Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Trần Thị Huyền Thương, sáng lập phòng trà Chợ Gạo: Luôn duy trì năng lượng tích cực
Anh Hoa - 25/11/2021 09:23
 
So với 5 năm trước, thời điểm bắt đầu bước vào con đường kinh doanh, bức chân dung của cô gái 9X Trần Thị Huyền Thương giờ đây có sự tĩnh lặng và thông thái hơn...
Trần Thị Huyền Thương, sáng lập phòng trà Chợ Gạo.
Trần Thị Huyền Thương, sáng lập phòng trà Chợ Gạo.

Sẽ sớm trở lại…

Chiều tối 19/10, thông tin về việc phòng trà Chợ Gạo đóng cửa vĩnh viễn tại địa chỉ cũ (192 - Lý Tự Trọng, quận 1, TP.HCM) khiến khán giả không khỏi tiếc nuối. Trên trang Facebook cá nhân, quản lý của phòng trà chia sẻ: “Do dịch bệnh kéo dài, Chợ Gạo Bar đã đóng cửa vĩnh viễn do chủ nhà lấy lại mặt bằng. Bọn mình không thể làm gì khác...”.

Cũng trong bức thư chia tay khán giả, phía phòng trà cho biết, sẽ sớm trở lại ở một địa điểm khác, một “concept” khác để đáp lại sự chờ đợi của giới mộ điệu tại TP.HCM.

Covid-19 bùng phát ở TP.HCM trong nhiều tháng qua và chủ nhà cũng rao bán mặt bằng khiến “bà chủ” Huyền Thương phải đóng cửa 2 địa điểm: quán ăn Cocodak và phòng trà Chợ Gạo.

Ngay đợt dịch đầu, Huyền Thương đã xác định phải suy nghĩ về hướng đi cho cả hai quán. Cocodak chuyển sang bán hàng mang đi; còn Chợ Gạo, vì kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, nên phải đóng cửa tạm thời. Sau khi không thuyết phục được chủ nhà để thuê thêm, cô quyết định đóng cửa cả hai.

Việc đóng cửa một lúc hai quán đã kinh doanh trong 5 năm mang đến cho Huyền Thương cảm giác rất khó tả.

“Tôi không để bản thân mất năng lượng tích cực. Tôi cho phép mình buồn một ngày, rồi sau đó lên kế hoạch cho những điều mới mẻ sắp tới. Sau dịch, chỉ cần có sức khỏe là có tất cả”, cô gái 9X trải lòng.

Trước mắt, Huyền Thương sẽ nghỉ ngơi để nạp năng lượng và đầu tư vào việc học tập. Cô cũng dành thời gian để lo cho Spa Kamellia tại Tây Ninh. Đặc biệt, nữ CEO trẻ đang ấp ủ ý tưởng phát triển phòng trà Chợ Gạo mới với sự tham gia của một số cổ đông. Mọi thứ chưa được tiết lộ, nhưng cô khẳng định, với concept mới, Chợ Gạo vẫn giữ nguyên tính chất gần gũi và mộc mạc mà khán giả trước nay vẫn yêu thích, nhưng sẽ có thêm trải nghiệm.

Huyền Thương cho rằng, kinh doanh mô hình phòng trà không nhất thiết phải gắn bó với tên tuổi một nghệ sĩ, các mô hình kinh doanh khác cũng đều như vậy. Việc nghệ sĩ lấn sân sang kinh doanh không còn mới, nhưng để thành công, thì còn phụ thuộc nhiều yếu tố. 

Theo Huyền Thương, mô hình phòng trà trước đây bị “gắn mác” chỉ dành cho đối tượng khán giả trung niên và mặc định trong suy nghĩ của nhiều người là không có khán giả “trẻ”. Chính vì vậy, mô hình một quán bar có ca sỹ hát trong không gian ấm cúng không bị giới hạn bởi phong cách cũ của phòng trà đã khiến Chợ Gạo nhận được hiệu ứng tốt.

Không gian Chợ Gạo tạo cảm giác rất gần giữa khán giả và ca sỹ cũng là một trong những điều thu hút nhiều ngôi sao hạng A tới trình diễn ở không gian này. Nhiều nghệ sĩ chia sẻ, họ thích cảm giác gần gũi đó, bởi nó khiến họ nhớ về thời thanh xuân bên những người hâm mộ toàn khán giả trẻ tuổi. Ngoài ra, mức giá vé phù hợp của Chợ Gạo cũng giúp nhiều khán giả là học sinh, sinh viên có thể dễ dàng gặp thần tượng của mình.

Rũ bỏ “vùng an toàn”

Trước khi khởi nghiệp, Huyền Thương từng làm nhân viên tại một tập đoàn viễn thông với thu nhập khá ổn định. Nhưng là người thích khám phá những điều mới và luôn đặt ra thử thách cho bản thân, cô quyết rũ bỏ “vùng an toàn” vốn đã quá quen thuộc để nhảy vào kinh doanh.

Tiết kiệm được một khoản chi phí đủ để hùn vốn kinh doanh với một người bạn Hàn Quốc, Huyền Thương xin nghỉ việc hành chính và bắt đầu lấn sân vào ngành thực phẩm và đồ uống (F&B). Sau khi quán ăn Cocodak đi vào ổn định và nhanh chóng trở thành nhà hàng đầu tiên ở TP.HCM gây sốt với món ăn đặc trưng Hàn Quốc, cô tận dụng mặt bằng đang có sẵn để mở phòng trà Chợ Gạo ngay tại tầng 2.

Khách hàng ăn uống ở tầng 1, sau đó có thể lên tầng 2 nghe nhạc. Sự kết hợp tưởng chừng không liên quan này mang đến cho Huyền Thương thành công ngoài mong đợi. Khách hàng thích thú khi không phải di chuyển nhiều nơi mà vẫn có thể ăn uống và thưởng thức âm nhạc, cùng một địa điểm nhưng với hai không gian khác nhau. 

Sau một thời gian xây dựng, phòng trà Chợ Gạo trở thành thương hiệu giải trí hàng đầu dành cho người yêu nhạc ở TP.HCM, với sự góp mặt biểu diễn của nhiều tên tuổi nổi tiếng. Chợ Gạo thu hút khán giả bởi phong cách kiến trúc độc đáo, kết hợp giữa văn hóa miền Tây sông nước, nghệ thuật cải lương truyền thống với âm hưởng hiện đại.

Tiếp theo trải nghiệm kinh doanh ở lĩnh vực F&B và phòng trà, cơ duyên về mảng làm đẹp tìm đến Huyền Thương. Một người bạn kinh doanh trong lĩnh vực làm đẹp chia sẻ và mong muốn khởi nghiệp cùng cô trong lĩnh vực này. Trước đó, Huyền Thương từng làm giám đốc truyền thông cho một tập đoàn về làm đẹp và cũng từng hợp tác với khá nhiều thẩm mỹ viện lớn tại Hàn Quốc khi họ muốn quảng bá tại thị trường Việt Nam. Chính những cơ duyên này giúp cô quyết định thử thách bản thân trong lĩnh vực mới.Cô chọn thị trường quê nhà Tây Ninh để đầu tư Spa Kamellia vì chi phí thuê mặt bằng rẻ hơn nhiều so với TP.HCM và mức độ cạnh tranh cũng dễ dàng hơn.

So với 5 năm trước, “bức chân dung” của Huyền Thương nhiều màu sắc hơn và chuyển đổi qua rất nhiều sắc thái, có khi đầy ắp những gam màu tươi sáng, nhưng cũng có khi chỉ toàn gam màu nóng giận dữ. Song, có thể nhận thấy, bức chân dung đó có sự tĩnh lặng và thông thái hơn.

“Tôi hiện tại học được cách cân bằng hơn với mọi thứ. Tôi không còn quá cầu toàn và làm khó bản thân hay người xung quanh, sẵn sàng vượt qua cái tôi hạn hẹp của mình để nhìn ngắm thế giới bằng nhiều con mắt khác biệt”, Huyền Thương chia sẻ.

Phan Thanh Tùng, đồng sáng lập Moon Knight Labs: Cùng tạo ra cánh cổng kết nối đa thế giới
Phan Thanh Tùng và đội ngũ Moon Knight Labs đang cùng xây dựng một “thế giới ảo của người Việt” để kết nối đa thế giới.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư