nó lại gắn mác “Made in USA”. Lúc đó, tôi đã nghĩ, nếu sau này, mỗi quán ăn của người Việt trên thế giới đều có chai dấm hoặc hồ tiêu Thuỷ Tâm thì rất quý”, CEO Trần Tâm Phương bồi hồi kể lại.

Đã từng có 5 năm kinh nghiệm làm cho tập đoàn nước ngoài về các sản phẩm sản xuất hàng loạt, Tâm Phương tin rằng, con đường anh lựa chọn là đúng đắn.

Dù mới thành lập, nhưng Viet Ferm đã thu được những kết quả khả quan. Sản phẩm liên tục có những cải tiến, như từ hồ tiêu gia vị đến hồ tiêu muối. Doanh thu năm 2017 của Viet Ferm tăng 3 lần so với năm 2016; lượng khách hàng cũng tăng lên đáng kể, với khoảng 300 khách hàng, chủ yếu là khách buôn lấy số lượng hàng lớn. 

Chủ động tìm kiếm sự hợp tác

Mong muốn tìm kiếm vốn, đặc biệt là sự giúp đỡ từ chuyên gia, CEO Trần Tâm Phương đã tìm đến chương trình Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ - Chương trình thực tế về đầu tư khởi nghiệp, phát sóng lúc 11h10 thứ 7 hàng tuần trên kênh VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam.

“Đến với Chương trình, tôi không trông chờ nhiều vào hỗ trợ tài chính của các “cá mập”, mà chủ yếu muốn hợp tác và tìm kiếm sự giúp đỡ, hướng dẫn”, CEO Trần Tâm Phương chia sẻ.

Nhắc lại câu chuyện được doanh nhân Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse, đặt câu hỏi tại chương trình Shark Tank Việt Nam: “Với 3 tỷ đồng, có thể dễ dàng vay ngân hàng, tại sao em không vay, mà lại tìm đến Chương trình để gọi vốn?”, Trần Tâm Phương bộc bạch: “Mục đích của tôi khi đến với Chương trình này là không phải vì tiền mà vì muốn học hỏi kinh nghiệm kinh doanh. Đối với tôi, một giờ nói chuyện của doanh nhân Nguyễn Xuân Phú đáng giá hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng”.

Nhờ mục đích đó, dấm gạo Thuỷ Tâm của CEO Trần Tâm Phương đã gọi được 4 tỷ đồng của Shark Nguyễn Xuân Phú và Shark Trần Anh Vương, CEO Công ty cổ phần SAM Holdings. Hiện Trần Tâm Phương đang làm việc với SAM Holding và Sunhouse, đồng thời rất kỳ vọng vào cả 2 bên, vì tính đến thời điểm hiện tại, Dự án đang tiến triển khá tốt.

Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, Trần Tâm Phương cho biết, anh sẽ tập trung nhiều vào thị trường TP.HCM, còn việc tiến xa hơn ra thị trường nước ngoài thì cần phải chuẩn bị kỹ và tiến hành khảo sát thị trường nhiều hơn nữa.

Chat với Trần Tâm Phương:

Phân khúc thị trường mà Viet Ferm hướng đến?

Hiện nay, trên thị trường dấm gạo có 3 phân khúc giá. Loại có giá 2.000 đồng- 5.000 đồng/chai thường là dấm công nghiệp. Loại dấm lên men được sản xuất trong nước có giá thành 8.000 đồng - 12.000 đồng/chai. Phân khúc cao nhất là các loại dấm ngoại, giá từ 20.000 đồng/chai trở lên.

Sản phẩm của Viet Ferm thuộc phân khúc thứ hai. Tôi tin rằng, sau khi xác định rõ phân khúc giá, Viet Ferm có thể cạnh tranh với tất cả các loại dấm trên thị trường. Bài toán còn lại là tối giản chi phí sản xuất để nuôi sống doanh nghiệp.

Anh có thể chia sẻ kinh nghiệm để các start-up có thể tham gia và gọi vốn thành công từ chương trình Shark Tank?

Thứ nhất, bạn phải có một câu chuyện hấp dẫn để được chọn lên sóng. Điều này không đồng nghĩa với việc bạn có sản phẩm tốt, kinh doanh tốt hay sẽ kêu gọi được đầu tư. Các bạn cần hiểu, được chọn tham gia Chương trình và được đầu tư là hai câu chuyện khác nhau.

Thứ hai, để được đầu tư, start-up phải chuẩn bị nhiều yếu tố, bao gồm sản phẩm tốt, phương án tài chính, định hướng chiến lược…

Shark Tank bắt đầu lọc start-up
150 nhóm khởi nghiệp thuộc khu vực phía Bắc đã lần lượt thuyết trình và giới thiệu các dự án khởi nghiệp của mình với các nhà đầu tư.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư