Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Trây ì tiền thuế có thể mời cơ quan công an vào cuộc
Mạnh Bôn - 23/07/2015 08:40
 
Đối tượng có số tiền thuế nợ lớn nhất trên địa bàn; nợ thuế đã quá 121 ngày, cơ quan thuế đã dùng nhiều biện pháp đôn đốc, nhắc nhở, phạt vi phạm hành chính, thực hiện các biện pháp cưỡng chế nêu trên nhưng vẫn không chịu nộp tiền nợ, tiền phạt chậm nộp vào ngân sách nhà nước sẽ bị công bố, công khai danh tính trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bộ Tài chính vừa yêu cầu cơ quan thuế các địa phương công khai doanh nghiệp chây ì tiền thuế trên phương tiện thông tin đại chúng trong trường hợp cơ quan thuế đã cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thuế tại kho bạc nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng; phong toả tài khoản; khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập; kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên để thu tiền thuế, tiền phạt nhưng không thu hồi được hoặc thu hồi không hết số tiền nợ thuế và đã thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng nhưng doanh nghiệp vẫn tiếp tục chây ì tiền thuế.

Theo yêu cầu của Bộ Tài chính, đối tượng có số tiền thuế nợ lớn nhất trên địa bàn; nợ thuế đã quá 121 ngày, cơ quan thuế đã dùng nhiều biện pháp đôn đốc, nhắc nhở, phạt vi phạm hành chính, thực hiện các biện pháp cưỡng chế nêu trên nhưng vẫn không chịu nộp tiền nợ, tiền phạt chậm nộp vào ngân sách nhà nước sẽ bị công bố công khai danh tính trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bà Nguyễn Thị Hải Yến, Trưởng phòng Tuyên truyền - Hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế Hà Nội
Bà Nguyễn Thị Hải Yến, Trưởng phòng Tuyên truyền - Hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế Hà Nội

Đến thời điểm này các địa phương trên cả nước đã công bố danh tính (tên, địa chỉ, số tiền nợ thuế) của 600 doanh nghiệp.

Riêng TP.HCM đã công bố công khai danh tính tới 200 doanh nghiệp với tổng số tiền nợ thuế lên tới hơn 3.517 tỷ đồng. Trong đó có rất nhiều doanh nghiệp có số tiền nợ thuế tính đến 30/6/2015 lên tới trên 100 tỷ đồng như Công ty cổ phần Đầu tư Phương Việt (142,766 tỷ đồng), Địa ốc Phú Tân (100,253 tỷ đồng), Nakyco (146,243 tỷ đồng), Dịch vụ Dầu khí Saigon (195,803 tỷ đồng), Vốn Thái Thịnh (110,713 tỷ đồng); Công ty TNHH một thành viên Cây trồng TP.HCM (101,133 tỷ đồng); Công ty TNHH Xây dựng trang trí Việt Quốc (143.180 tỷ đồng).

Số tiền nợ thuế hơn 3.517 tỷ đồng của TP.HCM không bao gồm nợ thuế của người nộp thuế không còn sản xuất kinh doanh ở địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan thuế; người nộp thuế hiện không còn hoạt động; tiền thuế nợ của người nộp thuế chờ giải thể; tiền thuế nợ của người nộp thuế đã có quyết định phá sản hoặc đang trong thời gian làm thủ tục phá sản và các khoản nợ đang trong thời gian khiếu nại.

Theo số liệu vừa được Cục Thuế TP.HCM công bố thì đến thời điểm 30/6/2015, trên địa bàn còn rất nhiều doanh nghiệp nợ hàng chục tỷ đồng tiền thuế như Công ty cổ phần Bất động sản Tiến Phước nợ 57,403 tỷ đồng; Dịch vụ Bưu chính viễn thông Sài Gòn nợ gần 49,906 tỷ đồng; Đầu tư và xây dựng số 8 nợ 40,887 tỷ đồng; Xây dựng công trình và Đầu tư địa ốc Hồng Quang nợ 38,287 tỷ đồng; Đầu tư phát triển Phú Mỹ nợ 85.984 tỷ đồng; Đầu tư Phương Trang nợ 39,974 tỷ đồng; HTX Vận tải hàng hoá và hành khách Hải Âu nợ 40,572 tỷ đồng; Công ty TNHH Đầu tư địa ốc thành phố nợ 44,865 tỷ đồng.

Trước đó, vào cuối tháng 6 vừa qua, Cục Thuế Hà Nội đã công bố liên tiếp 3 đợt danh sách dự án bất động sản và doanh nghiệp nợ thuế lớn trên địa bàn với tổng cộng 169 doanh nghiệp và 38 dự án có số nợ lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

Liên quan đến việc xử lý tiền nợ thuế (chủ yếu là nợ tiền sử dụng đất) của các dự án bất động sản trên địa bàn Hà Nội, bà Nguyễn Thị Hải Yến, Trưởng phòng Tuyên truyền - Hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế Hà Nội cho biết, đối với các dự án còn nợ tiền sử dụng đất, Cục Thuế Hà Nội đã chỉ đạo các chi cục thuế tăng cường rà soát, phân tích nợ của từng dự án, tìm hiểu nguyên nhân nợ, nắm chắc tình hình thực hiện dự án, tình hình sản xuất - kinh doanh, tình hình tài chính... để có biện pháp xử lý phù hợp như trực tiếp làm việc với chủ đầu tư để đôn đốc, yêu cầu báo cáo và cam kết tiến độ nộp; phối hợp với chính quyền địa phương, liên ngành địa phương tiếp tục đôn đốc thu tiền sử dụng đất; thực hiện các biện pháp đôn đốc thu, cưỡng chế thuế theo quy định của pháp luật.

Trả lời Báo Đầu tư liên quan đến nhiều dự án bất động sản đã thu tiền mua nhà hình thành trong tương lai của khách hàng, nhưng do nợ tiền thuế sẽ phải dừng thi công khiến khách hàng bị thiệt hại, bà Yến khẳng định:  “Về nguyên tắc, doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp thuế với ngân sách, trong trường hợp chủ dự án đã thu tiền nhưng không xuất hóa đơn, không kê khai, nộp thuế thì cơ quan thuế sẽ mời chủ dự án lên làm việc để xác định rõ hành vi nợ thuế. Trong trường hợp doanh nghiệp chỉ vi phạm hành chính thuế (trây ỳ nợ thuế) thì cơ quan thuế sẽ tiến hành lập biên bản và xử lý theo quy định là tiến hành cưỡng chế nợ thuế, thu hồi tiền thuế, tiền phạt chậm nộp”.

“Trường hợp chủ đầu tư các dự án thực hiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, đã thu tiền của khách hàng nhưng không xuất hóa đơn, không kê khai nộp thuế thì cơ quan thuế sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra xác định hành vi vi phạm và phối hợp với cơ quan Công an TP. Hà Nội để thực hiện điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật”, bà Yến khẳng định.

Hàng loạt đại gia có tên trong danh sách 600 doanh nghiệp nợ thuế
Bộ Tài chính chính thức công bố danh sách 600 doanh nghiệp nợ thuế thuộc 63 tỉnh, thành phố, trong đó có rất nhiều DN lớn như Sông Đà Thăng Long,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư