Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Trưa 14/8, bão Utor ảnh hưởng trực tiếp tới vịnh Bắc Bộ
- 13/08/2013 21:47
 
Từ trưa 14/8, bão Utor ảnh hưởng trực tiếp tới vịnh Bắc Bộ, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu các địa phương khẩn cấp kêu gọi tàu thuyền tránh trú. Từ đêm nay, các tàu du lịch không ngủ đêm trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh).

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn cho hay, chiều 13/8, tâm siêu bão Utor còn cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 300 km về phía đông đông bắc. Sức gió đạt tới gần 170km/h (cấp 14). Đêm nay và ngày mai, bão di chuyển theo hướng giữa tây tây bắc và tây bắc và vẫn còn khả năng mạnh thêm trước khi đổ bộ vào phía đông đảo Lôi Châu (Trung Quốc) vào chiều tối mai.

utor-1-1376398032_500x0.jpg
Vị trí và đường đi dự báo của bão Utor chiều 13/8.

Với hướng di chuyển của bão, từ trưa đến chiều 14/8, giông tố đã tràn vào khu đông bắc. Ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng hứng chịu cấp gió nguy hiểm.

Phát biểu tại cuộc họp khẩn Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương chiều 13/8, Phó giám đốc trung tâm khí tượng trung ương Lê Thanh Hải cho biết, cơn bão có thể có diễn biến mới sau khi đổ bộ vào đất liền theo hướng áp sát xuống biên giới phía bắc Việt Nam từ chiều 15/8. Sau khi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới hoặc vùng thấp, hoàn lưu bão sẽ gây mưa lớn cho 4 tỉnh đông bắc là Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Cao Bằng. Vùng mưa sau đó phát triển rộng ra vùng núi phía bắc với lượng 200-300mm. Riêng vùng đồng bằng và trung du chỉ mưa 50-100mm.

“Từ đêm 14/8, vùng đông bắc và vùng núi phía Bắc có mưa. Đợt mưa có thể kéo dài liên tục tới ngày 18/8”, ông Hải cho hay. Cũng theo ông, đợt mưa do bão Utor sẽ không dữ dội như cơn bão Mangkhut do không có sự “giúp sức” của đới gió đông nam. Khu vực Hà Nội vì thế chỉ mưa dưới 100mm, ít khả năng ngập úng.

utor-2-1376398032_500x0.jpg
Nhận định của cơ quan khí tượng Hải quân Mỹ về khả năng vùng thấp hình thành sau bão
áp sát biên giới phía Bắc, gây mưa lớn.

Trước diễn biến mới về hướng đi của cơn bão, đặc biệt sau khi bão đổ bộ, với xác suất trên 60% vùng thấp di chuyển về hướng Cao Bằng - Hà Giang, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu các địa phương đề phòng mưa lớn cục bộ cao hơn 300mm.

Ngoài ra, từ trưa mai, vịnh Bắc Bộ sẽ có gió mạnh nguy hiểm cấp 6 (trên 40km/h) bao trùm, riêng phía bắc vịnh lên tới cấp 9 (gần 90km/h), Bộ trưởng Nông nghiệp đề nghị các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định tập trung kêu gọi tàu thuyền trên vịnh vào nơi trú tránh.

“Từ đêm nay các tàu du lịch ở Quảng Ninh không ngủ đêm trên vịnh Hạ Long, tránh dông lốc cục bộ xuất hiện từ vùng đĩa mây của bão”, ông Phát yêu cầu và cho biết thêm, sau cuộc hop khẩn, đích thân ông sẽ gọi điện cho lãnh đạo các địa phương vùng đông bắc đề nghị chuẩn bị các phương án ứng phó.

Trong khi đó, theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo, hiện các hồ nước ở phía bắc đã tích đầy 80-90% dung tích, trong đó có 9 hồ đã đầy và tràn nước. Các địa phương cũng cho hay, tàu ở vịnh Bắc Bộ đang di chuyển xa khỏi vùng ảnh hưởng của bão. Riêng 3 tàu còn hoạt động ở Hoàng Sa thì di chuyển ngược về hướng đi của bão để tránh.

Tính từ đầu năm, Utor là cơn bão thứ 7 hoạt động trên Biển Đông và là cơn bão thứ 3 trong tháng 8 (chưa kể một áp thấp nhiệt đới). Đây cũng là cơn bão mạnh nhất từ đầu năm.

Nguyễn Hưng

Hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng
Theo ông Nguyễn Đức Hòa, Phó trưởng phòng Dự báo khí tượng hạn vừa - hạn dài (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương), các địa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư