Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Trụ đỡ nông nghiệp suy yếu: Không thể xem thường
Nguyễn Đình Bích - 03/01/2014 08:52
 
Đối với nền kinh tế nước ta, nông nghiệp vẫn được coi là “trụ đỡ” trong điều kiện khó khăn, không chỉ bởi đây là khu vực kinh tế chiếm tỷ trọng lớn, mà còn do khu vực này hiện vẫn chiếm hơn 2/3 dân số cả nước. Thế nhưng, do phải đối mặt với khó khăn kép trong thời gian dài, nên vai trò bị suy yếu nghiêm trọng, không chỉ gây khó khăn cho quá trình khôi phục tăng trưởng kinh tế, mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định trên tất cả bình diện. >>> Nghị định về ưu đãi lớn khi đầu tư vào nông nghiệp >>> FDI nông nghiệp ngày càng teo tóp >>> Từ 10/2/2014: Ưu đãi lớn khi đầu tư vào nông nghiệp >>> Xuất khẩu cá tra: sân khách thì thắng, bỏ trắng sân nhà

Sự cộng hưởng của hai tác nhân

Số liệu thống kê vừa được công bố cho thấy kết quả khả quan của nền kinh tế năm 2013. Đó là, tính theo giá so sánh năm 2010, GDP năm 2013 đã tăng 5,42%, cao hơn hẳn so với năm 2012.

Trụ đỡ nông nghiệp suy yếu
Tăng đầu tư hiện đại hóa nông nghiệp là giải pháp giúp ngành này phát huy vai trò trụ đỡ đối với nền kinh tế. Ảnh: Hà Thanh

Thế nhưng, GDP của khu vực kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ tăng xấp xỉ năm 2012 (2,67% so với 2,68%), tức là khu vực này vẫn hoàn toàn “đứng ngoài” những nỗ lực “thoát đáy” của nền kinh tế.

Không những vậy, thay vì chiếm 20,08% trong năm 2011 và 19,67% trong năm 2012, tỷ trọng của khu vực kinh tế này trong “rổ GDP” năm 2013 đã giảm xuống, chỉ còn 18,39%. Đây là tỷ trọng thấp nhất từ trước đến nay.

Trong đó, ngành nông nghiệp là “thủ phạm chính”, khi tỷ trọng giảm mạnh từ 15,27% xuống 14,05%, còn ngành thủy sản chỉ giảm nhẹ và lâm nghiệp đã nhúc nhích tăng.

Cho dù các số liệu thống kê đã chứng tỏ điều ngược lại, nhưng vẫn có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, tình trạng này bắt nguồn từ việc giá nông sản đã liên tục “rơi tự do” trong suốt 2 năm qua.

Số liệu thống kê vừa công bố cho thấy, chỉ số chung của giá bán sản phẩm của người sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2013 đã tăng 2,76% so với năm 2012, trong đó giá bán các sản phẩm nông nghiệp tăng 4,11%, còn giá bán các sản phẩm lâm nghiệp chỉ giảm 3,03% và giá bán các sản phẩm thủy sản chỉ giảm 2,33%.

Thế nhưng, do giá bán các sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2012 đã “rơi tự do” 25,63% so với năm 2011, trong đó giá các sản phẩm nông nghiệp giảm 28,47%, giá các sản phẩm thủy sản giảm 15,99%, giá các sản phẩm lâm nghiệp giảm 1,15%.

Do vậy, cho dù đã nhích lên trong năm 2013, nhưng mức tăng này vẫn còn quá nhỏ so với mức giảm trong năm 2012, cho nên vẫn còn giảm quá mạnh so với năm 2011.

Cụ thể, so với năm 2011, giữ kỷ lục là giá các sản phẩm từ cây lâu năm vẫn còn “rơi tự do” 35,05%. Tiếp theo là giá các sản phẩm chăn nuôi giảm 30,67%, giá các sản phẩm từ cây hàng năm giảm 20,8%, giá thủy sản giảm 17,95%... Tính chung, giá hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 23,58%, giá các sản phẩm nông nghiệp giảm 25,54%... Trong đó, điều đặc biệt đáng lưu ý là, ngành trồng trọt hiện vẫn chiếm hơn một nửa “rổ giá trị sản xuất” của khu vực kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản chính là ngành bị sốt lạnh giá cả tác động mạnh nhất.

Tất cả những điều nói trên có nghĩa là, cho dù giá cả đã được cải thiện chút ít, nhưng hầu như những người sản xuất hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn do thời gian giảm giá đã kéo quá dài.

Thế nhưng, đó mới là một nửa của câu chuyện giá cả. Bởi lẽ, trong khi phải bán sản phẩm với giá quá “bèo”, thì người sản xuất hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản lại phải mua các sản phẩm công nghiệp và dịch vụ cần thiết với giá cao, dù bức tranh lạm phát năm 2013 cũng “đẹp” chưa từng có trong vòng 10 năm trở lại đây.

Các số liệu thống kê cho thấy, mặc dù giá tiêu dùng bình quân năm 2013 chỉ tăng 6,6%, mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, nhưng trong đó giá lương thực, thực phẩm chỉ tăng 1,79%, còn giá của tất cả các hàng hóa và dịch vụ còn lại đã tăng 9,27%, đặc biệt là giá thuốc và dịch vụ y tế tăng phi mã 45,63%, giá dịch vụ giáo dục tăng 14,17%...

Thực tế đó có nghĩa là, tỷ giá cánh kéo giữa hàng nông sản với hàng công nghiệp và dịch vụ đã doãng rất rộng, đẩy phần thiệt về phía những người bán hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản, còn những người bán hàng công nghiệp và dịch vụ thì được lợi “kép” về giá, do được bán đắt và mua rẻ.

Tác động kép

Trên không ít diễn đàn thời gian qua đã xuất hiện câu hỏi, tại sao trong khi các quốc gia trong khu vực cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng nền kinh tế của họ đã phục hồi, còn của chúng ta lại chậm như vậy.

Câu trả lời có thể là, nếu không kể các quốc gia đang ở trình độ phát triển thấp hơn, nền kinh tế của nước ta là nền kinh tế mà nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn hơn rất nhiều trong “rổ GDP”. Chẳng hạn, cao nhất là của Indonesia cũng chỉ chiếm 14,7%, hay của Philippines và Thái Lan chỉ chiếm 12,8% và 12,4%%, hoặc Malaysia chỉ còn chiếm 10,1%...

Không những vậy, trong số những quốc gia trên, chúng ta không chỉ là quốc gia đứng đầu với nhiều ngôi vị đáng nể nhất trong xuất khẩu hàng lương thực, thực phẩm, mà tỷ trọng của các hàng hóa này trong “rổ hàng xuất khẩu” rất lớn của nước ta cũng đứng đầu với tỷ lệ vượt trội tương tự như trên.

Trong điều kiện phụ thuộc rất lớn vào thị trường thế giới, việc giá hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản “rơi tự do” quá dài như nói ở trên có nghĩa là, sốt lạnh giá cả thế giới tác động vào nền kinh tế nước ta cũng vượt trội.

Điều đó có nghĩa là, việc GDP của khu vực kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm mạnh, sau đó, hầu như đứng yên trong 2 năm qua đương nhiên ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đến việc khôi phục nhịp độ tăng trưởng kinh tế nói chung.

Không những vậy, điều có lẽ còn quan trọng hơn rất nhiều chính là ở chỗ, trong điều kiện dân cư khu vực nông thôn hiện còn chiếm hơn 2/3 dân số cả nước, rõ ràng, việc giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2012 “co lại”, còn năm 2013 nếu không tiếp tục “co lại”, thì có nhiều khả năng cũng không tăng đáng kể, đồng nghĩa với việc thu nhập của bộ phận dân cư rất đông đảo này cũng “co lại” một cách tương ứng, hoặc vẫn chỉ “giậm chân tại chỗ”.

Điều này cũng có nghĩa là, sức mua của thị trường trong nước hiện vẫn còn rất yếu.

Các số liệu thống kê cho thấy, nhịp độ tăng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng từ 30,4% năm 2010 đã liên tục giảm rất mạnh xuống 24,2% năm 2011; 16% năm 2012 và 12,6% hiện nay. Không những vậy, ngay cả các con số này cũng chưa phản ánh đúng tình hình suy giảm sức mua, vì mức tăng giá tiêu dùng trong 2 năm 2012 và 2013 hầu như chỉ bằng một nửa những năm trước đó.

Nói cách khác, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trì trệ cộng với việc phải mua đắt đã làm cho sức mua của bộ phận dân cư vẫn còn chiếm hơn 2/3 dân số này của cả nước suy kiệt, nên công nghiệp và dịch vụ quá thiếu thị trường để phát triển.

Nếu nhìn rộng hơn, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trì trệ trong thời gian quá dài và tỷ giá cánh kéo giữa hàng nông sản với hàng công nghiệp và dịch vụ đã làm cho khoảng cách giàu nghèo giữa hai khu vực đô thị và nông thôn doãng rộng.

Nói tóm lại, suy thoái kinh tế thế giới kéo dài đã và đang “cấu kết” với những yếu kém bên trong làm suy yếu nền tảng phát triển bền vững của đất nước. Đây là điều chắc chắn không thể coi thường trong tiến trình phát triển những năm tới.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư