Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Hợp tác xã rau sạch La Hường (Đà Nẵng)
Triệu phú từ cánh đồng rau VietGAP
Hà Minh - 16/04/2016 20:19
 
Mới thành lập được 4 năm, hợp tác xã (HTX) La Hường (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) đã phát triển vùng rau sạch quy mô lớn đạt chứng nhận VietGAP. Cùng với đó là nhiều dự định, kế hoạch sản xuất đang được Ban chủ nhiệm và các xã viên ấp ủ…

“Chống lưng” cho xã viên

Sông Cẩm Lệ - nhánh của sông Hàn chảy qua địa bàn quận Cẩm Lệ hàng trăm năm nay mỗi khi lũ về là chịu cảnh bên lở, bên bồi, nhưng lại vô tình tạo ra doi đất hơn 5 ha, để đến bây giờ, trở thành tài sản của HTX La Hường, cũng là tài sản của 17 hộ xã viên trồng rau sạch theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), cung ứng cho thị trường TP. Đà Nẵng hơn 500 tấn sản phẩm/năm.

Đến cánh đồng trồng rau sạch của HTX La Hường, nghe người nông dân ở đây nói đến tiền triệu mà cứ như họ đang nói về... rau. Mà quả đúng là như vậy, vì chính những luống rau sạch đem nguồn thu về cho các hộ gia đình xã viên từ 1-2,5 triệu đồng/ngày. Vị chi, một tháng có gia đình thu 50-60 triệu đồng, tổng thu nhập cả năm gần 800 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, lãi ròng đến 300-400 triệu đồng.

Xã viên Hợp tác xã La Hường chăm sóc vụ rau mới. Ảnh: Hà Minh
Xã viên Hợp tác xã La Hường chăm sóc vụ rau mới. Ảnh: Hà Minh

Bên ruộng bí xanh mướt, ông Mai Văn Toàn, 54 tuổi, khoe mới sáng nay, ông và vợ thu hoạch 40 bó đọt (ngọn) bí, mỗi bó bán tại chân ruộng 10.000 đồng, “vậy là được 400.000 đồng khỏe re”!

“Cùng với đọt bí, 100 bó rau rền đỏ cũng được thu hoạch đưa đến các chợ, siêu thị và cửa hàng sau sạch, mỗi bó 5.000 đồng, tổng thu từ rau rền là 500.000 đồng. Đó là chưa kể hành, rau mùi, ớt xanh… Một ngày cả triệu đồng chứ ít đâu”, ông Toàn tự hào về thành quả của mình.

Ở HTX rau sạch La Hường, ông Nguyễn Văn Cư 38 tuổi, được các xã viên mệnh danh là “đại gia rau muống”. “Là bởi, tôi chỉ chuyên sản xuất rau muống. Một năm không có lũ, cắt chừng 10-12 lứa. Nếu bán với giá cao, thì bó rau to, giá thấp thì bỏ nhỏ lại, nhưng cũng chừng ấy tiền”, ông Cư phân tích. Thấy tôi thể hiện… vẻ chậm hiểu, ông Cư giảng giải thêm: “Này nhé, bình thường 10.000 đồng/bó, nếu xuống 5.000 đồng/bó, tôi sẽ chia bó rau làm 2. Như vậy, chừng ấy rau và cũng chừng đó tiền, không hề thay đổi”, ông Cư nói xong - tôi chen vào - ngả mũ kính phục ông! Được thể, ông Cư kiêu hãnh: “Không vậy, sao mỗi năm lãi ròng 400-500 triệu đồng được”.   

“Thu 600 triệu đồng/ha ở HTX La Hường đâu có hiếm, thậm chí từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng cũng có. Tôi ví dụ, 1 m2 rau muống cắt được 2 kg với giá 5.000 đồng/kg. Một hộ xã viên ở đây làm 1 ha (tương đương với 10.000 m2), cắt một lần được 100 triệu đồng, một năm chỉ cần 8 lứa là được 800 triệu đồng. Là tính trung bình, chứ thực tế thì ở đây một năm người dân thu hoạch 10- 12 đợt rau muống (rau muống 20 ngày/lứa). Vậy nên tổng thu nhập cao như vậy là có thật”, ông Trần Văn Hoàng, Chủ nhiệm HTX La Hường tính toán.

“Trồng rau VietGAP bà con không cực khổ như trước nữa. Trước đây, phải dậy từ 2 giờ sáng ra đồng hái rau, sau đó chở đi các nơi tiêu thụ. Còn giờ, 4 giờ bà con mới ra đồng. Rau cắt xong,  thương lái chờ sẵn chân ruộng đưa lên xe chở đi tiêu thụ”, ông Hoàng cho biết. “Vấn đề cốt lõi là đảm bảo quyền lợi của người sản xuất bằng việc không để tư thương ép giá. Muốn vậy, Ban Chủ nhiệm HTX phải “chống lưng” cho các xã viên bằng cách giao kèo với tư thương mua của các xã viên đúng với giá thị trường. Nếu không đồng ý, HTX sẽ đứng ra bao tiêu, đưa đi các đầu mối tiêu thụ khác và cắt luôn mối làm ăn với những tư thương ép giá”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Tiếp thị từ… học sinh tiểu học

150 em học sinh cấp tiểu học tay cầm những chiếc túi xinh bên trong là những bó rau ngót, quả mướp, bắp su, sup lơ... cùng với các thầy cô giáo và một số chuyên gia về giáo dục người Nhật Bản rời cánh đồng rau La Hường vào buổi chiều nắng dần khuất sau những dãy nhà cao tầng bên hông HTX. Khung cảnh vui nhộn ấy ít người biết đó là buổi thực tế nhà trường tổ chức cho các học sinh của mình được “làm nông dân” thực thụ. Và cũng ít ai nghĩ rằng, chính các em học sinh đó là đội ngũ tiếp thị viên hiệu quả mà HTX rau sạch La Hường hướng tới và khai thác từ khi mới thành lập. Một cách tiếp thị sản phẩm độc đáo, thiết thực, không mất chi phí quảng cáo, thậm chí được thu tiền về.

Tôi đem những tò mò và ngạc nhiên ấy đến “chất vấn” Chủ nhiệm HXT, ông Hoàng phân trần: “Đầu năm học, nhà trường liên hệ với HTX muốn tổ chức cho các em học sinh đi các làng rau truyền thống tham quan. Chúng tôi nói với họ rằng, những làng rau khác bán vé 10.000 đồng/em. HTX La Hường không làm vậy, cho các em tới miễn phí, nhưng nhà trường sẽ mua cho các em một món quà từ HTX rau sạch La Hường (mỗi món khoảng 30.000 đồng) bằng sản phẩm của các xã viên làm ra. Họ vui vẻ đồng ý và tấp nập đưa học sinh đến.

Rồi ông Hoàng nói nhóm học sinh và giáo viên người Nhật Bản mà tôi vừa nhìn thấy là của Trường Mầm non và Tiểu học Quốc tế Sky-Line (trường học chất lượng cao) tại TP.Đà Nẵng.

“Từ những món quà nhà trường tặng, các em đem về nhà “giới thiệu” cho cha mẹ đó là sản phẩm sạch từ HTX La Hường. Cách làm thương hiệu rau sạch La Hường - sản phẩm được chính các gia đình làm ra”, ông Hoàng lại bật mí.

Mới đây thôi, Trường tiểu học Trần Cao Vân (quận Thanh Khê) cũng đưa 200 em học sinh đến tham quan, các hộ xã viên đón chào và cũng quảng bá sản phẩm của mình y như vậy... Sau khi ra về, ban giám hiệu nhà trường hẹn, tháng 7 tiếp tục cho học sinh quay lại. Sau mỗi lần như vậy, các đại lý, cửa hàng rau sạch, tiểu thương trong chợ, thậm chí cả người mua lẻ cũng tìm đến La Hường mua rau.

Theo ông Trần Văn Hoàng, hiệu quả kinh tế từ việc trồng rau sạch đã rõ, thương hiệu đã được định vị và thị trường cũng đã có, nhưng hiện nay các thửa ruộng sản xuất còn riêng lẻ, mỗi nơi một đám ruộng, gây khó khăn cho việc làm đất, phân bổ khu vực trồng chuyên canh các loại rau, màu.

Trong đề án chuyển đổi mô hình HTX kiểu mới, Ban Chủ nhiệm HTX đã kiến nghị UBND quận Cẩm Lệ cho dồn điền đổi thửa. Cạnh đó, còn khoảng 5 ha đất phía Tây của HTX đang bỏ trống, hoang hóa, lau lách mọc um tùm thì cho HTX tận dụng, khai thác luôn, nâng tổng diện tích canh tác lên 10 ha để xây dựng cánh đồng rau lớn tạo ra nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú.

“Từ chỗ có hàng hóa, có nguồn thu, có kinh phí, HTX mới mạnh dạn làm những việc khác, như đầu tư máy sơ chế, lập mạng lưới bán hàng, in logo và nhãn hiệu trên bao bì, đăng ký thương hiệu, xuất xứ hàng hóa… khi đó, HTX mới định danh được trên thị trường, chứ hiện giờ, HTX mới chỉ vận động, tập hợp xã viên thực hiện theo tiêu chuẩn sạch và tìm đầu ra cho sản phẩm”, ông Hoàng trăn trở.

Bên cạnh những kiến nghị trên, ông Hoàng còn cho biết, mô hình HTX kiểu mới sẽ kết hợp du lịch sinh thái, trong đó, kiến nghị quận Cẩm Lệ xây dựng bờ kè sông Cẩm Lệ, làm bến neo đậu tàu thuyền để khách du lịch bằng đường sông có thể ghé thăm; mở rộng đường giao thông nội đồng kết nối với Khu ẩm thực của Nhật Bản phía Tây, chuẩn bị đầu tư cung ứng luôn sản phẩm cho họ. “Có nhiều dự án kết hợp sẽ càng đẩy thương hiệu rau sạch la Hường đi xa và doanh thu từ các dịch vụ của HTX La Hường sẽ được tăng cao”, ông Chủ nhiệm Trần Văn Hoàng khẳng định.

Lãnh đạo xã Vân Nội: Giữ thương hiệu rau an toàn như giữ bát cơm nhà mình
“UBND xã, huyện không thể kiểm soát được việc người dân có trồng rau đem bán ra thị trường có an toàn hay không. Để bà con trồng rau an toàn và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư