Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An): Kỳ tích ở vùng đất học xứ Nghệ
Trung Hiếu - Hoàng Hảo - 19/03/2014 11:14
 
Người Nghệ An luôn tự hào nhắc đến Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu.Từ ngôi trường này, biết bao thế hệ học trò đã trưởng thành, nhiều người trở thành nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học, chính trị gia, doanh nhân, nhà quản lý đang giữ các chức vụ quan trọng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp lớn…

Từ những lớp chuyên “đặc biệt” đầu tiên thời chiến tranh

Mặc dù nằm trong vùng trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân, hải quân Mỹ, và cũng là một trong những địa phương gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nhất, nhưng bắt đầu từ năm học 1965-1966, lãnh đạo tỉnh Nghệ An mà trực tiếp là Ty Giáo dục (nay là Sở Giáo dục và Đào tạo) đã mở các lớp chuyên Toán “đặc biệt” đầu tiên ở một số trường THPT do các thầy giáo Phạm San, Nguyễn Duy Tịnh, Nguyễn Khắc Tuệ, Nguyễn Tiến Lễ… giảng dạy và chủ nhiệm.

Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu

Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu luôn nằm trong top đầu cả nước về thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi trong nhiều năm liền

Rồi những niên khóa tiếp theo, mặc dù bom đạn ngày đêm cày xéo, nhưng với tư duy sáng tạo, từ năm 1969, Ty Giáo dục Nghệ An lại tiếp tục mở thêm lớp chuyên Văn đặt ở Trường cấp III Đô Lương I. Thầy giáo Phan Huy Huyền, tiếp đến là các thầy Nguyễn Duy Tý, Hoàng Quỳ, Nguyễn Tấn Dương… là những người giáo viên đầu tiên giảng dạy và phụ trách các lớp chuyên Văn. Nhiều học sinh các lớp năng khiếu ngày ấy, bây giờ đã trưởng thành và có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước.

Ở các lớp chuyên Toán, một số học sinh tiêu biểu như Thái Bá Cần, hiện là giảng viên cao cấp, PGS-TS, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Phó chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam; Vũ Quốc Phóng, hiện là GS-TSKH, đang công tác tại Trường Đại học Ohio (Mỹ); Tô Hồng Hải, nguyên là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trường Ban Tuyên giáo tỉnh Nghệ An; Nguyễn Hữu hiện là GS-TS, Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt; Nguyễn Văn Cao, hiện là Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế; Nguyễn Hồng Trường, hiện là Tiến sỹ, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải; Trần Nhật Thành hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty Delta; Nguyễn Duy Chiến - Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan…

Các lớp chuyên Văn cũng có nhiều người tiêu biểu, như GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Phan Xuân Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quốc hội - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Nguyễn Viết Ngoạn - GS-TS, Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn; Phan Văn Thư - Phó giám đốc Học viện Tư pháp; PGS-TS Trương Đăng Doanh - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn học; Nguyễn Sỹ Dũng (hiện nay là Tiến sỹ - Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội); Nguyễn Đức Hiền - Đại biểu Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Quốc Hội; Hồ Quang Lợi - Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; Võ Thị Hảo - Tiến sỹ, Nhà văn; Nguyễn Thành Thi - PGS-TS Văn học - Trưởng khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm TP.HCM; GS-TS Nguyễn Thanh Lâm - nguyên giảng viên Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp (Liên Xô cũ); PGS-TS Nguyễn Cảnh Huệ - quyền Trưởng khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm TP.HCM; Đinh Trí Dũng - PGS-TS, nguyên Chủ nhiệm khoa Ngữ văn Đại học Vinh, nay là Giám đốc Nhà Xuất bản Đại học Vinh…

Đến sự ra đời ngôi trường mang tên nhà yêu nước Phan Bội Châu

Ngày 15/10/1974, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Nghệ An dẫn đầu là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Sỹ Quế tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Trường Năng khiếu cấp III nội trú trên cơ sở hợp nhất các lớp cấp III phổ thông chuyên Văn, chuyên Toán “đặc biệt” tại các trường cấp III Đô Lương II và cấp III Thanh Chương I. Xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu được chọn làm địa điểm xây dựng trường.

Sau 50 ngày đêm vất vả, hăng say lao động, 39 thầy cô giáo, cán bộ nhân viên và hơn 100 học sinh các lớp chuyên Văn, chuyên Toán cùng với sự giúp sức của nhân dân, chính quyền xã đã dựng lên những lớp học đơn sơ trên vùng đất trống để kịp khai giảng năm học mới 1974 - 1975.

Nghệ An tự hào là tỉnh có trường chuyên đầu tiên của miền Bắc, loại hình trường học có nhiệm vụ trên cơ sở giáo dục toàn diện, phát hiện và bồi dưỡng học sinh có năng khiếu, tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Năm 1977, trường đổi tên thành Trường năng khiếu cấp III Nghệ Tĩnh (nay là Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu). Từ năm 1977 đến 1981, địa điểm trường đóng tại xã Hưng Lộc, TP Vinh; thời gian này (cho đến năm 1991), nhà trường tuyển sinh trên địa bàn tỉnh Nghệ Tĩnh. Từ năm 1981 đến nay, Trường được chuyển về số 48 - đường Lê Hồng Phong (TP. Vinh).

Từ 6 lớp chuyên Toán, chuyên Văn và 39 cán bộ giáo viên, cán bộ công nhân viên của ngày đầu thành lập; ngày nay trường có 33 lớp, đầy đủ 11 môn chuyên (Toán, Tin, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa, Anh, Pháp, Nga) với 107 cán bộ, giáo viên, công nhân viên; 2 tiến sĩ toán học, 2 người đang làm nghiên cứu sinh (Hóa học, Ngữ văn), 80 thạc sĩ, 2 người đang học thạc sĩ.

50 năm hệ chuyên, 40 năm thành lập trường chuyên chưa phải là dài so với các trường THPT trên cả nước, nhưng mái trường này đã phát hiện và bồi dưỡng nhiều thế hệ học trò đã vượt lên mọi gian nan, thử thách để học tập và thành tài. Những “sản phẩm đặc biệt” đó khi “ra lò” đều phát huy tốt phẩm chất, trí tuệ của quê hương “thầy đồ xứ Nghệ”, của xứ sở từ xưa đã nổi tiếng hiếu học, học giỏi và đỗ đạt cao, góp phần quan trọng vào sự nghiệp “trồng người”, vào sự phát triển giáo dục và đào tạo của quê hương, đất nước.

Các thế hệ học sinh của Nhà trường đã làm rạng danh mái trường mang tên nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu, bồi đắp thêm truyền thống hiếu học của quê hương xứ Nghệ.

Đã có 26 lượt học sinh dự thi học sinh giỏi quốc tế và khu vực ở các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Tin học, trong đó có 4 Huy chương Vàng, 5 Huy chương Bạc, 6 Huy chương Đồng, 3 Bằng khen tại các kỳ thi Olympic HSG Quốc tế và châu Á. Tiêu biểu như học sinh Nguyễn Tất Nghĩa (khóa 35), 2 năm liên tiếp 2007, 2008 giành 2 Huy chương Vàng Olympic Vật Lý Quốc tế và HCV Olympic Vật Lý châu Á.

Hơn 1.000 học sinh đạt giải quốc gia, Trường luôn nằm trong top đầu cả nước về thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi trong nhiều năm liền. Đặc biệt, năm học 2013 - 2014, trường THPT Chuyên Phan Bội Châu đứng đầu cả nước về số lượng học sinh giỏi quốc gia với 84 em đoạt giải, trong đó có 12 em được chọn dự thi vòng 2 vào đội tuyển Việt Nam dự thi Olympic học sinh giỏi Quốc tế. Hàng vạn học sinh các thế hệ thi đỗ vào đại học, trong đó có hàng trăm em đỗ thủ khoa các trường danh tiếng. Không chỉ học sinh khối A mang lại niềm tự hào cho nhà trường, mà các học sinh khối C cũng không kém, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu đã ươm mầm và nuôi dưỡng nên rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học nổi tiếng như: Võ Thị Hảo, Nguyễn Đăng Điệp, Giáng Hương, Hồng Thái, Trần Kim Hoa, Như Bình, Đinh Thu Hiền, Lê Hồ Quang, Lê Thị Thu Thủy, Đường Hải Yến, Dương Nữ Khánh Thương, Phan Thúy Thảo, Dương Nữ Cẩm Tâm…

Ghi nhận công lao các thế hệ thầy cô giáo, cán bộ công nhân viên và học sinh, Đảng và Nhà nước có nhiều phần thưởng cao quý dành cho mái trường: 2 lần được Chính phủ tặng cờ Thi đua (2003, 2007), Huân chương Lao động hạng III (1994), Huân chương Lao động hạng II (1999), Huân chương Lao động hạng Nhất (2004), Huân chương Độc lập hạng III (2009), Anh hùng Lao động (5/2013), 2 lần được tôn vinh trong chương trình Vinh quang Việt Nam (2007, 2013).

Với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp giáo dục đào tạo, 16 giáo viên của Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu đã được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, 15 giáo viên được tặng Huân chương Lao động hạng III, 20 giáo viên được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và hàng trăm lượt nhà giáo được tặng Bằng khen của các cấp, các ngành.

Ngày 23/3/2014, nhân dịp kỷ niệm 50 năm hệ chuyên và 40 năm thành lập, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động. Đó là niềm vinh dự cho tất cả các thế hệ thầy trò nhà trường, nhưng cũng là trách nhiệm lớn lao cho thầy trò phấn đấu giữ vững danh hiệu trong những bước đường phía trước, để xứng đáng với truyền thống vinh quang của mái trường chuyên trên quê hương đất học xứ Nghệ.

Nghệ An dồn lực thu hút FDI
Một sự hứng khởi nhìn thấy rõ, khi thông tin từ UBND tỉnh Nghệ An cho biết, năm 2013 là năm có số đoàn các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư