Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 01 năm 2025,
Trung Quốc bơm thêm 1.000 tỷ nhân dân tệ nhằm hỗ trợ nền kinh tế
Tư Thuần - 25/08/2022 16:00
 
Chính quyền Trung Quốc vừa công bố thêm các biện pháp hỗ trợ kinh tế mới với quy mô lên tới 1.000 tỷ nhân dân tệ (146 tỷ USD).

Quốc vụ viện Trung Quốc vừa công bố chính sách với 19 điểm chính vào ngày 24/8, trong đó có việc bổ sung 300 tỷ nhân dân tệ mà các ngân hàng nhà nước có thể sử dụng để đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng. Trước đó, vào cuối tháng 6/2022, một khoản 300 tỷ khác cũng đã được bơm vào các nhà băng với mục tiêu tương tự.

Bên cạnh đó, các địa phương được bổ sung nguồn vốn 500 tỷ nhân dân tệ với các trái phiếu đặc biệt; 200 tỷ nhân dân tệ trái phiếu dành cho các công ty năng lượng nhà nước; 10 tỷ nhân dân tệ dành cho lĩnh vực nông nghiệp.

Quốc vụ viện đồng thời cam kết tiếp tục hạ thấp chi phí sản xuất - kinh doanh, thực hiện thêm các biện pháp hỗ trợ kinh tế tư nhân và các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Cơ quan thông tấn chính thức của Trung Quốc đưa tin cho biết, Quốc vụ viện cam kết sẽ sử dụng các công cụ có thể để duy trì sự ổn định của các điều kiện kinh tế. Đồng thời, nền kinh tế sẽ không ngập trong các chính sách nới lỏng tiền tệ quá đà và không có gì thay đổi trong việc thực thi các chiến lược dài hạn.

Chính sách phòng chống dịch Covid-19 kéo dài cùng với việc thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng đã tác động nặng nề tới tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Năm 2022, quốc gia này đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5,5%, nhưng tới nay được xem là “ngoài tầm với”. Khảo sát của Bloomberg với các chuyên gia kinh tế cho thấy, GDP Trung Quốc nhiều khả năng tăng trưởng dưới 4% trong năm 2022.

Goldman Sachs Group Inc nhận định, các biện pháp hỗ trợ mới vẫn chưa đủ sức để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

“Động thái mới nhất có thể chặn đà giảm mạnh của nguồn thu ngân sách, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng ở mức độ nào đó. Nhưng nhìn chung tăng trưởng vẫn trì trệ bởi thiếu vắng các biện pháp hỗ trợ mạnh, thị trường bất động sản suy yếu và các đứt gãy sản xuất -kinh doanh xuất phát từ chính sách zero Covid”, Maggie Wei, nhà kinh tế tại Goldman Sachs cho biết.

Trung Quốc chi 35 tỷ USD mua dầu mỏ Nga kể từ khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine
Trung Quốc tiếp tục gia tăng mua các nguồn năng lượng từ Nga, trong khi nhiều quốc gia khác giảm sản lượng mua hàng vì các lệnh cấm vận khi nổ ra...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư