Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Trung Quốc ra sức gỡ khó cho bất động sản
Đông Phong - 17/10/2024 15:52
 
Trung Quốc sẽ mở rộng "danh sách trắng" hỗ trợ các dự án bất động sản và đẩy nhanh giải ngân cho các dự án dang dở lên 4.000 tỷ nhân dân tệ (561,8 tỷ USD) vào cuối năm nay.
Trung Quốc sẽ tăng tốc giải ngân các khoản vay cho các Dự án nhà ở dang dở. Ảnh: AFP
Trung Quốc sẽ tăng tốc giải ngân các khoản vay cho các dự án nhà ở dang dở. Ảnh: AFP

Ông Ni Hong, Bộ trưởng Bộ Nhà ở và Kiến thiết thành thị - nông thôn Trung Quốc, đã khẳng định như vậy tại cuộc họp báo ngày 17/10, cùng với các quan chức từ Ngân hàng Trung ương, Bộ Tài chính, và Cơ quan Quản lý Tài chính Quốc gia (NFRA).

Khoản vay tổng cộng 2.230 tỷ nhân dân tệ đã được phê duyệt cho các nhà phát triển bất động sản có tên trong "danh sách trắng". Con số đó sẽ tăng gần gấp đôi lên 4.000 tỷ nhân dân tệ vào cuối năm nay, đài CNBC dẫn lời một quan chức cấp cao của Cơ quan Quản lý Tài chính Quốc gia Trung Quốc cho hay.

Được công bố vào tháng 1 năm nay, sáng kiến ​"danh sách trắng" của Trung Quốc cho phép chính quyền các thành phố đề xuất các dự án nhà ở với các ngân hàng để giải ngân cho vay nhanh hơn. Mục đích là để đảm bảo hoàn thành các dự án nhà ở dang dở để cuối cùng có thể bàn giao cho người mua.

Ông Xiao Yuanqi, Phó giám đốc Cơ quan Quản lý Tài chính Quốc gia thông báo hôm 17/10 rằng hiện nay tất cả các dự án nhà ở thương mại đều đủ điều kiện đưa vào danh sách trắng. Do đó, số lượng các dự án bất động sản có tên trong danh sách trắng sẽ tăng lên.

Ông Xiao Yuanqi cũng lưu ý rằng các ngân hàng nên giải ngân cho vay "càng sớm càng tốt" và họ có thể giải ngân toàn bộ các khoản vay cho các nhà phát triển bất động sản thay vì chia thành nhiều đợt.

Thông tin được đề cập tại cuộc họp báo ngày 17/10 phản ánh những chuyện động chính sách mới nhất của chính quyền Trung Quốc nhăm hỗ trợ ngành bất động sản đang suy thoái kéo dài. Nó cũng nằm trong một loạt các thông báo chính sách cấp cao của chính quyền nước này nhằm củng cố nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Cuối tháng 9, ông Pan Gongsheng, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã tuyên bố giảm 50 điểm cơ bản đối với tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của các ngân hàng, đồng thời hạ mức thanh toán ban đầu tối thiểu cho các khoản vay mua căn nhà thứ hai trên toàn quốc từ 25% xuống 15%.

Vài ngày sau, các quan chức tham dự một cuộc họp cấp cao do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì đã cam kết "ngăn chặn sự suy giảm của thị trường bất động sản và thúc đẩy sự phục hồi ổn định".

Một số nhà đầu tư coi các động thái gần đây là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh cuối cùng đã sẵn sàng thực hiện các biện pháp quyết liệt để kích thích tăng trưởng. Họ cũng kỳ vọng Trung Quốc sẽ có thêm các biện pháp kích thích từ sau cuộc họp báo lần này.

Cuối tuần trước, các quan chức Bộ Tài chính thông báo rằng họ sẽ cho phép các chính quyền địa phương phát hành thêm trái phiếu đặc biệt để mua đất và cho phép trợ cấp nhà ở giá rẻ trong tồn kho nhà ở hiện có, thay vì chỉ hỗ trợ nhà xây mới.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc trích dẫn từ thông tin từ Bộ Nhà ở và Kiến thiết thành thị - nông thôn cho hay, hơn 50 thành phố của nước này đã đưa ra các chính sách thúc đẩy thị trường bất động sản.

Trước kỳ nghỉ Tuần lễ vàng (từ ngày 1-7/10), thành phố Quảng Châu đã tuyên bố dỡ bỏ mọi quy định hạn chế đối với việc mua nhà. Trong khi đó, chính quyền Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến cũng có động thái nới lỏng các hạn chế mua nhà đối với khách mua không phải là người địa phương và hạ tỷ lệ thanh toán tối thiểu.

Hàng loạt biện pháp được đưa ra sau khi các biện pháp trước đó của Trung Quốc không mang lại nhiều tác động phục hồi.

Theo dữ liệu của Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc, giá nhà mới trong tháng 8 tại nước này đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn 9 năm qua. Còn Goldman Sachs cho biết giá nhà trung bình tại Trung Quốc trong tháng 8 đã giảm 6,8% so với tháng 7, theo cơ sở điều chỉnh theo mùa.

Bất động sản - lĩnh vực từng đóng góp hơn 1/4 sản lượng kinh tế Trung Quốc - đã rơi vào suy thoái kể từ năm 2021 sau khi Bắc Kinh "nắn gân" các nhà phát triển bất động sản lạm dụng đòn bẩy tài chính. Hệ quả là nhiều công ty bất động sản Trung Quốc rơi vào cảnh vỡ nợ và bỏ dở nhiều dự án nhà ở, ảnh hưởng xấu đến niềm tin của người mua nhà.

Khủng hoảng bất động sản Trung Quốc lan sang ngân hàng
Suy thoái bất động sản kéo dài của Trung Quốc đang làm xói mòn bảng cân đối kế toán của các ngân hàng nhà nước lớn nhất nước này khi các...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư