Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Traphaco “quên” sức mạnh của đòn bẩy tài chính
Chí Tín - 12/03/2019 09:26
 
Là một trong những doanh nghiệp dược có quy mô lớn, doanh số mỗi năm đạt cả ngàn tỷ đồng, nhưng trong quản trị tài chính, Công ty cổ phần Traphaco (mã TRA, sàn HOSE) vẫn còn dư địa lớn chưa khai thác tối ưu: đó là sức mạnh từ đòn bẩy tài chính.
.
Tính đến 31/12/2018, tổng tài sản của Traphaco là 1.590 tỷ đồng.

Cơ cấu tài chính khá an toàn

Theo báo cáo tài chính quý IV/2018 của Traphaco, tổng tài sản tại thời điểm ngày 31/12/2018 ở mức 1.590 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Nợ phải trả của Công ty là 483 tỷ đồng, tuy đã tăng 23,5% so với trước đó 1 năm, nhưng vẫn còn ở mức khá thấp so với vốn chủ sở hữu 1.107 tỷ đồng của doanh nghiệp này.

Đây là một cơ cấu tài chính khá an toàn và có vẻ như đó là phong cách quen thuộc của Traphaco trong nhiều năm. Theo đó, trước thời điểm 2018, tỷ lệ nợ/trên vốn chủ sở hữu luôn duy trì ở mức trên 30%. Cụ thể, tỷ lệ này là 34% năm 2015, tăng lên 35,8% trong năm 2016, nhưng sau đó lại giảm nhẹ xuống 34,9% trong năm 2017 và sang năm 2018 có xu hướng tăng mạnh hơn, nâng lên mức 43,6%.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Hoàng Anh Tuấn, chuyên viên cao cấp Tư vấn Đầu tư Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect cho biết, năm nay, hệ số nợ tăng lên chủ yếu do việc xây dựng nhà máy tân dược mới tại Hưng Yên. Nhà máy có tổng vốn đầu tư theo kế hoạch là 477 tỷ đồng, gồm 3 phân xưởng và 5 dây chuyền sản xuất.

Việc gia tăng vay nợ chủ yếu phục vụ việc tập trung nguồn vốn cho Nhà máy Dược Hưng Yên thể hiện ở vay nợ chủ yếu gia tăng trong phần nợ dài hạn. Bởi lẽ, nợ ngắn hạn thậm chí giảm trong năm 2018, nhưng nợ dài hạn đã tăng gấp 17 lần, từ hơn 10 tỷ đồng đầu năm lên mức gần 170,5 tỷ đồng vào cuối năm 2018, trong đó chủ yếu là nợ vay và thuê tài chính dài hạn.

Chưa tối ưu hóa đòn bẩy tài chính?

Tỷ lệ tổng nợ trên vốn chủ sở hữu giúp nhà đầu tư có một cái nhìn khái quát về bức tranh tài chính, cấu trúc tài chính của doanh nghiệp và năng lực của doanh nghiệp trong việc chi trả cho các hoạt động. Về nguyên tắc, hệ số này càng nhỏ, có nghĩa là nợ phải trả chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng tài sản hay tổng nguồn vốn, thì doanh nghiệp ít gặp rủi ro hơn trong tài chính. Tỷ lệ này càng lớn thì khả năng gặp khó khăn trong việc trả nợ hoặc phá sản của doanh nghiệp càng lớn. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ quá thấp cũng cho thấy doanh nghiệp chưa biết cách vay nợ để kinh doanh và khai thác tối ưu nguồn lực tài chính của doanh nghiệp.

Khởi động Dự án Chuyển giao công nghệ giữa Traphaco và Dược phẩm Daewoong (Hàn Quốc)

 Tháng 3/2019, tại Công ty TNHH Traphaco Hưng Yên đã diễn ra lễ khởi động Dự án Chuyển giao công nghệ giữa Traphaco và Công ty Dược phẩm Daewoong (Hàn Quốc). Ông Trần Túc Mã, Tổng giám đốc Traphaco cho biết, Traphaco đã chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để có thể tiếp nhận chuyển giao công nghệ cho 8 sản phẩm một cách nhanh chóng và hiệu quả. Ông mong muốn ngay sau buổi lễ khởi động, bộ phận chuyển giao 2 bên sẽ xây dựng kế hoạch rõ ràng, cụ thể để việc chuyển giao được tốt nhất.

Bên phía Daewoong, theo ông Ji Chang Won, Giám đốc sản xuất, Dự án Chuyển giao công nghệ nằm trong định hướng chiến lược của Daewoong về hợp tác phát triển, phân phối sản phẩm, xuất khẩu... Daewoong đã cử những nhân sự chủ chốt trực tiếp tham gia quá trình chuyển giao này để đảm bảo về chất lượng cũng như tiến độ.

Trong trường hợp doanh nghiệp có tỷ lệ vay nợ còn thấp, thì vẫn còn nhiều dư địa để có thể tiếp tục gia tăng vay nợ hơn nữa (trong phạm vi vẫn quản trị được rủi ro) để đẩy mạnh kinh doanh, gia tăng lợi nhuận và phạm vi ảnh hưởng của doanh nghiệp trên thị trường. Về nguyên tắc, việc gia tăng vay nợ sẽ làm phát sinh chi phí lãi suất, nhưng đây là các khoản chi phí có thể tính toán được đối với doanh nghiệp và khi các nguồn thu đem lại vẫn bù đắp cho chi phí lãi suất phải trả cho việc gia tăng vay nợ, thì doanh nghiệp còn dư địa tăng lợi nhuận ròng nếu tiếp tục nâng tỷ lệ vay nợ lên cao hơn.

Trong quản trị tài chính, khái niệm được giới tài chính hay nhắc đến là sức mạnh của đòn bẩy tài chính. Khái niệm này liên quan đến việc sử dụng nợ để thu lợi nhuận trên tài sản. Cụ thể, có thể coi đòn bẩy tài chính là một công cụ thúc đẩy lợi nhuận sau thuế trên một đồng vốn chủ sở hữu. Đây là công cụ được các doanh nghiệp sử dụng rất thường xuyên, thậm chí nhiều doanh nghiệp đang lạm dụng quá đà sức mạnh của đòn bảy tài chính (vay nợ quá cao).

Nhưng Traphaco lại thuộc “tuýp” doanh nghiệp đánh mất cơ hội tối ưu hóa lợi nhuận nhờ đòn bẩy tài chính. Tổng mức vay và nợ thuê tài chính cả dài hạn và ngắn hạn tại thời điểm cuối năm 2018 của doanh nghiệp này khoảng 207 tỷ đồng và chi phí lãi vay trong năm 2018 chỉ là 12,2 tỷ đồng. Con số này chiếm tỷ trọng rất thấp so với doanh thu và lợi nhuận, chỉ bằng 0,68% tổng doanh thu thuần và 5,7% lợi nhuận thuần. Theo đó, khi doanh nghiệp này tăng vay nợ ngân hàng lên gấp đôi (chi phí lãi vay cũng tăng tương ứng), thì chỉ cần tăng thêm một tỷ lệ nhỏ đối với doanh thu thuần là có thể bù đắp được khoản chi phí tài chính tăng thêm.

Với quy mô vốn điều lệ của Traphaco, nếu gia tăng vay nợ ngân hàng lên gấp 4 lần mức vay hiện tại thì tổng nợ phải trả vẫn thấp hơn vốn chủ sở hữu, nằm trong mức an toàn cần thiết theo thông lệ chung về quản trị tài chính doanh nghiệp. Kịch bản giả định là Traphaco nâng mức vay và nợ thuê tài chính lên gấp 4 lần, đạt 828 tỷ đồng, thì chi phí lãi vay sẽ tăng lên 48,8 tỷ đồng. Trong trường hợp này, Công ty sẽ chỉ cần đẩy doanh thu thuần tăng thêm với tỷ lệ nhỏ, thì sẽ bù đắp được phần trội thêm của chi phí tài chính khi gia tăng vay nợ.

Đương nhiên, cách tính trên dựa trên cơ sở giả định các yếu tố khác không đổi. Trong trường hợp có nhu cầu đẩy cao doanh thu thì doanh nghiệp cũng có thể phải gia tăng một số khoản chi phí quản lý, chi phí bán hàng… Tuy nhiên, khi doanh nghiệp đẩy quy mô bán hàng, thì giá vốn hàng bán trên từng sản phẩm có thể sẽ giảm đi do lợi thế về quy mô mang lại. Nếu đưa tất cả các yếu tố khác vào phép tính, doanh nghiệp chỉ cần quan sát sự thay đổi của lợi nhuận thuần và nếu lợi nhuận thuần có tăng sau khi các biến số khác thay đổi, thì sự thay đổi đó có hiệu quả hơn.

Ngoài ra, thực tế kinh doanh của doanh nghiệp còn phụ thuộc vào tính chất thị trường đang hoạt động. Việc một doanh nghiệp đẩy doanh số bằng cách tăng lưu lượng hàng bán mà không ảnh hưởng đến cung cầu và giá cả thị trường chỉ đúng trong trường hợp thị trường cạnh tranh hoàn hảo. Theo đó, việc những doanh nghiệp quy mô lớn có sức ảnh hưởng thị trường tăng quy mô bán hàng có thể làm thay đổi cán cân cung cầu, dẫn đến giá hàng hóa giảm, làm giảm biên lợi nhuận với hàng hóa đó.

“Bệnh” chung của doanh nghiệp dược

Thực chất, Traphaco mang đặc tính chung của nhiều doanh nghiệp ngành dược là có tỷ lệ vay nợ rất thấp. Điều này có thể xuất phát từ “đặc thù ngành nghề” của ngành y dược là nhiều nhà quản lý có xuất phát điểm từ người làm chuyên môn y dược nên luôn đặt cao yếu tố an toàn, thận trọng.

Theo ông Tuấn, các doanh nghiệp dược có tỷ lệ vay nợ rất thấp là Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm (mã IMP), Công ty cổ phần Pymepharco (mã PME), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế  Domesco (mã DMC), Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (mã DHG)…

Ít nợ nần tuy là một ưu điểm của doanh nghiệp dược (kinh doanh an toàn), nhưng cũng lại là một nhược điểm, bởi trong kinh doanh, việc đánh giá một doanh nghiệp có năng lực quản trị tốt hay không thể hiện ở việc doanh nghiệp đã thực sự tận dụng tối đa các nguồn lực của công ty hay chưa, trong đó nguồn lực tài chính là một yếu tố tối quan trọng.

Thực tế, dư địa cho các doanh nghiệp dược trong nước mở rộng thị trường vẫn còn rất lớn. Theo Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), giá trị thuốc của các cơ sở sản xuất trong nước mới chiếm 46,6% tổng giá trị tiền thuốc sử dụng của toàn bộ nền kinh tế. Trong khi đó, giá trị sản xuất của cơ sở thuốc trong nước năm 2018 có tốc độ tăng trưởng 10,2%, thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng 11,2% của giá trị sử dụng thuốc của cả nước.

Traphaco: Ngôi nhà hạnh phúc
Trong báo cáo của Hội đồng quản trị Traphaco trình đại hội đồng cổ đông 2018 có vài dòng ngắn nhưng được giới phân tích đầu tư cho rằng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư