Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Vốn cho đổi mới sáng tạo đã xếp hàng, cần cơ chế để chảy nhanh, chảy đúng chỗ
Kỳ Thành - 13/06/2019 09:00
 
Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Giám đốc Ban quản lý dự án Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu (VCIC) cho rằng, sự hấp dẫn của thị trường đầu tư cho đổi mới sáng tại Việt Nam không chỉ là cơ hội của Việt Nam, của giới start-up, mà còn là cơ hội của các nhà đầu tư thế giới. Tuy nhiên, cơ chế chính sách phải được hoàn thiện nhanh hơn.
.
Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Giám đốc Ban quản lý dự án Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu (VCIC)

Golden Gate Venture đại diện cho các quỹ đầu tư vừa có cam kết sẽ đầu tư 10.000 tỷ đồng cho start-up Việt trong 3 năm tới. Ông nhìn nhận thế nào về việc này?

Theo tôi, đó là động thái cho thấy các dòng vốn đầu tư đang có kỳ vọng cao về hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam - thị trường hấp dẫn để đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo. Điều này cũng có nghĩa, những nỗ lực xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của chúng ta trong những năm qua đã bắt đầu hái quả.

Những năm gần đây, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia phát triển mạnh trong lĩnh vực đổi mới khoa học và công nghệ. Từ đó, xuất hiện ngày càng nhiều ý tưởng đổi mới sáng tạo và có tính ứng dụng cao trong thực tiễn, đặc biệt trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu. Các start-up Việt cũng phát triển mạnh hơn, tốt hơn rất nhiều và có khả năng cạnh tranh với các start-up trên thế giới.

Cùng với ưu thế cạnh tranh về nguồn nhân lực dồi dào, Việt Nam sẽ là quốc gia phát triển mạnh trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, qua đó thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần... đến từ nhiều quốc gia khác nhau.

Đây không chỉ là cơ hội của Việt Nam, của các start-up Việt, mà còn là cơ hội cho chính các nhà đầu tư nước ngoài.

Đứng ở góc độ là lãnh đạo một đơn vị xây dựng chính sách cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ông có thấy đủ cơ sở để số vốn này giải ngân được thuận lợi và còn có thể thu hút thêm nhiều vốn hơn cho start-up Việt không?

Thực tế còn nhiều việc phải làm ở góc độ chính sách để dòng vốn đang xếp hạng chảy nhanh, chảy đúng chỗ.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 quy định chi tiết về việc đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, tuy nhiên các quy định về các quỹ đầu tư mạo hiểm lại chưa được hoàn thiện.

Chính sách về thuế, tài chính cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm cũng chưa có quy định cụ thể.

Tôi cho rằng, đầu tư vào đổi mới sáng tạo có tính rủi ro rất cao, nên các chính sách ưu đãi về thuế là hết sức cần thiết.

Bên cạnh đó, cũng phải tính tới cơ chế thuận lợi, thậm chí là đặc thù để các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo có thể tiếp cận được các ưu đãi, đồng thời khuyến khích các nhà đầu tư góp vốn đầu tư vào các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Các cơ chế này cần sớm được xây dựng và ban hành chính thức.

Nhưng đó là về phía cơ chế, chính sách. Còn các start-up của Việt Nam thì sao, thưa ông?

Nguyên tắc đơn giản, nhưng quan trọng trong gọi vốn thành công, đó là start-up cần chủ động tiếp cận, chuẩn bị dự án thật tốt. Ngoài ý tưởng tốt ra, thì các kiến thức quản trị, vận hành, triển khai cũng cần phải chú trọng, để tạo cảm giác an tâm cho nhà đầu tư.

Đây cũng vẫn là vấn đề mà các start-up Việt phải thực sự quan tâm và có sự đầu tư thích đáng.

Ông đánh giá thế nào về việc thành lập Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam? Quỹ này nên hoạt động thế nào để đảm bảo cả về hiệu quả, cả ở vế thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp lẫn hiệu quả đầu tư?

Việt Nam đang tích cực xây dựng Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhằm đưa nền kinh tế bứt tốc, phát triển nhanh, thu hẹp khoảng cách với các nước, vượt qua bẫy thu nhập trung bình và nhanh chóng trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao. Chính phủ cũng đã xác định khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chính là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam trong giai đoạn tới. Và để thực hiện được chiến lược này, chúng ta cần có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Muốn tạo được hệ sinh thái, phải dựa trên các yếu tố cốt lõi về thể chế, vốn, hạ tầng và nguồn nhân lực. Đó cũng là lý do cần thiết lập Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam, xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và tổ chức các diễn đàn kết nối. Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam là một nội dung trong hệ sinh thái này.

Với kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng, việc thành lập Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam không chỉ với mục tiêu hỗ trợ về nguồn vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Hoạt động của Quỹ sẽ gồm cả phần giới thiệu về tiềm năng, lợi thế, môi trường đầu tư Việt Nam, qua đó để các quỹ đầu tư có thể đổ vốn vào Việt Nam thông qua nhiều hình thức khác nhau, như M&A, qua các quỹ đầu tư khác, thậm chí là cả qua đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Ngoài ra, Quỹ cần khuyến khích các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các tập đoàn lớn hưởng ứng, tham gia, trở thành đầu tàu dẫn dắt, lan tỏa, tham gia khơi thông, tăng cường nguồn lực cho đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Một điểm rất quan trọng trong hoạt động của Quỹ là chức năng xây dựng và phản hồi chính sách trong quá trình vận hành.

Nữ start-up Việt gọi thành công 7 triệu USD từ Google
Thông tin từ ELSA, start-up ứng dụng học nói tiếng Anh do nữ doanh nhân người Việt Văn Đinh Hồng Vũ sáng lập vừa chính thức gọi vốn thành công...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư