Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Trói chân, trói tay khi nhận DNNN yếu
Bảo Duy - 06/11/2013 10:26
 
Nếu không làm rõ các điều kiện, tiêu chí của hình thức chuyển giao doanh nghiệp nhà nước, cả doanh nghiệp chuyển giao và doanh nghiệp nhận chuyển giao đều khó xử. >>> Hình hài SBIC khác Vinashin thế nào? >>> Tái cơ cấu DNNN: Vẫn là hành chính hóa  

Theo thông tin mới nhất từ Ban quản lý Khu công nghiệp Hải Dương, kết quả cuối cùng liên quan đến đề nghị mua lại Khu công nghiệp Lai Vu (Hải Dương) giữa hai tập đoàn dệt may lớn của Hồng Kông là Pacific và Công ty TNHH Tinh Lợi (công ty con của Tập đoàn Crystal) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vẫn chưa có.

Khả năng phát tán mầm bệnh của doanh nghiệp chuyển giao rất lớn nếu doanh nghiệp quá yếu

Mặc dù đây được coi là giải pháp tốt nhất để làm sống lại 200 ha của khu công nghiệp đã từng đứng trên bờ vực phá sản vốn thuộc về Vinashin, cũng như là cách tốt để PVN thoái vốn khỏi Công ty TNHH một thành viên Khu công nghiệp Lai Vu sau khi nhận chuyển giao dự án này từ Vinashin, song dường như khoảng thời gian hơn 1 năm qua vẫn chưa đủ để các bên liên quan xử lý hoàn tất các vấn đề của mình.

Tuy vậy, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn về vấn đề này, cả đại diện phía PVN, cũng như phía Ban quản lý Khu công nghiệp Hải Dương đều cho biết, đang nỗ lực để giải quyết các vấn đề liên quan.

Cũng phải nói thêm, Khu công nghiệp Lai Vu chỉ là một trong số 7 công ty con, 23 công ty “cháu” và 5 dự án của Vinashin được chuyển giao cho PVN và Vinalines, nhằm tái cơ cấu Vinashin theo Quyết định 926/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Khi đó, nguyên tắc chuyển giao là nguyên trạng, trên cơ sở cùng ngành nghề, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các doanh nghiệp. Đặc biệt, các doanh nghiệp này sẽ thực hiện hạch toán riêng và xử lý riêng để tránh ảnh hưởng đến doanh nghiệp khác.

Tuy nhiên, trong nghiên cứu vừa được hoàn tất vào tháng 10/2013 của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về cơ chế bán, chuyển giao doanh nghiệp, dự án trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, khó khăn mà doanh nghiệp nhận chuyển giao doanh nghiệp nhà nước không hề nhỏ.

“Hầu hết doanh nghiệp chuyển giao mất cân đối nghiêm trọng về tài chính, khó khăn trong thực hiện các khoản phải thu, phải trả… Tại thời điểm chuyển giao, không ít doanh nghiệp có nhiều dự án dở dang, chậm tiến độ. Việc xác định giá trị các dự án dở dang gặp nhiều khó khăn”, bà Nguyễn Thị Luyến, Phó trưởng ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp (thuộc CIEM) phân tích.

Thậm chí, khi tìm hiểu các doanh nghiệp, dự án của Vinashin chuyển giao cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác, bà Luyến còn phát hiện nhiều khoản nợ từ các doanh nghiệp, dự án này khá lớn, nhưng hồ sơ chưa đầy đủ, thậm chí có dự án chưa có giấy chứng nhận đầu tư.

“Thực trạng này dẫn đến khó khăn trong việc thanh quyết toán, đặc biệt đối với các khoản chênh lệch dự toán và giá trị thực thanh, thực chi”, bà Luyến làm rõ những khó khăn trong hậu chuyển giao khi trao đổi về nghiên cứu đã được Tổ chức FNF (Đức) hỗ trợ trong khuôn khổ dự án FNF - CIEM.

Mọi việc sẽ trở nên vô cùng phức tạp nếu bên nhận chuyển giao bị động với hoạt động này, cũng như hàng loạt tồn tại mà doanh nghiệp chuyển giao mang tới. Hơn thế, ông Trần Tiến Cường, chuyên gia tư vấn độc lập, người đã tham gia xây dựng hầu hết văn bản liên quan đến doanh nghiệp nhà nước khi còn giữ vị trí Trưởng ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp (CIEM), còn lo ngại đến khả năng phát tán “mầm bệnh” của doanh nghiệp chuyển giao nếu doanh nghiệp này quá yếu kém.

“Hình thức chuyển giao chỉ nên hướng vào doanh nghiệp, dự án có ngành, lĩnh vực không thuộc ngành, lĩnh vực kinh doanh của tập đoàn, tổng công ty mà nó đang hoạt động nhưng phải là ngành, lĩnh vực có nhu cầu, có khả năng tiếp nhận của tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác”, ông Cường đề xuất và cho rằng, với các doanh nghiệp, dự án không thuộc danh mục quy định cần nắm giữ 100% vốn nhà nước thì tiến hành cổ phần hóa, chuyển nhượng cho các đối tượng khác, chứ không nên chuyển giao.

Với doanh nghiệp thực sự không có khả năng phục hồi, hoặc lâm vào tình trạng phá sản, ông Cường cho rằng, nên thực hiện giải thể hoặc phá sản theo đúng tinh thần của Quyết định 929/2012/QĐ - TTg phê duyệt Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế giai giai đoạn 2011-2015.

Một số đề xuất liên quan đến hình thức chuyển giao doanh nghiệp nhà nước:

Bổ sung hình thức chuyển giao doanh nghiệp nhà nước vào Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 109/2008/NĐ-CP về giao, bán doanh nghiệp 100% vốn nhà nước để tạo khung pháp lý cho hoạt động này.

Doanh nghiệp hoạt động trong những ngành, lĩnh vực kinh doanh chính hoặc có liên quan chặt chẽ tới ngành, lĩnh vực kinh doanh chính của công ty mẹ tập đoàn kinh tế, tổng công ty hay nhóm công ty tiếp nhận.

Không thuộc diện giải thể hoặc lâm vào tình trạng phá sản;

Thuộc diện chuyển giao trong Đề án đã được phê duyệt hoặc được Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Đối tượng nhận chuyển giao: là công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có ngành kinh doanh chính, hoặc phụ trợ phù hợp với ngành của doanh nghiệp được chuyển giao.

Nguồn: Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 109/2008/NĐ-CP về giao, bán, cho thuế doanh nghiệp nhà nước.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư