Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Trở tay không kịp với cách công bố thông tin của doanh nghiệp
 
Phiên 10/1, thanh khoản cổ phiếu HVG tăng đột biến, hơn 4,3 triệu đơn vị được khớp lệnh, đóng cửa ở mức giá trần 9.250 đồng/cổ phiếu. Những nhà đầu tư mua trong phiên 10/1 thì hết phiên 12/1 cổ phiếu mới về tài khoản, đây cũng là phiên giao dịch cuối tuần. Ngay phiên đầu tuần mới (15/1), cổ phiếu HVG có lượng dư bán giá sàn hơn 4,2 triệu đơn vị, nhiều nhà đầu tư bị kẹp hàng vì không kịp trở tay.
Việc công bố thông tin lỗ vào cuối tuần trước, ngược lại hoàn toàn so với công bố trước đó khiến giá cổ phiếu HVG đang tăng mạnh chuyển trạng thái lao dốc không phanh (ảnh minh họa)
Việc công bố thông tin lỗ vào cuối tuần trước, ngược lại hoàn toàn so với công bố trước đó khiến giá cổ phiếu HVG đang tăng mạnh chuyển trạng thái lao dốc không phanh (ảnh minh họa)

Nguyên nhân cổ phiếu HVG của Công ty cổ phần Hùng Vương tăng giá mạnh từ hơn 5.000 đồng/cổ phiếu lên trên 9.000 đồng/cổ phiếu là nhờ các thông tin về thanh lý bất động sản, thoái vốn tại công ty con là Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) và Công ty cổ phần Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng (VTF).

HVG từng là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành thủy sản, nhưng vì nợ vay lớn, chi phí lãi vay ăn mòn lợi nhuận khiến Công ty rơi vào cảnh thua lỗ trong năm tài chính 2015 - 2016 (kết thúc vào ngày 30/9/2016), giá cổ phiếu vì vậy có diễn biến giảm mạnh.

Do vậy, khi thông tin về các khoản nợ có khả năng được giải quyết, đặc biệt là thông tin HVG bán cổ phần VTF, một doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, doanh nghiệp này cũng từng tiết lộ có đối tác chào mua tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông hồi tháng 4/2017, khiến giá cổ phiếu HVG có chuyển động tích cực. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh của HVG dự báo sẽ khả quan khi nhu cầu thị trường tăng lên.

Ngày 10/1, HVG chính thức công bố bán hơn 50% vốn tại VTF, cổ phiếu ngay lập tức tăng giá trần. Trước đó, cổ phiếu này có những phiên rục rịch tăng từ mức giá hơn 7.000 đồng/cổ phiếu, trong đó có những phiên tăng trần do doanh nghiệp công bố thông tin bán tài sản, thoái vốn tại công ty con.

Ngày 11/1, thông qua truyền thông, Chủ tịch Hội đồng quản trị HVG chia sẻ về việc thoái vốn công ty con, hoàn thành thanh lý 2 lô đất và giải quyết phần lớn hàng tồn kho, cũng như kế hoạch phát hành 20% cổ phần cho đối tác chiến lược vào quý II/2018.

Với những thông tin trên, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng khoản nợ sẽ có hướng ra và hoạt động của doanh nghiệp tạm ổn định. Tuy nhiên, đây cũng là ngày mà HVG bị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM nhắc nhở về việc chậm công bố báo cáo tài chính kiểm toán niên độ 2017.

Ngày 13/1, tức thứ Bảy, HVG công bố báo cáo kiểm toán với số lỗ tăng thêm 642 tỷ đồng so với báo cáo tài chính tự lập, khiến giá cổ phiếu HVG giảm sàn trong phiên giao dịch đầu tuần này (15/1).

Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán, chi phí quản lý doanh nghiệp của HVG tăng thêm hơn 500 tỷ đồng, lên 756 tỷ đồng (gấp 2,8 lần so với năm 2016), chủ yếu đến từ dự phòng nợ phải thu khó đòi hơn 566 tỷ đồng, trong khi năm 2016 là 70,5 tỷ đồng. Kết quả, sau kiểm toán, HVG lỗ 705 tỷ đồng, chênh lệch tới 642 tỷ đồng so với báo cáo tự lập là lỗ 63 tỷ đồng. Thông tin này như gáo nước lạnh giội vào nhà đầu tư.

“Giả sử, HVG thực hiện công bố báo cáo kiểm toán trước, sau đó là thông tin về các vấn đề như nợ vay sẽ được thanh toán, tiến độ giảm dư nợ, tình hình hàng tồn kho, xu thế thị trường và hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp thì có lẽ thị trường tiếp nhận thông tin đỡ sốc hơn”, một nhà đầu tư nói.

Trên thực tế, báo cáo đã được kiểm toán cho biết, HVG đã hoàn tất thoái toàn bộ vốn đầu tư tại FMC. Ban giám đốc HVG đang trong quá trình thống nhất các điều khoản trong hợp đồng chuyển nhượng với đối tác để hoàn tất việc thanh lý khoản đầu tư, dự kiến trước ngày 15/2/2018. Như vậy, việc HVG thực hiện bán tài sản để trả nợ đang được đẩy mạnh.

“Phiên giảm giá sàn ngày 15/1 có thể không diễn ra nếu cách thông tin của doanh nghiệp khác đi”, nhà đầu tư trên nhận định.

Đây không phải lần đầu tiên HVG có chênh lệch số liệu lớn sau kiểm toán. Báo cáo kiểm toán năm 2016 của HVG điều chỉnh giảm hơn 2.000 tỷ đồng doanh thu; lợi nhuận thuộc công ty mẹ âm 49,3 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 309 tỷ đồng trong báo cáo doanh nghiệp tự lập. Trong báo cáo bán niên 2017, HVG lỗ gần 173 tỷ đồng so với số lỗ 31 tỷ đồng theo báo cáo Công ty tự lập.

Việc công bố thông tin gây “sốc” đến nhà đầu tư như trên không phải hiếm trên thị trường. Ngoài ra, còn có tình trạng công bố một đằng, làm một nẻo.

Cổ phiếu SKG của Công ty cổ phần Tàu cao tốc Superdong - Kiên Giang từng được nhiều nhà đầu tư ưa thích bởi yếu tố cơ bản tốt, cổ phiếu cũng tăng giá đáng kể từ khi chào sàn năm 2014. Cho đến khi SKG bị phạt vì chậm công bố thông tin về quyết định truy thu thuế, tổng cộng cả tiền truy thu thuế, tiền phạt các loại, doanh nghiệp phải nộp hơn 57,6 tỷ đồng.

Giá cổ phiếu SKG thời điểm đó lao dốc mạnh, bức xúc của nhiều cổ đông nhỏ lẻ được đẩy lên cao khi một loạt lãnh đạo Công ty bán ra cổ phiếu với giải trình là do nhu cầu cá nhân. Đỉnh điểm là Kế toán trưởng SKG bị phạt hơn 535 triệu đồng do bán cổ phiếu trước khi công bố thông tin về truy thu thuế.

Những trường hợp trên khiến thị trường đặt dấu hỏi về sự minh bạch của lãnh đạo doanh nghiệp, những người nắm rõ thông tin hơn ai hết về doanh nghiệp.

Quy định về công bố thông tin của công ty đại chúng
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 71/2017/NĐ-CP hướng dẫn quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư