Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Trăn trở tìm sinh kế cho đồng bào Tây Bắc
Hữu Tuấn - 07/11/2014 21:40
 
() Trong chặng đường 10 năm trưởng thành và phát triển (2004 - 2014), Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã có những đóng góp đáng kể vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Tạo cơ hội giảm nghèo tại vùng Tây Bắc
Cựu CEO Vinalines làm cán bộ Ban chỉ đạo Tây Bắc
Khơi dậy và liên kết tiềm năng Vùng Tây Bắc

Phóng viên Báo Đầu tư trò chuyện với TS. Trương Xuân Cừ, Phó trưởng ban phụ trách Ban Chỉ đạo Tây Bắc, về những trăn trở trong tìm hướng thoát nghèo cho bà con vùng Tây Bắc.

   
  TS. Trương Xuân Cừ  

Giải phóng suy nghĩ, nâng cao dân trí cho người dân

TS. Trương Xuân Cừ bắt đầu cuộc trò chuyện về ấn tượng của ông trong công tác ở huyện Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận), nơi ông chứng kiến một thực tế chua xót: một xã có 94% người Kinh ở Quảng Nam di dân lên, thì nhà cửa khang trang có cả biệt thự, vật dụng tiện nghi như ở thành phố, còn xã bên cạnh với 65% người dân là dân tộc K’Ho thì dù được Nhà nước hỗ trợ rất nhiều, nhưng vẫn nghèo đói, người dân không chịu làm kinh tế, mà ở nhà chờ trợ cấp của Nhà nước.

“Chính sách dù có tốt đến mấy mà người dân không làm theo, thì cũng không thay đổi được cuộc sống. Ngay ở Điện Biên, nơi tôi sống và công tác 29 năm, thì đàn ông đã sắm sửa đèn pin để… đi ăn sáng. Vì sao? Vì đi ăn sáng tới đêm mới về! Lúa đang mơn mởn đem bán non để lấy tiền uống rượu. Thế thì, không đói mới lạ. Mặc dù tỷ lệ này không quá cao, nhưng cũng đã tồn tại bao lâu nay”, ông Cừ ngậm ngùi.

Từ câu chuyện này, đâu là vấn đề mà Ban Chỉ đạo Tây Bắc phải làm ngay, làm gấp trong thời gian tới, thưa ông?

Tôi nghĩ, vấn đề ở đây là chính sách. Phải có những cơ chế chính sách đặc thù phát triển cho vùng. Tôi lấy ví dụ một năm chăm sóc, khoanh nuôi, bảo vệ 1 ha rừng, người dân chỉ được trả 200.000 đồng/ha/năm, chưa được 20.000 đồng/ha/tháng. Chăm bao nhiêu héc-ta mới đủ sống! Đây là chính sách rất bất hợp lý. Cần phải nâng chế độ bảo vệ rừng, thì họ mới sống được bằng việc đó.

Hay như chính sách hỗ trợ đồng bào như thế nào cho hợp lý cũng là vấn đề. Cho không, biếu không đồng bào chưa chắc đã tốt, mất tác dụng. Tôi nghĩ, chính sách phải khuyến khích bà con chủ động lao động, sáng tạo sẽ có hiệu quả hơn là việc trợ cấp như hiện nay. Cần thay thế nó bằng chính sách hỗ trợ sản xuất.

Nhưng muốn để bà con thoát nghèo, ổn định cuộc sống, thì mấu chốt vẫn là giải quyết việc làm cho họ?

Vấn đề đáng lưu ý nhất là đào tạo nghề xong không có việc làm cho người lao động. Ở Tây Bắc, cần nhất hiện nay là đào tạo nghề cho xuất khẩu lao động. Xuất khẩu lao động ngoài việc mang lại thu nhập, tạo việc làm, còn làm thay đổi suy nghĩ, tư duy của đồng bào dân tộc Tây Bắc.

Tôi đang rất lo một vấn đề mà nếu không xử lý nhanh, thì đến học phổ thông trung học, người dân cũng sẽ bỏ học. Thấp nhất hiện nay tỉnh Bắc Kạn có hơn 500 lao động không có việc làm, cao nhất là Thanh Hóa hơn 28.000 người tốt nghiệp đại học, thạc sỹ chưa có việc làm. Nếu tình trạng này kéo dài, thì ai sẽ đi học?

Tôi đã từng làm Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên, những thập niên 1990-2000, tình trạng bỏ học, bỏ nghề rất nhiều. Mấy năm nay, cao trào mở các trường đại học dẫn đến khủng hoảng thừa. Đây là vấn đề cần giải quyết.

Muốn chấm dứt tình trạng suốt ngày đi uống rượu, cải thiện dân trí, thì cần phải nâng cao dân trí cho người dân. Ông nhận xét thế nào về chất lượng giáo dục vùng Tây Bắc?

Dân trí chỉ là một phần, mà còn có cả yếu tố tập quán. Tôi cho rằng, phải xây dựng các mô hình hộ gia đình làm kinh tế giỏi ở các thôn bản, rồi nhân rộng ra tạo thành phong trào, thay đổi nếp nghĩ cho người dân.

Tây Bắc là vùng thực hiện nhiều dự án thủy điện, người dân Tây Bắc phải nhường nhà, nhường đất cho dự án. Theo ông, thời gian qua, việc bố trí tái định cư, sinh kế cho hàng trăm ngàn hộ dân đã đạt được mục tiêu?

Hiện nay, tái định cư mới chỉ ổn định về cuộc sống, nhưng ổn định về sản xuất rất khó khăn. Chỗ ở, sinh hoạt thì khang trang, nhưng sinh kế, việc làm rất khó khăn và vẫn đang phụ thuộc vào trợ cấp. Đất sản xuất cho đồng bào tái định cư là vấn đề khó khăn nhất. Sau đó là vấn đề giải quyết việc làm, định hướng nghề cho người dân.

Sinh kế vẫn là nông, lâm nghiệp

Với tiềm năng, lợi thế, cũng như những tồn tại, khó khăn của Tây Bắc, theo ông, đâu là trụ cột, hướng đi chính để phát triển kinh tế vùng Tây Bắc?

Nói đến vùng Tây Bắc, để tận dụng tiềm năng, lợi thế gắn kết với phát triển bền vững, ổn định, thì trụ cột chính vẫn là nông, lâm nghiệp, vì đến nay, lao động nông, lâm nghiệp, thủy sản của cả vùng Tây Bắc vẫn chiếm trên 80%. Mặt khác, ở lĩnh vực này, Tây Bắc có lợi thế rất lớn, với 8 triệu ha rừng, 2 tỷ m3 nước… Ngoài ra, Tây Bắc còn có thể phát triển kinh tế cửa khẩu và du lịch.

Còn phát triển công nghiệp thì phải cần thời gian. Bao giờ các tỉnh, thành phố sông Hồng lấp đầy khu công nghiệp, thì mới đến lượt Tây Bắc.

Để Tây Bắc trở thành vùng nguyên liệu, vùng phát triển cây công nghiệp, Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã xác định cây trồng nào là chủ lực?

Rất nhiều cây công nghiệp có thể phát triển mạnh ở Tây Bắc, như cao su, chè, cà phê. Sắp tới, chúng tôi sẽ đưa cây Mắc-ka vào thâm canh. Hiện cây cao su đang ở thời kỳ khó khăn, do Trung Quốc ngừng nhập mủ cao su, giá cao su giảm mạnh xuống chỉ còn 3.000 đồng/kg (trước đây 9.000 - 10.000 đồng/kg), nên Ban sẽ điều chỉnh lại quy hoạch diện tích trồng cao su, thay vào đó để tăng diện tích cây Mắc-ka. Ngoài ra, Ban cũng dự kiến phát triển thêm một số loại cây dược liệu ưu thế của vùng, như thảo quả, sơn trà, ấu tẩu… Hiện nay, chúng tôi đang đưa chương trình khoa học - công nghệ vào phát triển, bào chế các loại cây dược liệu này thành hàng hóa.

Thế còn chăn nuôi bò sữa, xây dựng vùng nguyên liệu sữa thì sao?

Việc nuôi bò sữa chỉ thích hợp với vùng đất cao nguyên Mộc Châu, không thể phát triển cho cả vùng. Mô hình chăn nuôi chỉ áp dụng với các con giống, vật nuôi địa phương, một vài loài giống nhập về chăn nuôi thử nghiệm đều thất bại.

Vậy còn lợi thế 2 tỷ m3 diện tích mặt nước từ lưu vực lòng hồ các dự án thủy điện Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang…?

Tây Bắc có nhiều vùng lòng hồ thủy điện rộng lớn như Hòa Bình, Lai Châu, Sơn La, Huội Quảng, Bản Chát… Hiện các tỉnh đang có kế hoạch nuôi cá tầm, cá hồi, nhưng mới chỉ ở mức thực nghiệm. Vấn đề là chuẩn bị đầu ra cho sản phẩm, cần có các phương án chế biến, tiêu thụ cho người dân. Nếu làm tốt lĩnh vực này, sẽ giải quyết rất lớn một lượng việc làm, mang lại thu nhập cho người dân vùng Tây Bắc.

Liên kết vùng để phát triển du lịch, kinh tế

Phát triển du lịch cũng là hướng để Tây Bắc phát triển. Được biết, năm 2014, Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã lựa chọn, xác định chủ đề công tác là “Liên kết phát triển du lịch - động lực phát triển kinh tế vùng Tây Bắc”. Việc liên kết vùng phát triển du lịch được thực hiện như thế nào?

Để phát triển kinh tế Tây Bắc, việc liên kết vùng là tất yếu, đặc biệt là trong du lịch. Việc liên kết trong du lịch bắt đầu từ liên kết đầu tư cơ sở hạ tầng, nối liền các địa danh, thắng cảnh, di tích của các tỉnh. Bên cạnh đó, phải liên kết sản phẩm, khách du lịch họ lên Tây Bắc không chỉ thăm một nơi, ăn một món đặc sản, mua một món quà, mà nhu cầu còn lớn hơn rất nhiều. Và cuối cùng là liên kết về tour, tuyến đưa đón, dịch vụ cho khách du lịch.

Để Tây Bắc thực sự trở thành điểm đến du lịch với bản sắc riêng, cần phải làm gì, thưa ông?

Chúng tôi đang quy hoạch xây dựng các trọng điểm về du lịch của từng tỉnh. Ví dụ, Điện Biên là du lịch di tích lịch sử; Tuyên Quang là du lịch văn hóa, chiến khu; Hà Giang là du lịch sinh thái…

Để phát triển du lịch, đầu tiên phải phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, sân bay. Bên cạnh đó, dịch vụ phục vụ du lịch phải đáp ứng được đa dạng các đối tượng. Hiện sản phẩm du lịch vùng Tây Bắc còn nghèo nàn, nên rất khó thu hút du khách.

Ban Chỉ đạo Tây Bắc với tính chất đầu mối đã thực hiện việc kết nối vùng ra sao?

Tôi cho rằng, vấn đề này chưa làm được. Muốn thực hiện được, phải có sự nghiên cứu và giao thực hiện.

Hiện việc đặt các nhà máy cũng rất tự do, các tỉnh mạnh ai người đó làm, muốn đặt đâu thì đặt. Nhiều lúc đặt không hợp lý vì không có tính liên kết, nên chi phí vận chuyển nguyên liệu cao hơn cả tiền nguyên liệu.

Theo ông, phải làm gì để tăng tính liên kết vùng?

Muốn thực hiện liên kết vùng, phải có sự nghiên cứu, thực nghiệm, thì mới đề xuất được. Thủ tướng Chính phủ nên giao thêm nhiệm vụ nghiên cứu liên kết vùng cho các ban chỉ đạo.

Theo tôi, trong một vùng nên có các tiểu vùng. Sẽ không thực tế khi 14 tỉnh cùng liên kết thực hiện cùng một vùng. Và có thể thực hiện liên kết các tiểu vùng qua liên kết cơ sở hạ tầng, liên kết lĩnh vực, liên kết sản phẩm, giáo dục - đào tạo…

Theo TS.Trương Xuân Cừ, một trong những mục tiêu, nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài đặt ra với vùng Tây Bắc nhằm cụ thể hóa Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội của nước giai đoạn 2011 - 2020, thực hiện các nghị quyết Đại hội của Đảng, của Bộ Chính trị là: khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng về kinh tế, gắn với đảm bảo an sinh xã hội theo hướng bền vững và đảm bảo quốc phòng, an ninh; phát huy có hiệu quả các mối liên kết giữa các địa phương trong vùng, lựa chọn những ngành, lĩnh vực và lãnh thổ có vai trò động lực để tập trung phát triển làm hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Tiếp tục xây dựng các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư, cung cấp những căn cứ, thông tin và tiềm năng, cơ hội đầu tư, kinh doanh và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư