Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Trao 672 bằng Tổ quốc ghi công cho gia đình thân nhân liệt sĩ
Hải Hà - 26/12/2017 15:35
 
Sáng nay, 26/2, tại Hà Nội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã tổ chức Lễ trao 672 bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân, gia đình các liệt sĩ.
.
Để được công nhận, nhiều hồ sơ đã phải mất rất nhiều thời gian xác minh là liệt sĩ trên thực tế.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Việc tổ chức Lễ trao bằng Tổ quốc ghi công tặng thân nhân, gia đình các liệt sĩ là hoạt động thiết thực nhằm ghi nhận, tri ân và tôn vinh các anh hùng đã ngã xuống vì Tổ quốc. Đây là nét đẹp trong đời sống văn hóa, tinh thần ghi nhớ công ơn với những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc”.

Điều mà Chủ tịch Quốc hội luôn trăn trở là mặc dù, suốt 70 năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta thường xuyên chăm lo đến công tác thương binh, liệt sĩ và người có công, hệ thống chính sách về người có công được ban hành, sửa đổi, bổ sung thường xuyên cả về đối tượng và chính sách thụ hưởng nhằm đáp ứng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhưng sau 60 năm kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, 40 năm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, đất nước ta vẫn còn những người tham gia hoạt động cách mạng, tham gia kháng chiến, hy sinh chưa được xác nhận là liệt sĩ, người bị thương chưa được xác nhận là thương binh.

Nguyên nhân của thực tế này cũng được Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thừa nhận chưa giải quyết được hết do chiến tranh khốc liệt kéo dài, nhiều cơ quan quản lý thay đổi, người hy sinh, bị thương không còn lưu giữ được hồ sơ, bản thân quân nhân, dân quân du kích, thanh niên xung phong, những người phục vụ kháng chiến cũng không nghĩ tới việc giữ lại giấy tờ riêng cho mình và cũng không giữ được giấy tờ gốc....

Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Đào Ngọc Dung cho biết: “Trong số 672 bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân, gia đình liệt sĩ hôm nay, có những trường hợp để được công nhận là liệt sĩ, ngành lao động thương binh xã hội, tổ chức và địa phương đã phải xác minh tại nhiều quân khu, đơn vị...để làm rõ những thông tin còn thiếu trong hồ sơ trước khi đưa ra kết luận”.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Dung đến nay vẫn còn 148 trường hợp hy sinh cách đây trên 70 năm (có trường hợp 86 năm) vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ.

Cụ thể là cụ Phan Văn Viễn, sinh năm 1895 tại xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, hy sinh năm 1948 trên đường đi họp theo giấy triệu tập của ủy ban kháng chiến xã bị giặc pháp phục kích bắt giam và tra khảo, do không khai báo nên địch bắn chết. Cụ Nguyễn Văn Sớm, sinh năm 1900, quê xã Chánh Hội, xã Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, là cán bộ tuyên truyền xã hy sinh năm 1931 trong khi làm nhiệm vụ công tác tuyên truyền về Đảng bị địch phát hiện bắt giam tại nhà tù Côn Đảo và bị tra tấn đến chết trong tù. Cụ Bùi Văn Bính sinh năm 1901, quê xã Hiếu Thành, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, hy sinh năm 1941, là là tổ trưởng Hội nông dân phản đế tham gia đánh đổ địa chủ Sáu Thi bị bắt đày ra Côn Đảo tra tấn đến chết....

Lý do dẫn tới việc giải quyết chế độ cho những trường hợp này đến nay vẫn gặp vướng mắc do không có hồ sơ, giấy tờ gốc; không còn thân nhân chủ yếu; người làm chứng không cùng đơn vị, không cùng chiến đấu; hồ sơ thất lạc phải làm lại từ đầu hoặc hồ sơ phải bổ sung nhiều lần đến khi hoàn thiện thì hết hiệu lực văn bản quy định và nhiều lý do khác.

Cũng theo Bộ trưởng Dung, thời gian qua, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã triển khai thí điểm giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng tại 5 địa phương Lai Châu, Bắc Kạn, Thái Bình, Đà Nẵng, Long An nhằm rút kinh nghiệm triển khai toàn quốc. Mục tiêu tới năm 2020, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ giải quyết cơ bản hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng.

Hiện còn khoảng trên 5.000 hồ sơ tồn đọng của người có công chưa được giải quyết.

Tri ân các nhà báo – liệt sĩ, thương binh
Sáng nay 20/7, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức buổi Tọa đàm “Tri ân nhà báo- liệt sĩ, thương binh”. Đây là hoạt động có ý nghĩa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư