Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Trung ương họp bất thường, khai trừ ra khỏi Đảng ông Nguyễn Thanh Long và ông Chu Ngọc Anh
P.V - 06/06/2022 18:50
 
Tại kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương chiều 6/6, Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng đối với 2 ủy viên Trung ương đương nhiệm.

Đó là ông Nguyễn Thanh Long (Bộ trưởng Y tế) và ông Chu Ngọc Anh (Chủ tịch Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN).

Cụ thể, ngày 06/6/2022, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã họp bất thường để xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Chu Ngọc Anh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và đồng chí Nguyễn Thanh Long, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế.

Sau khi xem xét đề nghị của Bộ Chính trị, căn cứ nội dung, tính chất, mức độ hậu quả, nguyên nhân vi phạm; theo quy định của Đảng về kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thi hành Khai trừ ra khỏi Đảng đồng chí Chu Ngọc Anh và đồng chí Nguyễn Thanh Long.

Yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính theo đúng quy định đối với cá nhân đã bị kỷ luật đảng.

Trước đó, ngày 4/6, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật ông Chu Ngọc Anh (Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ) và ông Nguyễn Thanh Long (Bộ trưởng Y tế).

Bộ Chính trị, Ban Bí thư kết luận ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định trách nhiệm nêu gương.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư kết luận ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định trách nhiệm nêu gương.

Vi phạm của 2 vị này đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách Nhà nước; ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19; gây bức xúc trong xã hội; ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế.

Trước đó, xem xét, kết luận sai phạm của nhiều lãnh đạo trong vụ Việt Á tại kỳ họp thứ 13, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra. Việc này khiến một số lãnh đạo bộ và đơn vị vi phạm trong phê duyệt, giao tổ chức thực hiện, ký hợp đồng, đánh giá, nghiệm thu, chuyển giao, quản lý, kiểm tra, giám sát, thanh quyết toán kinh phí thực hiện Đề tài khoa học nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 của Học viện Quân y.

Tập thể này cũng thiếu trách nhiệm trong truyền thông, xác nhận và đề nghị khen thưởng đối với Học viện Quân y, Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và một số cá nhân.

Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Y tế được xác định thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, để một số lãnh đạo bộ và đơn vị vi phạm trong đánh giá chuyên môn, kiểm tra, giám sát; cấp phép, cấp số đăng ký lưu hành; hiệp thương giá và mua sắm bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á.

Với sai phạm của cá nhân, Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra trách nhiệm của ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ; ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Y tế; ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế và một số lãnh đạo, cán bộ Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế.

Những lãnh đạo này phải cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm nêu trên, đồng thời chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Ông Chu Ngọc Anh sinh năm 1965, quê ở huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội, là ủy viên Trung ương 3 khóa (dự khuyết khóa XI và chính thức khóa XII, XIII).

Từ một nghiên cứu sinh, giảng viên tại Viện Vật lý kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội, ông Chu Ngọc Anh trở thành Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ vào năm 2010. Đến đầu năm 2011, ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

Từ đầu năm 2013 đến tháng 9/2015, ông giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, sau đó được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ.

Tháng 9/2020, Bộ Chính trị điều động ông Chu Ngọc Anh làm Phó bí thư Thành ủy Hà Nội, sau đó ông được bài giữ chức Chủ tịch UBND thành phố và giữ cương vị này cho đến nay.

Ông Nguyễn Thanh Long sinh năm 1966, quê ở huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Ông hiện là Ủy viên Trung ương khóa XIII và đại biểu Quốc hội khóa XV.

Xuất phát điểm là một sinh viên trường Đại học Y Thái Bình, ông Long dần kinh qua và nắm giữ nhiều cương vị trong Bộ Y tế.

Trở thành Thứ trưởng Bộ Y tế vào năm 2011, ông Long có 7 năm giữ cương vị này, trước khi được điều động giữ chức Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương vào tháng 10/2018.

Đầu năm 2020, đúng giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Long quay trở lại giữ chức Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế. Sau đó, đến tháng 7/2020, ông chính thức được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Y tế và đảm nhận cương vị này đến nay.

Việt Á là ai, tại sao lại có quyền lực chi phối lớn đến như vậy?
Trước diễn đàn Quốc hội, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) nói rằng, cần làm rõ Công ty Việt Á là ai, tại sao họ lại có quyền lực chi phối...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư