Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia sẽ có cơ chế đặc thù vượt trội, đi vào hoạt động cuối năm nay
Kỳ Thành - 27/06/2019 14:19
 
Các bước chuẩn bị cho việc thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia đang được triển khai quyết liệt, dự kiến đưa Trung tâm này đi vào hoạt động từ cuối năm 2019. Trung tâm này sẽ có cơ chế ưu đãi và thể chế vượt trội.

Trao đổi với các phóng viên tại cuộc họp báo thường kỳ quý II/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sáng 27/6, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp cho biết, đề án thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia đã được trình lên Thủ tướng Chính phủ và các hoạt động khác đang được xúc tiến nhằm đưa Trung tâm đi vào hoạt động từ cuối năm nay.

Đồng thời, Bộ cũng đã trình dự thảo Nghị quyết của Chính phủ ban hành cơ chế ưu đãi và thể chế vượt trội đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện tại, ở Việt Nam các cơ sở hỗ trợ doanh nghiệp, các khu làm việc chung hiện tại quy mô đang còn manh mún, chưa đồng bộ, thể chế chưa thuận lợi. Để giải quyết vấn đề, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia ra đời sẽ có quy mô lớn, phát huy đầy đủ vai trò bệ đỡ cũng như kết nối.

"Về thể chế, chúng tôi dự kiến sẽ báo cáo Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù vượt trội đối với Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia", báo cáo nêu rõ.

Ngày 9/6/2019, SK Group - Tập đoàn lớn thứ 3 của Hàn Quốc đã công bố kế hoạch tài trợ 30 triệu USD hỗ trợ dự án xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC).

Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp Nguyễn Hoa Cương (Ảnh: Đức Thanh)
Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp Nguyễn Hoa Cương cho biết Bộ và các bên liên quan đang xúc tiến nhằm đưa Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đi vào hoạt động từ cuối năm nay (Ảnh: Đức Thanh)

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ, sáng tạo. Chính phủ Việt Nam đặc biệt coi trọng việc tạo điều kiện, tạo một hệ sinh thái, môi trường tốt để cộng đồng doanh nghiệp công nghệ phát triển. Trước mắt cần quy tụ ngay các chuyên gia công nghệ, các nhà khoa học các nước công nghiệp phát triển, đang làm việc ở các tập đoàn, cơ sở nghiên cứu trên thế giới, đó là mạng lưới đổi mới sáng tạo.

Trao đổi về Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam, ông Cương cho biết, mạng lưới này tập hợp các nhân tài, tri thức trẻ Việt Nam trên thế giới, trong đó có nhiều chuyên gia làm việc tại các tập đoàn lớn trên thế giới.

Sau thành công của chương trình năm 2019, năm nay, mạng lưới sẽ có một số hoạt động thêm, xem xét mở rộng mạng lưới này. Mặt khác sẽ mở rộng thêm một số chương trình học bổng, cử nhân tài trong nươcs đi đào tạo ngắn hạn, trung hạn ở các trường đại học hàng đầu thế giới.

Thứ hai, mạng lưới sáng tạo này sẽ tham gia hoạt động thường kỳ ở Việt Nam như đào tạo, tổ chức talk show, các buổi thông tin tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia được thành lập tới đây, hay các trường đại học, nhằm chia sẻ kinh nghiệm, câu chuyện tạo nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ.

Thứ ba, sẽ cố gắng tổ chức hoạt động kết nối giữa các thành viên với tất cả các tổ chức liên quan khác trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Trong hệ sinh thái có rất nhiều tổ chức liên quan, chúng ta không thể chỉ chú trọng 1 yếu tố mà phải liên kết các yếu tố này với nhau.

Hiện nay, Bộ đang tích cực nghiên cứu, xây dựng Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam (trong Chiến lược này có bao gồm nội dung “Giải pháp phát triển nguồn nhân lực quốc gia đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0” ).

Bên cạnh đó, Bộ cũng đã hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ; phối hợp tổ chức thành công Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam 2019 (Vietnam Venture Summit 2019) nhằm thu hút các nhà đầu tư, quảng bá Việt Nam là điểm đến tiềm năng của đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, kết nối giữa các quỹ đầu tư của nước ngoài với cộng đồng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trong đó, kết nối chặt chẽ hơn Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và thúc đẩy các chính sách trao đổi, hợp tác giữa Chính phủ với các quỹ đầu tư trong tư vấn, tham mưu để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam trên các khía cạnh: đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu triển khai ứng dụng công nghệ...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, sự góp mặt các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đổi mới sáng tạo toàn cầu sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp start-up (đặc biệt về công nghệ) hiện thực hoá các ý tưởng có tính khả thi cao. Việc kết nối các quỹ đầu tư (hỗ trợ chủ yếu là doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ) là một trong những việc cụ thể, hiện thực hoá chủ trương Đảng và Nhà nước trong việc đổi mới nền kinh tế, mô hình tăng trưởng, theo hướng nâng cao chất lượng đầu tư.  Các cơ quan quản lý của Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các chính sách khuyến khích, cải cách thể chế về đầu tư mạo hiểm để các dòng vốn đầu tư mạo hiểm có thể tìm đến các startup một cách thuận lợi nhất.

Hơn nữa, trên thế giới đang xuất hiện một làn sóng đầu tư kiểu mới, đó là đầu tư mạo hiểm hướng tới các doanh nghiệp công nghệ, nhất là ở các thị trường có nhiều tiềm năng, cơ hội tăng trưởng. Tận dụng xu thế này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động tiếp xúc, trao đổi với các quỹ đầu tư quốc tế, đối thoại với họ để thu hút đầu tư vào Việt Nam. Nhìn chung cộng đồng các quỹ đầu tư quốc tế rất quan tâm đến thị trường đổi mới sáng tạo và ủng hộ kết nối với các trung tâm, các start-up của Việt Nam để cùng phát triển.

Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam: Kết nối, khơi thông nguồn lực cho đổi mới, sáng tạo
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (Vietnam Venture Summit) 2019...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư