Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Trường Đại học Y Dược Thái Bình: Xứng danh Anh hùng Lao động
Quý Hưng - 16/02/2016 15:21
 
Trường đại học Y Dược Thái Bình có bề dày gần 50 năm hoạt động. Bước vào năm mới 2016, Trường vinh dự được đón nhận phần thưởng cao quý Anh hùng Lao động của Đảng và Nhà nước trao tặng.
TIN LIÊN QUAN

Một chặng đường phấn đấu Anh hùng

Trong kháng chiến chống Mỹ, Trường đã đào tạo một lượng lớn y, bác sĩ phục vụ công tác y tế, cứu chữa cho thương binh và nhân dân. Trong những năm đổi mới, cùng với việc tăng nhanh số lượng và chất lượng đào tạo đại học, Trường đã vươn lên đào tạo bác sĩ chuyên khoa II, thạc sĩ, tiến sĩ… trở thành một trường đại học y dược lớn của đất nước, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân, góp phần phát triển ngành y tế Việt Nam hiện đại.

Gần nửa thế kỷ trước, giáo viên, sinh viên nhà trường đã gồng gánh đi sơ tán để bám trường, bám lớp; 125 bác sĩ xung phong tham gia quân đội; 18 thầy cô giáo và sinh viên đã hy sinh quên mình bảo vệ Trường trong hai ngày 17 -18/7/1972, khi máy bay Mỹ ném bom hủy diệt.

NGND.GS.TS Lương Xuân Hiến, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng cùng lãnh đạo  Trường Đại học Y Dược Thái Bình nhận danh hiệu Anh hùng Lao động
NGND.GS.TS Lương Xuân Hiến, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng cùng lãnh đạo Trường Đại học Y Dược Thái Bình nhận danh hiệu Anh hùng Lao động

Đó chính là khởi nguồn của truyền thống Anh hùng, khơi nguồn sức mạnh truyền thống để các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường lập nên những thành tích đặc biệt xuất sắc, trở thành một trường đại học y dược lớn của đất nước.

Ngày đầu thành lập, Trường chỉ có 91 cán bộ, trong đó có 28 cán bộ giảng dạy. Nhưng gần nửa thế kỷ qua, vượt lên bao khó khăn thiếu thốn, phấn đấu kiên cường, Trường đại học Y Dược Thái Bình đã có sự phát triển vượt bậc với 12 phòng, ban, khoa và 36 bộ môn, 6 trung tâm, 3 đơn vị phục vụ, với trên 600 cán bộ, trong đó có 386 cán bộ giảng dạy. Đặc biệt, từ không có cán bộ trình độ trên đại học, nay Trường đã có 86% cán bộ giảng dạy trình độ trên đại học, có 1 giáo sư, 14 phó giáo sư, 43 tiến sĩ, 32 cán bộ khác đang nghiên cứu sinh ở trong và ngoài nước, 175 thạc sĩ, 14 bác sĩ chuyên khoa cấp II, có Hội đồng Chức danh Giáo sư...

 Từ  mấy chục đảng viên, nay Đảng bộ Trường có số đảng viên lớn nhất Khối các cơ quan tỉnh Thái Bình với 700 đảng viên, 52 chi bộ, nhiều năm liền đạt “Đảng bộ trong sạch vững mạnh” và “Trong sạch vững mạnh tiêu biểu”. Đoàn thanh niên Trường  luôn là đơn vị dẫn đầu, được tặng Huân chương Lao động hạng Ba, Công đoàn liên tục là “Công đoàn cơ sở vững mạnh xuất sắc”, được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Đây vừa là kết quả, vừa là những lực lượng chủ công làm nên bảng vàng thành tích của Trường trong suốt chặng đường đã qua.

Không ngừng đổi mới

Những năm đầu của thập kỷ 80 thế kỷ XX, khó khăn của đất nước ảnh hưởng đến sự sống còn của Trường. Trước thử thách cam go, Đảng bộ, Ban Giám hiệu cùng tập thể nhà trường quyết tâm đổi mới, nhất là đổi mới đào tạo, nghiên cứu khoa học đáp ứng nhu cầu khu vực tam nông (nông dân, nông nghiệp, nông thôn).

Từ chủ trương trên, Trường nhanh chóng chuyển hướng đào tạo bác sĩ đa khoa sang bác sĩ cộng đồng, bác sĩ chuyên tu cho tuyến y tế cơ sở, nhờ đó mà chỉ tiêu tuyển sinh tăng lên, đầu ra cho sinh viên tốt hơn. Trường mở rộng các loại hình đào tạo như hệ dài hạn 6 năm, ngắn hạn 3 năm, 2 năm, bác sĩ chuyên khoa cấp I tập trung và tại chức…, từ đó lượng sinh viên trở lại thời kỳ mạnh mẽ, trên dưới 2.000 sinh viên/năm.

Trên đà phát triển, bước vào những năm 1990, Trường chuyển hướng đào tạo nhiều cấp, đa ngành, quy mô lớn. Đồng thời nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, mở rộng và triển khai các ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến phục vụ đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân; tiếp tục mở rộng các mã ngành đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp II và cao học, bổ túc, phổ cập ngoại ngữ và tin học cho cán bộ, sinh viên…

Với những nỗ lực đó, 10 năm gần đây, lượng sinh viên nhập học và ra trường  hàng năm đều trên 1.000 sinh viên. Năm học 2015 - 2016, Trường có gần 7000 sinh viên - cao nhất từ trước tới nay, trong đó số lưu học sinh Lào, Campuchia là 300. Trường mở rộng thêm đào tạo đại học dược, cử nhân điều dưỡng, y tế công cộng, vươn lên đào tạo tiến sĩ, đánh dấu bước phát triển mới. Trường còn nhanh chóng thực hiện quy trình đào tạo mới theo học chế tín chỉ, đổi mới hình thức đánh giá kết quả học tập của sinh viên bằng thi trắc nghiệm trên máy vi tính và thi viết cải tiến.  

Đến nay, Trường đã đào tạo được 18.000 bác sĩ, dược sĩ đại học; trên 2.000 học viên sau đại học, giải quyết một nguồn nhân lực y tế lớn cho đất nước. Đặc biệt, từ năm 1968, Trường đã đào tạo cho lưu học sinh Lào và từ năm 1982 đào tạo cho lưu học sinh Camphuchia, với tổng số trên 600 bác sĩ, tạo lực lượng nòng cốt cho hệ thống y tế nước bạn và góp phần củng cố tình hữu nghị của 3 nước Đông Dương.

Trường cũng đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, tạo nguồn lực lao động khỏe cho công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Lớp lớp thế hệ sinh viên của Trường nhiều người đã trở thành giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, sở y tế, bệnh viện.

Nghiên cứu khoa học và công nghệ cũng là một điểm sáng của Trường, với sự tham gia tích cực của cán bộ giảng dạy và sinh viên, thực hiện hơn 1.400 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, cấp bộ, tỉnh, cấp nhánh Nhà nước và cấp Nhà nước. Đặc biệt, Trường có một đề tài đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, 19 Bằng Lao động sáng tạo, 9 Huy chương tuổi trẻ sáng tạo,  36 đề tài đoạt giải thưởng VIFOTEC và  91 giải Đặc biệt, Nhất, Nhì, Ba trong 17 kỳ Hội nghị Khoa học công nghệ tuổi trẻ các trường y dược Việt Nam. Hiệu quả thiết thực nhất là nghiên cứu khoa học đã gắn với bồi dưỡng, nâng cao trình độ cán bộ, đã có 67 luận án tiến sĩ, 7 luận án bác sĩ chuyên khoa II và nhiều luận văn thạc sĩ thành công từ đề tài nghiên cứu khoa học. Không nhiều trường đại học có được kết quả đáng ghi nhận như thế.

Trên lĩnh vực công nghệ, Trường đã vận hành Labo Y sinh học phân tử và triển khai kỹ thuật PCR, xác định điểm đột biến gen, giải trình tự gen ứng dụng trong chẩn đoán một số bệnh do virus, vi khuẩn, ký sinh trùng, kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học phát hiện virus H5N1, H1N1. Sản xuất thành công chế phẩm vi sinh (AT-YTB), đạt kết quả tốt trong xử lý ô nhiễm môi trường các bãi rác, chuồng trại, phế phẩm nông nghiệp trên nhiều tỉnh; sản xuất thành công sản phẩm siro chống đau, chè túi lọc, tinh dầu, cao ngải diệp, tinh dầu tiếp cốt... điều trị các bệnh xương khớp.

Trong công tác hợp tác quốc tế, Trường là thành viên Tổ chức Hợp tác Đại học Pháp ngữ thế giới, quan hệ với nhiều tổ chức quốc tế, trường đại học và nhiều nhà khoa học nổi tiếng của Pháp, Mỹ, Úc, Hà Lan, Thụy Điển, Đức, Hungary, Bungary, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan. Nhiều chương trình, dự án hợp tác quốc tế trị giá hàng triệu USD được triển khai hiệu quả. Qua đó, hàng trăm lượt cán bộ đã có điều kiện ra nước ngoài nâng cao năng lực chuyên môn, tiếp thu tiến bộ khoa học.

Trường là một đơn vị tiên phong xây dựng bệnh viện trong trường đại học. Bệnh viện Y Dược Thái Bình hiện có quy mô gần 300 giường bệnh, mỗi năm khám và điều trị trung bình 140.000 lượt người. Bệnh viện đã triển khai và ứng dụng thành công các kỹ thuật điều trị mới, như sỏi tiết niệu bằng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể, mổ nội soi ổ bụng, phẫu thuật nội soi cắt đại tràng trái do ung thư, phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo, phẫu thuật thay thủy tinh thể bằng phương pháp phaco lạnh, phẫu thuật nội soi tai mũi họng, thận nhân tạo, phẫu thuật thần kinh cột sống, sọ não... giúp nhiều bệnh nhân nặng không phải chuyển lên tuyến trên..., là địa chỉ tin cậy của người bệnh trong khu vực. 

Về cơ sở vật chất, nếu ngày đầu, Trường chỉ là những mái nhà tranh tre, nứa lá thì đến nay, đã sừng sững 2 khu khang trang, hiện đại trên diện tích 8,5 ha, gồm khu làm việc, giảng đường, bệnh viện, nhà ăn, thư viện; ký túc xá sinh viên; trung tâm thể thao đa năng đáp ứng nhu cầu ăn, ở, luyện tập, cho hàng ngàn sinh viên và đang xây dựng nhà hiệu bộ, giảng đường, thư viện 15 tầng. Bên cạnh đó, Trường còn đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ giảng dạy, học tập.

Trường cũng là địa chỉ hồng với các hoạt động từ thiện, nhân đạo, xã hội nhất là hiến máu nhân đạo với 1.300 đơn vị máu mỗi năm, giúp cứu sống hàng nghìn lượt bệnh nhân.

Phát huy truyền thống Anh hùng

Nhà giáo Nhân dân, GS.TS Lương Xuân Hiến - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Thái Bình  khẳng định, danh hiệu “Anh hùng Lao động” mà Đảng và Nhà nước trao tặng cho Trường là sự ghi nhận, đánh giá cao những thành tựu và cống hiến  của các thế hệ cán bộ viên chức, học viên, sinh viên nhà trường trong gần nửa thế kỷ “dạy tốt, học tốt”. Nhất là giai đoạn 10 năm gần đây, Trường “có những thành tích đặc biệt xuất sắc đào tạo nguồn nhân lực y tế, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.

 Để xứng đáng với phần thưởng cao quý, cán bộ viên chức, học viên, sinh viên nhà trường phải tiếp tục phấn đấu thực hiện thành công chiến lược phát triển đến năm 2020 trở thành trường trọng điểm vùng Đồng bằng Bắc bộ, đào tạo đa ngành, đa cấp, góp phần đáp ứng nhu cầu nhân lực ngành y tế cho khu vực phía Bắc cùng hai nước Lào, Campuchia, đưa trường thành trung tâm khoa học y học, hội nhập khu vực và quốc tế.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư