Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Trần Yên Ly, CEO Etík Academy: Tạo môi trường rèn luyện nghi thức giao tiếp quốc tế
Anh Hoa - 28/05/2022 08:10
 
Trần Yên Ly sáng lập học viện nghi thức đầu tiên tại Việt Nam mang tên Etík Academy, tạo môi trường rèn luyện cho học sinh, lãnh đạo doanh nghiệp, trí thức trẻ sẵn sàng cho môi trường quốc tế.

Học nghi thức không phải để “sành điệu”, “đẳng cấp”

Những ngày đầu từ nước ngoài trở về sinh sống và làm việc cho một tổ chức giáo dục tại Việt Nam, Trần Yên Ly nhận thấy, phần lớn học sinh Việt Nam học tốt, nhưng lại bị hạn chế về kỹ năng giao tiếp, ứng xử. Tầng lớp trí thức trẻ cũng có sự chênh lệch giữa thu nhập và phong cách giao tiếp của họ. Không thiếu những trường hợp doanh nhân thành đạt cảm thấy lúng túng trước những tình huống giao tiếp và lễ nghi rất cơ bản với đối tác quốc tế.

Càng có dịp đi đến nhiều nơi, tôi càng nhận thấy rằng, yếu tố quan trọng nhất để trở thành một công dân quốc tế là kỹ năng giao tiếp, chứ không chỉ có kiến thức và ngoại hình

- Trần Yên Ly, sáng lập, kiêm CEO Etík Academy

“Tôi muốn đóng góp cho cộng đồng qua việc rèn luyện các bạn học sinh, lãnh đạo doanh nghiệp và trí thức trẻ sẵn sàng cho môi trường quốc tế”, Yên Ly chia sẻ.

Với hơn 2 thập kỷ lớn lên và trưởng thành tại 3 châu lục khác nhau, Yên Ly hiểu rõ tầm quan trọng của những quy tắc giao tiếp trong một môi trường đa văn hóa, dù đó là môi trường làm việc, hay chỉ là xã giao. Vì vậy, chị quyết định quay lại London (Anh) để hoàn thành chứng chỉ đào tạo nghi thức, rồi về nước mở học viện nghi thức đầu tiên tại Việt Nam mang tên Etík Academy.

Trái ngược với sự kỳ vọng của Yên Ly, buổi ra mắt Etík Academy khiến chị rơi vào trạng thái tiêu cực. Yên Ly giới thiệu Etík Academy tới khách hàng tiềm năng, nhưng không ai đăng ký…

Sau đó, Etík Academy có khách hàng đầu tiên. Khách hàng này giới thiệu thêm nhiều học viên khác. Khoảng 3 tháng sau, chị có hợp đồng dạy nghi thức cho một tập đoàn.

Thời gian qua, Etík Academy nhận được rất nhiều sự quan tâm và tin tưởng. Danh sách học viên của Học viện ngày càng dày thêm, trong đó có nhiều cá nhân thành công và nổi bật trong xã hội. Điều này cho thấy, nghi thức đã trở nên gần gũi với cuộc sống.

Dù vậy, khái niệm và mục đích của việc học nghi thức vẫn chưa được nhiều người hiểu và lan tỏa một cách đúng đắn. Lầm tưởng thường thấy nhất là mọi người có xu hướng cho rằng, học nghi thức là để bản thân trở nên “sành điệu” và “đẳng cấp” hơn.

Ý nghĩa cốt lõi của nghi thức là phép lịch sự và kỹ năng khi giao tiếp của mỗi người. Theo Yên Ly, nguyên tắc cơ bản nhất trong nghi thức là không bao giờ được khoe khoang, thiếu tôn trọng người xung quanh bằng những quy tắc mà mình học được. Tính nghệ thuật của bộ môn nghi thức nằm ở chỗ, bạn hiểu rõ ở môi trường nào mình nên thể hiện bản thân và thời điểm nào thì mình nên theo đám đông.

Etík Academy tổ chức nhiều khóa đào tạo phù hợp với nhu cầu khác nhau của học viên. Ngoài các khóa học và hình thức truyền tải qua phương tiện truyền thông, Yên Ly đang thực hiện một dự án “dài hơi” mang tên Etik for Community. Đây là chương trình talkshow miễn phí được tổ chức tại các trường học, nhằm tạo không gian để chị cùng chia sẻ và trao đổi với các em học sinh về bộ môn này. Qua đó, các em được kích thích khả năng tự vấn, xây dựng tư duy giao tiếp cũng như tự hình thành thói quen suy luận vấn đề một cách chủ động hơn.

Yên Ly luôn nhấn mạnh với các học viên rằng, hiểu về nghi thức là để khiến những người giao tiếp với mình cảm thấy thoải mái, chứ không phải để thể hiện, soi mói hay bóc tách xem người khác đang cư xử đúng sai thế nào. “Giàu có chưa chắc đã đi đôi với quý phái và nghi thức giao tiếp chắc chắn là điều cần phải học, dù ở lứa tuổi nào”, Yên Ly nói.

“Cứ đi rồi sẽ đến”

Trải qua những lần thất bại, Yên Ly học được cách kiểm soát bản tính cầu toàn của bản thân. Để có được kết quả gọi là “thành công”, tính hiệu quả và tốc độ hoàn thành chưa hẳn quyết định tất cả.

Thời gian trước, Yên Ly rất nghiêm khắc với bản thân và tự đặt cho mình nhiều áp lực. Thêm vào đó, sự thiếu uyển chuyển và thấu hiểu khi làm việc cùng khách hàng khiến nhiều dự án của chị bị đình trệ, thậm chí thất bại. “Tốt còn hơn hoàn hảo” là câu nói ngắn gọn, chuẩn xác nhất mà Yên Ly đúc kết được từ những lần thất bại đó. Ba giá trị cốt yếu nhất trong hành trình Yên Ly tiếp cận và truyền tải kiến thức tới học viên là chính trực, thật thà và luôn tạo ra những giá trị thật.

Sự can đảm và thích khám phá đã thôi thúc Yên Ly dám bắt đầu khởi nghiệp. Việc hiểu rõ ưu - nhược điểm của bản thân giúp chị rất nhiều ngay từ những ngày đầu lên ý tưởng. Chị đảm nhận tốt vai trò hoạch định tầm nhìn và mục đích lâu dài, nhưng cũng cần các cộng sự để vận hành chiến lược đó.

Tự tin, cố gắng và kiên trì với quyết định của mình là lời khuyên mà nhà sáng lập Etík Academy dành cho các chị em ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp. “Cứ đi rồi sẽ đến và tuyệt đối đừng quên lý do vì sao mình bắt đầu”, Trần Yên Ly chia sẻ.

Taku Tanaka, sáng lập Kamereo: Muốn thế giới thấy Việt Nam rất tiềm năng
Sau những chuyến phiêu lưu ở thị trường Đông Nam Á, doanh nhân Taku Tanaka (người Nhật) quyết định chọn Việt Nam là trạm dừng chân để khởi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư