Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Trung Quốc triệu tập 11 công ty dịch vụ gọi xe có "hành vi bất hợp pháp"
Lê Quân - 04/09/2021 08:17
 
Các cơ quan chức năng Trung Quốc đã đồng loạt triệu tập và truy vấn 11 công ty dịch vụ gọi xe, đồng thời yêu cầu họ chấn chỉnh hành vi không tuân thủ quy định.
Didi nằm trong danh sách 11 công ty dịch vụ gọi xe vừa bị các cơ quan chức năng Trung Quốc triệu tập. Ảnh: Reuters
Didi nằm trong danh sách 11 công ty dịch vụ gọi xe vừa bị các cơ quan chức năng Trung Quốc triệu tập. Ảnh: Reuters

Bộ Giao thông Vận tải cùng với một số cơ quan quản lý khác của Trung Quốc, trong đó có Cơ quan quản lý không gian mạng và Cơ quan giám sát thị trường nhà nước, đã cùng truy vấn 11 công ty dịch vụ gọi xe đang hoạt động tại nước này, đáng chú ý là 3 tên tuổi lớn: Didi, T3, và Meituan.

Các cơ quan chức năng Trung Quốc cáo buộc 11 công ty dịch vụ gọi xe trên đang tuyển dụng tài xế và phương tiện chưa được phê duyệt. "Các nền tảng này phải tự xem xét các vấn đề của mình, chấn chỉnh hành vi bất hợp pháp, bảo đảm trật tự thị trường cạnh tranh công bằng và xây dựng một môi trường phù hợp để phát triển lành mạnh ngành dịch vụ gọi xe", Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc yêu cầu.

Theo Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc, những công ty dịch vụ gọi xe được các cơ quan chức năng truy vấn đã khẳng định rằng họ sẽ tìm cách khắc phục mọi vấn đề và ngừng chấp nhận đăng ký của các tài xế chưa hợp lệ.

Didi trước đó đã bị "nắn gân" bằng một cuộc điều tra an ninh mạng diễn ra vài ngày sau khi "siêu ứng dụng" này niêm yết thành công tại Mỹ và huy động được 4,4 tỷ USD vào cuối tháng 6.

Nền tảng gọi xe Didi chiếm khoảng 90% thị phần ở Trung Quốc, đã buộc phải ngừng đăng ký người dùng mới vào tháng 7 theo yêu cầu của Bắc Kinh.

Nhiều đối thủ của Didi bị cơ quan chức năng Trung Quốc triệu tập lần này, cũng đã cố gắng lôi kéo người dùng bằng các chương trình giảm giá hấp dẫn.

Theo đài CNBC, các cơ quan chức năng Trung Quốc yêu cầu tất cả các nền tảng dịch vụ gọi xe phải đảm bảo rằng họ có các phê duyệt cần thiết đối với ô tô được sử dụng và người điều khiển phương tiện.

Ngoài ra, các nền tảng gọi xe này không được "câu kéo" tài xế thông qua các chương trình khuyến mãi giả mạo hoặc đẩy bất kỳ rủi ro kinh doanh nào cho lái xe.

Giới chức Trung Quốc cũng yêu cầu, các lái xe cần có đủ thời gian nghỉ ngơi và các công ty dịch vụ gọi xe cần giảm phí hoa hồng mà họ khấu trừ từ mỗi chuyến đi.

Trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thúc đẩy ý tưởng về "sự thịnh vượng chung", quyền lợi của người lao động, đặc biệt là những lao động trong ngành công nghệ và nền kinh tế linh hoạt, bán thời gian ("gig economy") đã được giám sát chặt chẽ hơn. Theo Reuters, Didi và "gã khổng lồ" thương mại điện tử Trung Quốc JD.com đã có một động thái hiếm thấy là thành lập tổ chức công đoàn cho người lao động của họ.

Mặt khác, Bắc Kinh cũng đã tập trung nhiều vào việc bảo vệ dữ liệu trong vài tháng qua. Nhiều cơ quan chức năng của Trung Quốc khuyến cáo những công ty hoạt động trong lĩnh vực số và dữ liệu cần bảo vệ dữ liệu của người dùng. Năm nay, Trung Quốc đã thông qua hai luật lớn liên quan đến bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư mà buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ.

Trung Quốc muốn thắt chặt quản lý các ứng dụng gọi xe
Sự phát triển của Uber hay Didi Kuaidi - những dịch vụ gọi taxi qua điện thoại thông minh đang được chính quyền Trung Quốc đánh giá là có nhiều...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư