Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 13 tháng 08 năm 2024,
Trường đại học Giao thông Vận tải TP.HCM: Sai sót trong 2 dự án đầu tư
Bảo Như - 13/08/2024 14:33
 
Đã xuất hiện những sai sót trong công tác quản lý đầu tư đối với Dự án Xây dựng ký túc xá tại TP.HCM và Dự án Xây dựng cơ sở đào tạo tại Đồng Nai do Trường đại học Giao thông Vận tải TP.HCM thực hiện.
Trụ sở chính của Trường đại học Giao thông Vận tải TP.HCM
Trụ sở chính của Trường đại học Giao thông Vận tải TP.HCM.

“Trái đắng” Dự án BOT ký túc xá

Thanh tra Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa ban hành Kết luận số 868/KL-TTr về việc thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Trường đại học Giao thông Vận tải TP.HCM (UTH).

Là đơn vị giáo dục công lập trực thuộc Bộ GTVT, chịu sự quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đào tạo đại học, sau đại học, UTH hiện là trường đại học đa ngành thuộc lĩnh vực GTVT lớn nhất khu vực phía Nam. Ngoài trụ sở chính tại số 2 - đường Võ Oanh (phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM), UTH còn có 4 cơ sở khác tại TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai.

Thanh tra Bộ GTVT cho biết, từ ngày 2/1/2024 đến ngày 31/1/2024, Đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra tại UTH, các đơn vị trực thuộc, các đơn vị liên quan và ban hành kết luận thanh tra vào đầu tháng 8/2024.

Nếu như hoạt động chuyên môn của UTH được đánh giá là khá bài bản, thì công tác quản lý đầu tư của Hội đồng trường và Ban lãnh đạo nhà trường lại xuất hiện nhiều hạn chế, sai sót, đặc biệt là tại Dự án Đầu tư xây dựng ký túc xá UTH theo hình thức BOT (Dự án BOT ký túc xá) và Dự án Xây dựng cơ sở đào tạo tại Đồng Nai - giai đoạn I (Dự án Đồng Nai).

Theo Thanh tra Bộ GTVT, Dự án BOT Ký túc xá là tiểu dự án nằm trong Dự án Mở rộng UTH được Bộ GTVT phê duyệt dự án đầu tư vào năm 2010, dự kiến đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Tháng 8/2011, tiểu dự án này được thay đổi nguồn vốn sang sử dụng vốn ngân sách nhà nước (NSNN) và nguồn thu hợp pháp của chủ đầu tư.

Tháng 3/2013, tiểu dự án ký túc xá được tách thành một dự án độc lập để triển khai theo hình thức hợp đồng BOT có quy mô đầu tư đáp ứng nơi lưu trú cho 900 sinh viên; diện tích xây dựng 682 m2; tầng cao 5-8 tầng; diện tích sàn sử dụng là 5.363 m2.

Với vai trò là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tháng 5/2015, UTH đã ký Hợp đồng Dự án BOT Ký túc xá với nhà đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Vinaconex - PVC (nay là Công ty cổ phần Vinaconex 39); doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH BOT GTVT Sài Gòn.

Theo đó, tổng vốn đầu tư Dự án là 56,722 tỷ đồng, trong đó vốn NSNN và nguồn thu hợp pháp của UTH là 22,133 tỷ đồng; vốn BOT là 34,589 tỷ đồng. Mức thu phí được xác định là 381.000 đồng/sinh viên/tháng; thời gian hoàn vốn là 29 năm 1 tháng.

Theo kế hoạch, Dự án BOT Ký túc xá được khởi công năm 2014, hoàn thành vào năm 2015, thời gian xây dựng là 18 tháng.

Một điều khoản quan trọng được ấn định tại Hợp đồng Dự án BOT Ký túc xá là nhà đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ bảo đảm thực hiện hợp đồng với số tiền bảo đảm là 2% giá trị của phần vốn BOT bằng bảo lãnh ngân hàng hoặc tiền mặt. Thời hạn của bảo đảm nghĩa vụ là từ khi ký kết hợp đồng đến khi hoàn thành Dự án.

Trên thực tế, Dự án BOT Ký túc xá đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 11/2014. Tại thời điểm này, đây cũng là một trong những dự án xã hội hóa ký túc xá đầu tiên được triển khai trên địa bàn cả nước.

Tuy nhiên, trái với kỳ vọng và sự trông đợi của các sinh viên, kể từ năm 2014 đến nay, Dự án này có rất ít biến chuyển, thậm chí trở thành “trái đắng” của cả lãnh đạo cơ quan nhà nước lẫn nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.

Tại Kết luận số 868, Thanh tra Bộ GTVT cho biết, đến thời điểm 31/1/2024, Dự án BOT Ký túc xá vẫn chưa được hoàn thành, mới chỉ hạ được 112 cọc D400 với giá trị thực hiện khoảng 1,1 tỷ đồng. Trước đó, tháng 10/2017, nhà đầu tư đã có văn bản xin tạm ngừng và rút vốn khỏi Dự án.

Thanh tra Bộ GTVT cho biết, theo quy định hợp đồng, nhà đầu tư phải nộp số vốn chủ sở hữu là 5,5 tỷ đồng, chiếm 16% tổng vốn đầu tư Dự án BOT Ký túc xá.

Vào ngày 13/10/2016, Vinaconex - PVC có văn bản báo cáo tình hình huy động vốn của Dự án, trong đó phần vốn chủ sở hữu đã huy động là 5,6 tỷ đồng, được chứng minh bằng hình chụp sổ phụ của ngân hàng, thời điểm góp vốn là ngày 8/5/2015.

Bên cạnh đó, Công ty TNHH BOT GTVT Sài Gòn cũng có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty TNHH MTV lần đầu ngày 19/3/2014; đăng ký thay đổi lần thứ nhất vào ngày 25/9/2014 với số vốn điều lệ là 5,6 tỷ đồng, chủ sở hữu là Vinaconex - PVC.

Thanh tra Bộ GTVT chỉ ra, Công ty TNHH BOT GTVT Sài Gòn được thành lập năm 2014, trước khi Hợp đồng Dự án BOT Ký túc xá được ký kết. Theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Công ty TNHH BOT GTVT Sài Gòn hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực, không phải thành lập để thực hiện, quản lý riêng Dự án BOT Ký túc xá như quy định. Vinaconex - PVC góp vốn 5,6 tỷ đồng là để thành lập Công ty TNHH BOT GTVT Sài Gòn, chứ không phải góp vốn cho Dự án BOT Ký túc xá.

“Như vậy, đến thời điểm thanh tra, nhà đầu tư không thực hiện được cam kết về huy động vốn chủ sở hữu. Điều này dẫn đến Dự án BOT Ký túc xá không thể hoàn thành đúng tiến độ, cam kết trong hợp đồng BOT”, Thanh tra Bộ GTVT kết luận.

Ngoài việc không góp đủ vốn chủ sở hữu, Vinaconex - PVC cũng thất bại trong việc huy động vốn vay thương mại. Tháng 12/2016, nhà đầu tư đã ký được hợp đồng tín dụng trị giá 15 tỷ đồng với Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM. Tuy nhiên, do không đáp ứng được các yêu cầu về điều khoản thế chấp, nên Công ty TNHH BOT GTVT Sài Gòn không thể giải ngân được phần vốn vay từ Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM.

Nghi vấn vi phạm Luật Đấu thầu

Không chỉ thất bại trong quá trình thực hiện Dự án BOT Ký túc xá, UTH cũng không làm tròn trách nhiệm trong việc xử lý các vấn đề hậu dự án.

Cụ thể, mặc dù Bộ GTVT đã nhiều lần nhắc nhở Hội đồng trường và lãnh đạo UTH trong việc chấm dứt hợp đồng BOT, chuyển sang hình thức đầu tư khác để sớm đưa Dự án vào khai thác, nhưng đến thời điểm thanh tra, UTH vẫn chưa thực hiện đầy đủ các chỉ đạo này. Bên cạnh đó, nhà trường vẫn chưa thể thu hồi bảo lãnh thực hiện hợp đồng trị giá khoảng 2 tỷ đồng từ nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án

Không chỉ lúng túng trong việc triển khai Dự án BOT Ký túc xá, một công trình hạ tầng khác sử dụng vốn NSNN cũng bị Thanh tra Bộ GTVT phát hiện có những vết gợn lớn là Dự án Đồng Nai.

Dự án Đồng Nai được Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư lần đầu vào tháng 10/2015 với tổng mức đầu tư 256 tỷ đồng, sử dụng vốn NSNN trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ GTVT và vốn từ quỹ phát triển của UTH.

Theo kế hoạch, Dự án Đồng Nai phải hoàn thành vào năm 2020, nhưng đến đầu năm 2024, công trình vẫn chưa được nghiệm thu, đưa vào sử dụng. Việc kéo dài tiến độ thực hiện dự án này thậm chí còn chưa được cấp quyết định đầu tư phê duyệt.

Với tính chất là công trình nhóm B, Dự án Đồng Nai đã chậm tiến độ tới 4 năm, vi phạm khoản 2, Điều 52, Luật Đầu tư công (các chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, các dự án mới phải bảo đảm thời gian bố trí vốn thực hiện dự án nhóm A không quá 6 năm, nhóm B không quá 4 năm, nhóm C không quá 3 năm).

Tại Dự án Đồng Nai, sai sót còn xuất hiện tại Gói thầu số 9 - thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị các hạng mục khối giảng đường A4, A5, hành lang nối A4 - A5 và hạ tầng kỹ thuật tổng thể, giá gói thầu 203.825 tỷ đồng.

Với gói thầu này, liên danh Công ty Hoàng Nguyên - Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng trúng thầu, giá trị hợp đồng sau khi điều chỉnh là 200,267 tỷ đồng. Công ty Hoàng Nguyên đứng đầu liên danh, thi công 28,63% giá trị hợp đồng.

Thanh tra Bộ GTVT cho rằng, có dấu hiệu Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng tham gia dự thầu Gói thầu số 9 chỉ là hình thức, thực chất là cho Công ty Hoàng Nguyên mượn năng lực để tham gia dự thầu.

Cụ thể, Công ty Hoàng Nguyên chưa có nhiều kinh nghiệm về xây dựng, chưa có đủ năng lực về kỹ thuật hợp đồng tương tự, nhân lực, máy móc thiết bị phục vụ công trình. Đơn vị này phải liên danh với Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng có nhiều kinh nghiệm hơn, thì mới đủ năng lực dự thầu Gói thầu số 09. Ít kinh nghiệm hơn, nhưng Công ty Hoàng Nguyên lại đứng đầu liên danh đấu thầu.

Một điểm khó hiểu khác là theo hợp đồng xây lắp, Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng thực hiện tới hơn 70% giá trị hợp đồng, nhưng phụ lục hợp đồng ký ngày 6/6/2018 giữa UTH và liên danh lại quy định, Công ty Hoàng Nguyên chịu trách nhiệm xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho chủ đầu tư và chịu trách nhiệm kê khai nộp thuế hóa đơn đã xuất. Nội dung này bị đánh giá là không phù hợp với nguyên tắc kế toán.

“Thực chất, đây là việc hợp thức hóa cho việc Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng thi công không đầy đủ khối lượng theo hợp đồng đã ký với chủ đầu tư”, Thanh tra Bộ GTVT đánh giá.

Theo tài liệu UTH cung cấp và hồ sơ thanh toán khối lượng hoàn thành đợt 5 (lần 1), Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng đã thực hiện 63,207 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm thanh tra, nhà thầu này mới chỉ thực hiện, xuất hóa đơn tài chính cho trường với giá trị 11,946 tỷ đồng; còn Công ty Hoàng Nguyên thực hiện và xuất hoá đơn cho UTH với giá trị 117.925 tỷ đồng. Biên bản nghiệm thu công việc khối lượng thi công nói trên cũng không có chữ ký của người phụ trách trực tiếp thi công của Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng.

Đặc biệt, Hợp đồng Gói thầu số 09 có quy định: bên B không được chuyển nhượng lại toàn bộ hợp đồng hoặc một phần của hợp đồng hoặc bất cứ phần lợi ích, quyền lợi trong hợp đồng cho bên khác.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, Thanh tra Bộ GTVT phát hiện, Công ty Hoàng Nguyên chuyển nhượng cho thầu phụ thi công không có trong hồ sơ dự thầu, vượt 10% giá trị hợp đồng mà không được chủ đầu tư, tư vấn giám sát chấp thuận. Công ty Hoàng Nguyên cũng không cung cấp được bất cứ chứng từ, hồ sơ chứng minh đơn vị tự thi công công trình cho Đoàn thanh tra.

“Đây là lỗi vi phạm Luật Đấu thầu rất nặng. Trong trường hợp không chứng minh được kết luận của Thanh tra Bộ GTVT là không đúng, Công ty Hoàng Nguyên có thể bị cấm tham gia đấu thầu từ 1 đến 3 năm”, một chuyên gia đấu thầu nhận định.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư